Từ trộm vặt…chim, vịt
Sự việc ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Quảng Nam bị mất chim chào mào trở thành mối quan tâm của rất nhiều người. Theo cáo trạng của KSND TP Tam Kỳ, vào khoảng 13 giờ ngày 14.7.2015, hai đối tượng là Tùng và Tấn đã đến nhà ông Bảo (phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) để trộm chim. Hai lồng chim do Tấn và Tùng trộm được có hai chú chim chào mào, được bán với giá 2 triệu đồng. Thấy vụ đầu trót lọt, ngày 17.7.2015, Tùng tiếp tục chở Tấn quay lại nhà ông Bảo. Với thủ đoạn như trên, cả hai lấy được thêm một lồng chim chào mào. Tuy nhiên, ở lần thứ 2 này khi chưa kịp bán chim thì cả hai bị công an huyện Phú Ninh phát hiện và bắt giữ.
Nam thanh niên ăn trộm vịt bị người dân bắt được. I.T.
Vào nửa đầu tháng 1.2016 trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại hình ảnh một nam thanh niên ăn trộm vịt bị người dân bắt được và dùng gậy đánh đập. Theo ông Nguyễn Ngọc Ngấn – Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên sự việc trên xảy ra tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện biên vào sáng ngày 8.11.2015. Theo đó, nam thanh niên đã đột nhập vào khu vực trang trại của gia đình đồng chí Phó chủ tịch xã trộm cắp vịt thì bị người dân bắt được.
… đến manh động đâm người
Vào khoảng 2h sáng 30.12.2015, ông Nguyễn Văn Út - Bí thư huyện ủy Đức Hòa - ở ấp Bình Thủy, xã Hòa Khánh Đông (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) phát hiện cửa phòng ngủ của mình bị mở. Thấy vậy ông liền thức dậy đóng cửa thì phát hiện một người lạ mặt đang nấp cạnh giường ngủ.
Ông Út khóa tay kẻ đột nhập và tri hô thì bị đồng phạm hắn rút súng hăm dọa đòi bắn. Ông Út liền đẩy tên trộm ra thì bị hắn rút dao chống cự làm ông Út bị thương ở chân. Lúc này Nguyễn Thanh Tâm, con trai ông Út nghe tiếng động liền từ trên lầu chạy xuống và cùng cha đuổi theo tên trộm ra hướng cổng rào.
Ngoài cổng rào còn có 2 thanh niên khác, 1 tên dùng hung khí bắn không gây tiếng nổ, trúng vùng hông trái của Tâm. Sau đó, cả bọn lên xe 4 chỗ tẩu thoát.
Xung quanh vấn đề này, nhiều người cho rằng, ngoài việc kỳ vọng vào tài sản giá trị, phải chăng các đối tượng này đang có ý “thách thức” với luật pháp? Bạn đọc Nguyễn Thái Nam (Long An) nêu ý kiến: “Nhà cán bộ cửa kín, tường cao mà còn mất của thì nhà dân tuềnh toàng có khó gì đâu. Trộm giờ cũng gớm mặt, cứ như là thách thức cả chính quyền”.
Ảnh minh họa. I.T
Bạn đọc Nguyễn Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) lại cho rằng, có thể sự chủ quan của gia chủ cộng với “tiếng đồn” về sự giàu có mới khiến các đối tượng kia đột nhập vào. “An ninh ở nhiều nơi hiện nay cũng đã khá lỏng lẻo. Thêm vào đó, có thể nhiều vị cán bộ chủ quan, tin tưởng vào sự đảm bảo an ninh của nhà mình như kín cổng cao tường, có camera giám sát nên tạo cơ hội cho các đối tượng xấu chăng?”, bạn đọc Nguyễn Thủy đặt câu hỏi.
Bình luận về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc công ty luật Đại Nam cho rằng: Ngoài lý do an ninh đia phương không tốt thì thông thường kẻ trộm nghĩ là những người có điều kiện có tài sản. Mặt khác, có khi những gia đình cán bộ thường không khai báo bởi có thể tài sản đó không lớn với họ, đồng thời người ta ngại khai báo vì không thích lộ thông tin tài sản của gia đình. Đó là chưa kể, khi khai báo thì cơ quan công an an ninh đến làm việc sẽ mất thời gian, có khi lại gặp rắc rối, lộ ra chuyện khác.
“Cũng có thể, ở một góc độ khác, ngay cả kẻ trộm đôi khi cũng có lòng trắc ẩn, chúng nghĩ rằng nếu lấy của người giàu thì thiệt hại là không đáng kể so với tài sản của người ta, nếu lấy của người nghèo thì cũng như chó cắn áo rách”, luật sư Tuấn chia sẻ.
Dưới góc độ phân tích tâm lý tội phạm, Đại tá, PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát Nhân dân) cho rằng, không cứ gì nhà cán bộ hay dân, cứ sơ hở, mất cảnh giác là trộm “ghé thăm”. “Bản chất của kẻ trộm là cứ thấy tài sản sơ hở, có điều kiện thuận lợi là chúng ăn cắp, thậm chí chúng còn tạo ra sơ hở hoặc nghiên cứu những sơ hở trong quy luật sinh hoạt để trộm cắp, bất kể tài sản đó là của ai. Bởi vậy mọi người cần áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sơ hở đó như: cửa, cổng phải khóa cẩn thận; hạn chế sử dụng tiền mặt, nên sử dụng giao dịch thanh toán qua tài khoản; lắp đặt các thiết bị an ninh; hạn chế sơ hở trong quy luật sinh hoạt...”, PGS – TS Đỗ Cảnh Thìn chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.