Vì sao Tổng thống Putin sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân?

Lê Phương (Express) Thứ bảy, ngày 30/04/2022 15:27 PM (GMT+7)
Tổng thống Vladimir Putin đã tăng cường những tuyên bố về chiến tranh hạt nhân trong tuần qua làm dấy lên lo ngại về sự hủy diệt toàn cầu, nhưng sau đó một chuyên gia đã bác bỏ nguy cơ này.
Bình luận 0
Chuyên gia giải thích lý do vì sao Tổng thống Putin sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân - Ảnh 1.

Tổng thống Vladimir Putin đã tăng cường những tuyên bố về chiến tranh hạt nhân trong những ngày gần đây. Ảnh: Getty

Hôm 27/4, Tổng thống Putin cảnh báo rằng nếu bất kỳ quốc gia nào can thiệp vào Ukraine, Nga sẽ đáp trả một cách "nhanh chóng và chớp nhoáng". 

Lời cảnh báo được lặp lại bởi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, người nói rằng mối đe dọa chiến tranh hạt nhân "không nên bị đánh giá thấp". Trả lời phỏng vấn của truyền thông nhà nước Nga về khả năng xảy ra xung đột hạt nhân, ông Lavrov nói: "Đây là một mối nguy có thật. Các nước không nên coi thường nó".

Những lời lẽ gay gắt được đưa ra trong bối cảnh quân đội Nga cố gắng đạt được tiến bộ trong chiến dịch ở Ukraine.

Tuy nhiên, Mark Voyger, một thành viên cấp cao của Chương trình Quốc phòng và An ninh Xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm Phân tích Châu Âu, không tin vào nguy cơ Anh hoặc Mỹ bị Nga tấn công hạt nhân.

Ông nói với Express.co.uk: "Cá nhân tôi không tin rằng Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân chiến lược vào Mỹ hay Anh. Tại sao lại như vậy? Đầu tiên, nếu họ thực sự muốn làm vậy thì họ đã làm sớm hơn. Bên cạnh đó, Anh có tên lửa hạt nhân chiến lược, tàu ngầm..., Mỹ cũng vậy, và với số lượng đủ để thiêu rụi Nga. Vì vậy, câu hỏi là liệu ông Putin cùng nước Nga có sẵn sàng mạo hiểm đẩy tất cả vào một cuộc chiến chưa nắm chắc phần thắng hay không?"

"Một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu sẽ có nghĩa là sự kết thúc của nhân loại", ông nhấn mạnh.

Ông Voyger giải thích rằng Tổng thống Putin muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine, đẩy NATO ra khỏi biên giới Nga và đe dọa phương Tây. Nhưng trên thực tế, mục tiêu chiến lược số một của ông là xây dựng lại một "Liên Xô 2.0".

"Nếu ông Putin bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu thì giấc mơ này chắc chắn sẽ sụp đổ vì Nga cũng sẽ bị thiêu rụi, vì vậy tôi không nghĩ ông ấy sẵn sàng để làm điều đó", ông Voyger nói thêm.

Ông Voyger nói Nga đã theo dõi thái độ của phương Tây trong nhiều năm và biết rằng viễn cảnh chiến tranh là vô cùng khó - đặc biệt là một cuộc chiến tranh toàn châu Âu hoặc một cuộc xung đột hạt nhân.

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden phần lớn đã bác bỏ những lời 'đe dọa' chiến tranh hạt nhân của Nga, trong đó Anh kêu gọi các đồng minh phương Tây "tăng gấp đôi" sự ủng hộ của họ đối với Ukraine.

Đầu tuần này, Tổng thống Biden nói rằng việc ông Putin tiếp tục đưa ra những bình luận "vu vơ" về chiến tranh hạt nhân là "vô trách nhiệm".

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết ông "không bối rối" trước những tuyên bố của ông Putin vì lực lượng NATO "đông hơn" Nga.

Ông Voyger kết luận: "Chúng tôi đã gửi đến Điện Kremlin những thông điệp rất mạnh mẽ. Thủ tướng Johnson và Tổng thống Biden đã tuyên bố rằng bất kỳ động thái nào từ Nga sẽ mang lại phản ứng mạnh mẽ từ phương Tây. Moscow cần hiểu rằng chúng tôi không sợ hãi!"


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem