Viện phí có thể tăng gấp 7 - 10 lần

Thứ ba, ngày 13/07/2010 06:05 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 12-7, Bộ Y tế cho biết đã gửi đến Bộ Tài chính lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Thông tư 14 về viện phí (ban hành cách đây 15 năm). Theo đó, nếu được đưa vào thực thi, viện phí mới sẽ tăng 7-10 lần.
Bình luận 0
 img
Xếp hàng khám bệnh tại Bệnh viện Lao phổi T.Ư.

Bệnh nhân nghèo lo lắng

Sáng 12-7, bà Nguyễn Thị Vinh (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) chăm người nhà đang nằm tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội than thở: "Con gái tôi vào viện ngoài tiền điều trị còn phải chi trả nhiều khoản dịch vụ không đâu, như tiền đổ rác, tiền thuê quần áo, tắm cho trẻ...".

Bà Vinh cho rằng, với những lao động nghèo thì giá viện phí bây giờ đã quá cao rồi. Nếu thật sự viện phí sẽ tăng trong thời gian tới chắc nhiều người không có khả năng chi trả.

Bà Nguyễn Thị Lý (Đồng Phú, Chương Mỹ, Hà Nội) có người nhà đang nằm điều trị tại Bệnh viện Lao phổi T.Ư cũng bức xúc: “Dù đã được bảo hiểm chi trả cho 75% tiền viện phí nhưng 25% còn lại với chúng tôi và đặc biệt là với những bệnh nặng là cả một vấn đề”. Để có tiền điều trị căn bệnh tràn dịch màng phổi cho người nhà, gia đình bà Lý đã bán sạch số lúa dự trữ mà vẫn thiếu và phải chạy đôn, chạy đáo vay mượn thêm hàng xóm.

“Nếu viện phí mà tăng có lẽ gia đình tôi phải bán nhà đi để chạy chữa cho người thân"- bà Lý lo ngại. Để có thể có tiền chi trả viện phí và các loại chi phí sinh hoạt khác, nhiều người sau khi vào viện gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Nếu viện phí tăng trong thời gian tới nhiều bệnh nhân sẽ không có đủ tiền để điều trị mà phải về nhà chờ chết.

“Không thể không tăng”

Dự kiến giá khám bệnh BHYT chuyển đúng lên tuyến T.Ư tăng từ 3.000 đồng lên 30.000 - 50.000 đồng/lần khám/người. Giường bệnh sẽ tăng từ 10.000 đồng lên 50.000 - 120.000 đồng/người/ngày. Các dịch vụ mổ đẻ, mổ ruột thừa, mổ quặm... đều tăng từ 5 - 10 lần.

Ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, nếu điều chỉnh được giá viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ thì các cơ sở sẽ có thêm nguồn hỗ trợ cho đối tượng nghèo. Hiện nay, viện phí tính chưa đúng, chưa đủ.

Cụ thể, viện phí hiện nay 60% là vào thuốc, 10% vật tư tiêu hao, chỉ còn 30% là tiền công, dịch vụ. Trong 30% ấy, 15% vẫn thực hiện theo Thông tư 14 ban hành cách đây 15 năm, nghĩa là chỉ có 2.000 - 3.000 đồng/lần khám. Do vậy, theo ông Thảo, khi viện phí được tính đủ sẽ góp phần nâng cao chất lượng và người bệnh nghèo được hỗ trợ nhiều hơn.

Hiện nay, nhiều bệnh viện bắt đầu mở các dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao phục vụ nhu cầu bệnh nhân và tính đúng tính đủ như Bệnh viện Nhi T.Ư, Việt - Đức, Phụ sản T.Ư... Tuy nhiên, nó chỉ phục vụ một đối tượng có điều kiện kinh tế khá giả.

Cần hỗ trợ người nghèo nhiều hơn

Ông Nguyễn Cao Luận - Trưởng khoa Thận (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, việc điều chỉnh viện phí là cần thiết vì giá các dịch vụ đã quá lỗi thời. Nếu điều chỉnh lại cho phù hợp, các cơ sở khám chữa bệnh sẽ có quỹ để hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo.

Thực tế hiện nay, người nghèo đang méo mặt với việc phải cùng chi trả 5% viện phí tại các bệnh viện, đặc biệt là bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện K, Bạch Mai... Tới đây, nếu giá viện phí tăng lên thì số tiền cùng chi trả 5% sẽ tăng theo. Đối tượng hưu trí, trẻ em đồng chi trả 20% cũng trong tình trạng tương tự. Do vậy, việc sớm bổ sung Quỹ 139 khám chữa bệnh người nghèo sang hỗ trợ khám chữa bệnh BHYT của đối tượng này là điều cần thiết. Bên cạnh đó, tăng viện phí cũng cần tính đến tăng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem