Viên sỏi lớn nằm trong bàng quang được tạo hình từ... ruột

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 31/07/2020 16:17 PM (GMT+7)
Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân TP.HCM vừa dùng laser công suất lớn điều trị cho một người bệnh có sỏi to trong bàng quang. Đặc biệt, đây là một trường hợp sỏi hình thành trong bàng quang tạo hình bằng ruột 22 năm cũng tại Bệnh viện Bình Dân.
Bình luận 0
Viên sỏi lớn nằm trong bàng quang được tạo hình bằng... ruột - Ảnh 1.

Các bác sĩ đang thực hiện tán sỏi cho bệnh nhân.

Cách đây 22 năm, người bệnh N (25 tuổi, TP.HCM) mắc bệnh bàng quang thần kinh bẩm sinh, đã được PGS.TS.BS.Vũ Lê Chuyên phẫu thuật tạo hình bàng quang bằng ruột tại Bệnh viện Bình Dân. Khi đó, N mới chỉ 3 tuổi, là một trong những bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được thực hiện kỹ thuật này tại bệnh viện.

Sau phẫu thuật, người bệnh hoàn toàn bình phục, phát triển bình thường với bàng quang được tạo mới. Vì sức khỏe bình thường nên N không tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ.

Gần đây, người bệnh thường xuyên đau bụng không rõ nguyên nhân. Khi siêu âm, người bệnh được phát hiện sỏi lớn trong bàng quang bằng ruột, kích thước viên sỏi đo được trên phim chụp CT bụng là 35,6 mm x 22,1 mm.

Sau khi khám và thực hiện các xét nghiệm đánh giá cho người bệnh, bác sĩ đã tư vấn cho người bệnh lựa chọn phương pháp nội soi tán sỏi bàng quang bằng laser để điều trị. Theo PGS.TS.BS.Vũ Lê Chuyên, việc ứng dụng laser công suất lớn tán sỏi bàng quang giúp người bệnh mà không phải mổ mở tránh nguy cơ phá vỡ cấu trúc của cơ quan tân tạo (tạo mới từ ruột) đã ổn định cùng với người bệnh trong 22 năm qua. Ngoài ra, phương pháp điều trị ít xâm hại này cũng giúp bệnh nhân nhanh hồi phục và hạn chế nhiễm khuẩn vết mổ.

Kỹ thuật tạo hình bàng quang bằng đoạn ruột non được thực hiện trên người bệnh có bệnh lý buộc phải cắt bỏ bàng quang như ung thư bàng quang, bàng quang thần kinh. Phẫu thuật tạo hình bàng quang mới giúp người bệnh bảo tồn chức năng tiểu tiện, đồng thời không phải đeo túi chứa nước tiểu bên ngoài cơ thể. 

Bàng quang thần kinh ở các bệnh nhi nhỏ tuổi là bệnh lý nguy hiểm. Nếu điều trị muộn, bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Nếu không can thiệp, người bệnh thường không sống đến tuổi trưởng thành được do biến chứng nhiễm trùng niệu tái phát và suy thận. Thành công trong trường hợp người bệnh này nhờ phẫu thuật kịp thời, ý thức cao của gia đình chăm sóc lúc nhỏ và người bệnh trong việc thông tiểu cách quãng. Khi sử dụng đoạn ruột để làm bàng quang, người bệnh cần tuân thủ chế độ theo dõi sau mổ định kỳ vì bàng quang bằng ruột có nguy cơ tạo sỏi.

Sỏi bàng quang tân tạo tương đối hiếm gặp, với tỉ lệ khoảng 0,5%. Nếu không được điều trị, sỏi có thể gây nhiều biến chứng như nhiễm trùng niệu, đau đớn kéo dài. Một số yếu tố nguy cơ hình thành sỏi trong bàng quang tân tạo bao gồm: Tăng tiết dịch nhầy, nhiễm trùng niệu, dị vật bàng quang. Do đó, người bệnh có bàng quang tân tạo bằng ruột cần chú ý chế độ ăn uống và tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để phát hiện sớm những vấn đề phát sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem