Việt kiều hiến kế tiêu thụ nông sản

Thuận Hải Thứ ba, ngày 10/02/2015 06:46 AM (GMT+7)
Làm sao để bảo quản trái cây tốt hơn, kéo dài thời gian lưu trữ mà vẫn giữ nguyên được chất lượng; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ nông sản; tìm hỗ trợ thông tin nông nghiệp từ đâu... là những vấn đề các doanh nhân Việt kiều đặt ra cho Bộ trưởng Bộ NNPTNT trong buổi giao lưu tổ chức sáng 9.2, tại TP.HCM.
Bình luận 0

Đây là lần đầu tiên Bộ NNPTNT trực tiếp tổ chức hội nghị kết nối các doanh nghiệp Việt kiều và doanh nghiệp trong nước, nhằm hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ cho nông sản.

Chú trọng xử lý sau thu hoạch

img
Thanh long là sản phẩm được nhiều doanh nhân Việt kiều yêu cầu các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh khâu xử lý sau thu hoạch. Ảnh: Sơ chế thanh long xuất khẩu tại HTX Tầm Vu (Long An).
Khái quát về tình hình sản xuất nông nghiệp trong nước năm 2014, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, đây là năm được mùa, được giá đối với nhiều nông sản. Việt Nam cũng tiếp tục giữ vững ngôi đầu về xuất khẩu một số sản phẩm như gạo với 6,5 triệu tấn xuất khẩu chính ngạch, 1,5 triệu tấn cà phê, 1 triệu tấn cao su… Mới đây nhất, trái cây cũng góp mặt vào nhóm hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 triệu USD. Tổng giá trị xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam 2014 đạt hơn 31 tỷ USD. Mặc dầu vậy, phần lớn nông sản xuất khẩu thô, giá trị không cao, rất nhiều nước trên thế giới dù có nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam nhưng không thể nhận diện được thương hiệu từ Việt Nam. Ngay sau khi Bộ trưởng phát biểu, bà Đinh Kim Huyền - doanh nhân Việt Kiều tại Canada cho rằng, Việt Nam luôn tự hào là nước xuất khẩu nông sản lớn nhất nhì thế giới nhưng rất khó để tìm mua được nông sản Việt trên thị trường quốc tế. Bà Huyền cho ví dụ, Việt Nam xuất khẩu đến 6,5 triệu tấn gạo mỗi năm nhưng ở Canada, hầu hết người tiêu dùng phải ăn gạo Thái Lan, vì không tìm thấy gạo Việt Nam trên thị trường. Hay như trái thanh long, là một hình ảnh rất xấu tại đất nước này.

 

“Thanh long khi xuất khẩu sang Canada không được bảo quản tốt, nhiều người mang ra bán đổ đống ở ngoài đường, nhiều trái hư hỏng, không sử dụng được, nhìn rất xấu. Cũng không có bất cứ chỉ dẫn, thương hiệu nào cho người bản xứ biết đây là sản phẩm gì, xuất xứ từ đâu. Làm xuất khẩu vậy coi như thất bại rồi!” - bà Huyền bức xúc.

Cũng theo bà Huyền, nông sản ở Canada được bán với giá rất cao, cụ thể như một cọng rau quế có giá 10USD, một quả xoài cát 30USD, một nải chuối sứ cũng từ 40USD… Do đó, nếu tận dụng được thị trường sẽ mang lại lợi nhuận lớn, thu về ngoại tệ cho đất nước.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Mai Liên - Việt kiều Nga, đại diện Công ty Miliand (Matxcơva) cho biết, bà đang quan tâm tới việc nhập khẩu các loại trái cây Việt Nam vào Israel, gồm thanh long, xoài, nhãn và vải. Đây là những sản phẩm được người tiêu dùng Nga đánh giá cao và rất ưa chuộng, tuy nhiên do quá trình bảo quản sau thu hoạch còn quá kém nên việc nhập khẩu còn nhiều khó khăn. Theo bà Liên, hiện tại, trong khi giá thành sản xuất chỉ 1USD nhưng để vận chuyển bằng đường hàng không 1kg trái sang Nga hết 6USD, làm tăng chi phí, khó cạnh tranh. Ngược lại, nếu vận chuyển bằng đường biển phải tốn từ 45 – 60 ngày, tỉ lệ hao hụt rất cao do kỹ thuật xử lý sau thu hoạch của Việt Nam còn kém. “Bộ NNPTNT có chương trình, biện pháp hỗ trợ nào cho nông dân để giúp họ bảo quản sản phẩm tốt hơn, xử lý sau thu hoạch giúp trái cây giữ được chất lượng, hương vị trong vòng 3 tháng không?” - bà Liên đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Phải hiện đại hóa nông nghiệp

Nhiều thương nhân Việt kiều đã cảnh báo những vấn đề liên quan đến thực phẩm biến đổi gen, đồng thời, phải hiện đại hóa nông nghiệp. Qua đó, mới có thể giúp nông dân thoát cảnh chân lấm tay bùn mà vẫn canh cánh lo “được mùa mất giá”. Bà Phạm Thị Kim Hoa – Việt kiều Israel, đại diện Công ty TNHH Đầu tư thương mại IVC, nhận định: Kỹ thuật sản xuất, chế biến trong nông nghiệp còn lạc hậu, thô là lý do khiến nông sản Việt Nam không được đánh giá cao trên thị trường quốc tế.

“Nông dân Israel có thể ngồi nhà, thông qua máy tính để quản lý một cánh đồng rộng lớn với năng suất rất cao, lợi nhuận lớn. Ngược lại nông dân Việt Nam nhất định phải ra đồng, chăm sóc từng cây lúa nhưng vẫn thua lỗ. Do đó, phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp cho chính nông dân” - bà Hoa kiến nghị. Còn TS nông nghiệp Đỗ Thị Đông Xuân - Việt kiều tại Hungari, đại diện Hiệp hội Người chăn nuôi gia cầm nhỏ cho bảo tồn gen thì cho rằng, Việt Nam cần cẩn trọng với các quyết định liên quan đến sử dụng sản phẩm biến đổi gen (GMO), vì có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của cả ngành nông nghiệp. Trên thực tế, hiện có nhiều nước từ chối, không nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ các nước có sử dụng GMO.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, Việt Nam đang đứng trước hai lựa chọn, nếu từ chối cho phép sản xuất giống GMO, sẽ phải nhập khẩu bắp, đậu nành… với số lượng lớn hằng năm. Ngược lại, nếu từng bước đưa vào sản xuất, sẽ tạo thêm cơ hội cho nông dân tăng thu nhập. “Dù vậy, Việt Nam đang rất cẩn trọng trong các bước khảo, kiểm nghiệm các giống bắp GMO, đến khi có kết luận an toàn mới đưa vào sản xuất đại trà” - ông Phát nói.

  Ông Nguyễn Văn Hoài - Phó Chủ tịch Hội Người Việt tại Bungari cho biết, các điều kiện đầu tư vào nông nghiệp ở Bungari đang rất thuận lợi, đất đai màu mỡ, chính sách hỗ trợ tốt, giá thành thấp, sản phẩm sản xuất ra ở Bungari cũng được tự do vào thị trường EU… Chính phủ Bungari cũng đã “rộng cửa” đón doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, đây là cơ hội lớn cho các nhà nông nghiệp Việt Nam phát triển sản xuất ra nước ngoài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem