Vụ án hai nông dân nhận… hối lộ: Chỉ là quan hệ dân sự đơn thuần!

Thùy Vân – Minh Xuân Thứ hai, ngày 22/08/2016 15:10 PM (GMT+7)
Bản chất nội dung công việc và việc người dân có trả một số chi phí cho ông Nam và ông Tuấn chỉ là quan hệ dân sự đơn thuần. Hai ông chỉ là người thay mặt cho các hộ dân nghèo thực hiện các thủ tục liên quan tới việc vay vốn, giúp họ sớm vay được vốn ổn định việc sản xuất kinh doanh. Đây là việc làm đáng khuyến khích chứ không phải đưa các ông vào vòng lao lý.
Bình luận 0

Khi nông dân thành người có “chức vụ, quyền hạn”

Cần một lưu ý quan trọng trong cấu thành tội nhận hối lộ chính là chủ thể thực hiện tội phạm. Chủ thể thực hiện tội nhận hối lộ được xác định là chủ thể đặc biệt, tức là chỉ người có chức vụ quyền hạn mới nhận hối lộ được. Tuy nhiên, trong trường hợp vụ án có đồng phạm thì có thể những người không có chức vụ quyền hạn nhưng họ chỉ có thể là người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức, còn người thực hành trong vụ án nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Theo quy định tại Điều 277 Bộ luật Hình sự 1999, “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”.

img

Ông Nguyễn Thành Nam (trái) và ông Nguyễn Thanh Tuấn chuẩn bị hồ sơ để khiếu nại, kêu oan. Ảnh: Phương Nam

Nếu xét về phương diện hợp đồng ủy nhiệm giữa ông Tuấn và ông Nam với ngân hàng thì nhiệm vụ chính của hai ông chỉ là nhận hồ sơ, tổ chức họp bình xét cho vay, lập danh sách các gia đình cần vay sau đó trình UBND xã xác nhận và chuyển lên ngân hàng chứ ông Nam và ông Tuấn hoàn toàn không có chức vụ và quyền hạn để quyết định hộ nào được vay vốn và hộ nào không, nghĩa là chức vụ quyền hạn của họ không liên quan gì đến lợi ích của những người vay tiền.

Hơn nữa, cũng cần phải làm rõ vấn đề "thực hiện công vụ" trong việc thực hiện trách nhiệm của ông Tuấn và ông Nam. “Công vụ” từ trước tới nay đều hiểu theo nghĩa đó là những công việc xuất phát từ lợi ích chung của toàn xã hội chứ không xuất phát từ lợi ích của riêng cá nhân nào. Nhưng thực tế, ông Tuấn và ông Nam có ký với Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Hàm Thuận Nam ký kết hợp đồng ủy nhiệm với vị trí lần lượt là tổ trưởng và tổ phó tổ tiết kiệm vay vốn.

Nếu xét về mối quan hệ giữa hai ông với các hộ nông dân là mối quan hệ giữa người giải quyết yêu cầu (người cung cấp dịch vụ) và người yêu cầu (người nhận dịch vụ), có thể hai ông cũng là người có chức vụ, quyền hạn nhất định trong việc giải quyết yêu cầu cho những hộ nông dân là việc bình xét cho vay nhưng việc quyết định duyệt những hồ sơ cho vay là trách nhiệm của UBND xã chứ hai ông cũng không thể tự quyết định việc hộ nào thảo mãn điều kiện hộ nào không thỏa mãn điều kiện vay.

Ngoài ra, việc hai ông giải quyết yêu cầu cho những hộ nông dân không phải là "thi hành công vụ" mà là thực hiện một nhiệm vụ tư, vì hoạt động của Ngân hàng không phải là thi hành công vụ. Hành vi nhận hối lộ chỉ đặt ra khi ông Nam với chức vụ là Tổ trưởng tổ dân phố thực hiện nhiệm vụ do UBND xã giao.

Chỉ là quan hệ dân sự đơn thuần

Bản chất nội dung công việc và việc người dân có trả một số chi phí cho ông Nam, ông Tuấn chỉ là quan hệ dân sự đơn thuần. Hai ông chỉ là người thay mặt cho các hộ dân nghèo thực hiện các thủ tục liên quan tới việc vay vốn, giúp họ sớm vay được vốn ổn định việc sản xuất kinh doanh của mình. Đây là việc làm đáng khuyến khích chứ không phải đưa các ông vào vòng lao lý. Các ông cũng không có quyền hành gì đối với việc các hộ dân được UBND xã duyệt hay Ngân hàng cho vay hay không.

Mặt khác, khoảng cách giữa thôn Lò To đến Ngân hàng CSXH huyện không phải là gần (30km) nên công sức, chi phí đi lại được những hộ dân có nhu cầu vay vốn tự nguyện hỗ trợ cho ông Tuấn. Đây được coi là quan hệ dân sự, số tiền này không phải tiền hối lộ vì nó chỉ có mục đích hỗ trợ công sức và chi phí đi lại cho ông Tuấn vì ông đã giúp hoàn thành hồ sơ vay vốn cho họ. Vì đây là quan hệ dân sự, việc ông Nam đề nghị các hộ dân hỗ trợ ông Tuấn chi phí đi lại không được coi là đồng phạm tội nhận hối lộ.

Bản án của hai ông Tuấn và ông Nam đã được TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên hủy án để điều tra lại. Trong đó, TAND tỉnh yêu cầu làm rõ việc các lá đơn tố cáo giống nhau hay việc làm rõ chi phí bao nhiêu, cụ thể những khoản gì so với số tiền đã nhận để tính toán số tiền bị cáo đã hưởng lợi hay việc làm rõ tính đồng phạm của bị cáo Nam.

Tuy nhiên, sau khi điều tra lại, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Nam đã đình chỉ điều tra hai ông Tuấn và Nam theo khoản 1 Điều 25 BLHS (miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình) mà không bổ sung làm rõ những yêu cầu của Tòa Phúc thẩm.

Khái niệm “chuyển biến của tình hình” trong chế định miễn TNHS được hiểu là chính sách về pháp luật hình sự có sự thay đổi theo hướng không còn quy định hành vi sai trái đang bị điều tra, truy tố, xét xử là tội phạm nữa. Còn trong vụ này thì không có chính sách nào thay đổi cả. Như vậy, ở đây Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Nam đang hiểu sai quy định pháp luật hay cố ý hiểu sai để né tránh trách nhiệm công khai xin lỗi và bồi thường oan sai?

Theo cáo trạng của VKSND huyện Hàm Thuận Nam, tháng 4.2011, ông Nam được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hàm Thuận Nam hợp đồng làm Tổ trưởng và ông Tuấn làm Tổ phó Tổ tiết kiệm vay vốn do Hội Nông dân xã Hàm Cần quản lý. Nhiệm vụ của hai người là nhận giấy đề nghị vay vốn của người nghèo, sau đó, họ trình hồ sơ cho UBND xã xác nhận rồi chuyển lên Ngân hàng CSXH huyện Hàm Thuận Nam làm thủ tục vay, ký nhận tiền mang về cho các hộ dân nghèo.

Đa số hộ nghèo ở Lò To khi vay vốn đều không rành viết đơn nên họ giao hết cho ông Tuấn viết giúp, họ chỉ ký tên. Ông Nam thấy ông Tuấn đi lại cực khổ (đường từ thôn Lò To đến Ngân hàng CSXH huyện gần 30 km) nên đề nghị bà con nên phụ tiền xăng xe, tiền điện thoại cho ông Tuấn, bà con đều đồng ý.

Trong hai năm 2013-2014, theo cáo trạng ông Tuấn "đã ép buộc" những hộ dân cần vay từ 10 triệu đến 30 triệu đồng phải bồi dưỡng từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng. Ông Tuấn đã "nhận hối lộ" của 12 hộ dân tổng cộng 13,6 triệu đồng.

Đến ngày 6.8.2015, TAND huyện Hàm Thuận Nam xử sơ thẩm đã tuyên phạt ông Tuấn 8 năm tù, ông Nam 7 năm tù dù những người dân được triệu tập tới tòa làm chứng đều khẳng định họ chỉ phụ tiền công cho ông Tuấn đi vay giúp chứ không hề đưa hối lộ.Bản án này sau đó đã bị hủy để điều tra, xét xử lại.

Rốt cuộc, Công an huyện Hàm Thuận Nam đã đình chỉ điều tra ông Tuấn và ông Nam với lý do “chuyển biến tình hình” theo khoản 1 Điều 25 BLHS.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem