TS. Phạm Thị Hằng cho biết: “Nội dung này không phải do VCCI bình chọn mà là kiến nghị của doanh nghiệp và cộng đồng, VCCI chưa có danh sách 10 chính sách tồi nhất”.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cũng khẳng định, việc Tổng liên đoàn lao động có “phản ứng” lại trên cơ quan truyền thông là hơi vội vàng vì văn bản của VCCI gửi chỉ là trao đổi nội bộ giữa VCCI và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
Ông Tuấn cho biết, trong chương trình bình chọn các văn bản tốt và tồi trong năm 2015 gồm các giai đoạn sau: Giai đoạn đề cử (VCCI đã nhận được 9.927 lượt đề cử); Chấm điểm quy định dựa trên theo hệ thống tiêu chí đã được xây dựng (10 tiêu chí của văn bản pháp luật tốt bao gồm: tính cần thiết, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi, tính minh bạch, chi phí tuân thủ, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh, kiểm soát nguy cơ nhũng nhiễu và thời điểm ban hành).
Sau đó, hội đồng chuyên gia mà VCCI thành lập sẽ đánh giá độc lập các đề cử, các thông tin chấm điểm quy định để đưa ra ý kiến của mình. Tiếp đến, ban tổ chức sẽ gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, tổ chức chủ trì soạn thảo, ban hành… (Văn bản mà Tổng liên đoàn lao động nhận được nằm trong giai đoạn này). Tiếp sau đó mới tới giai đoạn gửi lấy ý kiến bình chọn của toàn bộ các hiệp hội doanh nghiệp và công bố công khai để các doanh nghiệp, người lao động bỏ phiếu bình chọn và cuối cùng là giai đoạn xử lý thông tin và công bố kết quả.
“Như vậy, công văn xin ý kiến quy định về 2% phí công đoàn mà Tổng Liên đoàn lao động nhận được là giai đoạn 4, đây chưa phải là "list" danh sách tồi nhất, top 10 văn bản tốt nhất hay tồi nhất theo bình chọn của doanh nghiệp và như kết quả mà dự án mong muốn có được”, ông Tuấn khẳng định.
Theo ông Tuấn, giai đoạn 4 này được thiết kế là để đảm bảo tính đa chiều, khách quan của cuộc đánh giá. Đề cử mà VCCI nhận được từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp (thông thường từ thực tiễn thi hành) mới phản ánh một góc nhìn, VCCI rất mong muốn có được các ý kiến phân tích từ các khía cạnh khác, có thể cơ quan soạn thảo không chỉ cân nhắc đến lợi ích của doanh nghiệp mà còn lợi ích khác của người lao động, người dân, trật tự xã hội…. Những thông tin mà các bộ, ngành, tổ chức cung cấp sẽ được gửi kèm, cung cấp đầy đủ trong giai đoạn bình chọn sau này.
Trước đó, VCCI đã gửi công văn tới một số bộ, ngành, trong đó có cả Tổng liên đoàn lao động. Nội dung công văn nêu rõ, chính sách này bị đề cử là chính sách tồi bởi 3 lý do sau: Thứ nhất, người đề cử cho rằng công đoàn là tổ chức tự nguyện của người lao động nhưng lại yêu cầu người lao động đóng công đoàn phí là không cần thiết, chưa xuất phát từ tính chất, vai trò của công đoàn; thứ hai, việc yêu cầu doanh nghiệp đóng công đoàn phí sẽ làm giảm tính độc lập của công đoàn; thứ 3, khoản tiền 2% quỹ lương của toàn bộ người lao động là chi phí xã hội rất lớn nhưng không mang lại hiệu quả rõ ràng. Nếu số tiền đó được chủ sử dụng lao động giữ lại thì có thể giúp tăng lương cho người lao động hoặc tăng đầu tư cho tư liệu sản xuất giúp tăng năng suất lao động.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.