Dân “tố” cấp trên làm sai quy trình
Đầu tháng 6.2018, ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương cho phép Công ty CP Năng lượng tái tạo Việt Nam đầu tư xây dựng dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ với tổng vốn đầu tư 1.440 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện dự án tại thôn Châu Trúc (xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ).
Theo hồ sơ đăng ký đầu tư, dự án được xây dựng trên tổng diện tích khoảng 60ha mặt nước và 0,6ha mặt đất; công suất thiết kế là 50MWp, dự kiến đến hết quý 2.2019, nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, dự án này lại đang vấp phải phản ứng rất quyết liệt từ người dân.
Người dân giữ xe ô tô của đoàn công tác cán bộ huyện để phản đối dự án
Đến ngày 1.7, hàng chục người vẫn còn dựng lều và giữ 3 ô tô của đoàn công tác huyện Phù Mỹ để lên tiếng phản đối dự án.
Sự việc diễn ra cách đó 3 ngày (28.6), ô tô chở đoàn công tác của UBND huyện Phù Mỹ đến khảo sát tuyến điện tại xã Mỹ Châu thì bị người dân chặn giữ. Họ nhất quyết không chịu trao trả xe và yêu cầu đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về các thông tin xung quanh dự án.
Ông Bùi Xuân Bộ - Trưởng thôn Châu Trúc (xã Mỹ Châu) cho biết: “Hàng chục người dân vẫn thay nhau giữ ô tô của đoàn công tác để phản đối dự án Nhà máy Điện mặt trời đầm Trà Ổ. Họ cho rằng cấp trên đã làm sai quy trình, làm dự án phải làm từ dưới làm lên, lấy ý kiến người dân trước, đằng này ở trên cứ áp đặt xuống rồi tiến hành đo đạc thì dân phản ứng là đúng. Đặc biệt, chính quyền cấp huyện thông tin Chủ tịch tỉnh sẽ đối thoại với dân vào ngày 1.7, nhưng sáng nay người dân chờ mãi chẳng thấy đâu”.
Ông Bộ khẳng định, việc phản ứng dữ dội của người dân không hề có yếu tố xúi giục, kích động mà bắt nguồn từ những bức xúc kéo dài âm ỉ. Người dân tập trung phản đối vì lo ngại việc xây dựng dự án làm ảnh hưởng đến sinh kế, chứ không đập phá hay có hành động quá khích.
“Không hề có yếu tố kích động nào cả, người dân đã chờ đợi nhưng sáng nay lãnh đạo tỉnh không đến đối thoại, điều này khiến họ rất thất vọng”, ông Bộ nói.
Đầm Trà Ổ là nơi mưu sinh và tổ chức các sự kiện văn hóa của người dân Mỹ Châu
Ông Bộ cho hay, đầm Trà Ổ là nơi mưu sinh và mang lại thu nhập tiền tỷ mỗi ngày cho hơn 1.000 người. Rất nhiều thế hệ người dân trong làng sinh sống nhờ vào việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên đầm. Đặc biệt, Trà Ổ còn là đầm nước ngọt nội địa hiếm hoi ở vùng đất này được đưa vào danh sách bảo tồn cấp tỉnh.
“Diện tích đầm trên 1.000ha nhưng nếu lấy 60ha để làm dự án thì đã lấy hết khu vực mặt đầm của thôn Châu Trúc rồi. Thiệt hại này rất lớn, ghe thuyền không đi khai thác được, ảnh hưởng đến sinh kế của rất nhiều hộ dân. Vì vậy, người dân đề nghị lãnh đạo cấp nào ra quyết định phải giải thích trước dân và cần thu hồi quyết định, tạm dừng dự án để giải quyết ổn thỏa lợi ích sinh kế của họ”, ông Bộ đề nghị.
Dự án điện sẽ là nơi trú ẩn của tôm, cá?
Sáng 1.7, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, xác nhận với phóng viên Dân Việt, chưa có cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và người dân về những bức xúc đối với dự án trên.
Người dân tụ tập vào cả ban đêm để phản ứng dự án
“Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là dự án chưa triển khai, chưa làm gì ảnh hưởng đến dân nên chưa đối thoại. Phải làm cái gì ảnh hưởng đến dân mới đối thoại. Ngày mai, chúng tôi sẽ họp các ban ngành để củng cố hệ thống chính trị chi bộ thôn Châu Trúc và tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền đến người dân. Gốc rễ vấn đề đặt ra, tôi nghĩ cũng từ thôn có sự kích động”, ông Dũng nhận định.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, người dân cho rằng nếu dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ hình thành sẽ khiến họ không thể khai thác thủy sản trên đầm.
“Tuy nhiên, đầm này có diện tích đến 1.200ha, trong khi đó làm dự án chỉ có 60ha. Khi triển khai dự án chúng tôi sẽ thông tin khu vực 60ha này là nơi trú ẩn cho tôm, cá sinh sản để tạo nguồn lợi thủy sản. Do người dân chưa hiểu vấn đề nên mới phản ứng, khi dự án đảm bảo sinh kế của người dân mới được phép thực hiện đó là điều tất nhiên”, ông Dũng khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.