Lúc bình thường trâu, bò ở phía dưới. Lúc lũ lụt, trâu bò sẽ được dắt lên chuồng cao hơn bằng lối cầu thang.
Trận lũ ngày 1.11 vừa qua được người dân Cam Lộ đánh giá là lớn nhất trong lịch sử. Cụ Phan Thị Thêm (84 tuổi, trú thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền) cho biết, từ bé đến giờ chưa thấy trận lũ nào nước lên nhanh vào ngập sâu đến vậy. Bà con không kịp trở tay, bảo toàn được mạng sống con người đã là điều may mắn.
Thống kê của Văn phòng Phòng chống lụt bão huyện Cam Lộ cho biết, lũ lụt diễn ra trên địa bàn 4 xã Cam Hiếu, Cam Tuyền, Cam Thủy, Cam Thành và thị trấn Cam Lộ đã làm thiệt hại hàng trăm ha hoa màu, 3.180 con gia súc, gia cầm bị chết, 30 ha hồ cá bị trôi… thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng. Trong số 3.180 con gia súc có 10 con trâu, bò bị cuốn trôi nhưng không thuộc xã Cam Tuyền.
Những số liệu và thực tế nói trên đã cho thấy việc xây “nhà lầu” cho trâu, bò ở của người dân xã Cam Tuyền là rất hiệu quả.
Đợt lũ vừa qua, nhà bà Nguyễn Thị Thu (trú thôn Bắc Bình, Cam Tuyền) nuôi 2 con bò. Ở nhà một mình, thấy nước lũ dâng cao quá nhanh, bà Thu chỉ kịp bưng một vài thứ lên cao, còn lại “chết chìm”. Riêng 2 con bò của bà Thu vẫn “bình an vô sự” vì đã được ở nhà lầu.
Nhà ở của người thì bình thường, còn bênh cạnh là “nhà lầu” dành cho trâu, bò tránh lũ
Nhà lầu cho trâu bò là cách gọi ví von của người dân xã Cam Tuyền, còn theo bà Thu thực chất là cái chuồng được xây cao lên trên 4 mét, bằng bê tông, cốt thép chắc chắn. Chuồng bò của bà Thu xây dựng hết 30 triệu đồng. Bà còn xây thêm một nơi cao để dự trữ thức ăn cho bò gồm: cây lạc khô, rơm, chuối, bột sắn, cám lợn… Là dân vùng lũ, bà Thu còn dự trữ cả phèn chua và cloramin B để xử lý nước đục sử dụng, cho trâu bò uống. “Nước lên cao thì mình dắt trâu, bò lên chuồng cao, đem cả gà, lợn cùng lên luôn” – bà Thu nói.
Ông Hoàng Liên Sơn, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền cho biết, người dân địa phương tập trung phát triển mô hình trồng cỏ nuôi bò, mang lại hiệu quả cao. Nhiều năm gặp lũ lụt nên chính quyền địa phương đã vận động người dân xây dựng chuồng bò cao để phòng tránh lũ. Nước lũ dâng cao thì bò sẽ được dắt lên chuồng cao, còn bình thường thì vẫn ở dưới thấp để tiện cho việc chăm sóc. “Trận lũ vừa qua, nếu không có nhà tránh lũ cho trâu, bò thì chắc chắn thiệt hại sẽ vô cùng lớn, bởi các xã khác gần đường lớn, có thể dắt trâu bò đi tránh lũ. Còn Cam Tuyền là rốn lũ, nước lên nhanh, không kịp đi đâu được cả” – ông Sơn nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.