Xin quật mồ để chứng minh chồng chết do tai nạn

Thứ hai, ngày 25/10/2010 18:03 PM (GMT+7)
Đến xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, chúng tôi không khó khăn lắm để tìm đến nhà bà Phạm Thị Trên (SN 1957) vì cái tên của bà khá nổi tiếng sau vụ bà làm đơn yêu cầu cho khai quật mộ chồng là ông Trần Hữu Liêm (SN 1956, chết năm 2005) để chứng minh chồng bà bị tai nạn chết là đúng.
Bình luận 0

Gian nan việc chứng minh chồng chết do tai nạn

Việc bà Trên yêu cầu không chỉ nhằm buộc Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phải bồi thường hợp đồng bảo hiểm đã ký với ông Liêm trước khi chết mà còn chứng minh chồng bà chết không phải do mưu sát để lấy tiền bảo hiểm.

Theo bà Trên, trước đây những người ở vùng quê hẻo lánh như vợ chồng bà thực tế không hề biết đến bảo hiểm là như thế nào nên họ vẫn dùng từ “chơi bảo hiểm” thay vì tham gia bảo hiểm nhân thọ. Việc tham gia cũng hoàn toàn theo hướng dẫn của các đại lý bảo hiểm.

Cách đây năm năm, vào ngày 24-3-2005 chồng bà là Trần Hữu Liêm có đăng ký mua bảo hiểm của Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam từ đại lý bán bảo hiểm là bà Vũ Thị Minh Nguyền gồm các bảo hiểm như: phí tích lũy định kỳ gia tăng 100 triệu đồng, bảo hiểm chết và tàn tật do tai nạn 200 triệu đồng...

Theo đó, ông Liêm sẽ định kỳ nộp phí bảo hiểm ba tháng một lần với số tiền là 3.654.000 đồng/kỳ. Ngày 28-3-2005, Prudential Việt Nam cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho ông Liêm, người thụ hưởng là bà Phạm Thị Trên, hợp đồng có hiệu lực từ ngày 24-3-2005.

Theo hợp đồng, ông Liêm sẽ phải nộp phí bảo hiểm lần hai vào ngày 24-6-2005 nhưng chưa nộp nên được gia hạn thêm hai tháng, hạn chót là ngày 24-8-2005. Theo thỏa thuận giữa ông Liêm và bà Nguyền thì việc thu phí bảo hiểm sẽ tiến hành tại nhà ông Liêm theo hình thức thu phí trực tiếp. Tuy nhiên, do gần đến hạn chót nộp tiền nhưng bà Nguyền vẫn chưa đến nhà thu nên ông Liêm đã đến tận nhà bà Nguyền nộp nhưng bà Nguyền vắng nhà nên ông Liêm không nộp được.

Đến ngày 27-8-2005, trong lúc bất cẩn khi xuống ghe, ông Liêm bị té đập đầu vào thành ghe, chấn thương sọ não chết.

Cái chết của ông Liêm đã được trình báo và Công an xã Bình Thành, Công an huyện Giồng Trôm ghi nhận là chết do tự té ghe. Vào thời điểm đó, do gia đình không yêu cầu làm rõ nguyên nhân tử vong của ông Liêm nên Công an huyện Giồng Trôm đã lập biên bản ghi nhận sự việc, giao xác ông Liêm để gia đình an táng.

Sau cái chết của ông Liêm, bà Trên yêu cầu Prudential Việt Nam chi trả bồi thường bảo hiểm thì bị từ chối vì lý do hợp đồng giữa ông Liêm với Prudential Việt Nam đã mất hiệu lực do quá hạn đóng tiền ba ngày trước đó. Để đòi quyền lợi của gia đình, bà Trên đã khởi kiện Prudential Việt Nam tại Tòa án nhân dân Q1.

Bản án dân sự sơ thẩm số 38/2008/DSST ngày 21-8-2008 của TANDQ1 đã quyết định: “Không chấp nhận yêu cầu của bà Trên đòi Prudential Việt Nam trả 426 triệu đồng (gồm 300 triệu tiền bảo hiểm và lãi do chậm thanh toán).

Phiên tòa sơ thẩm nhận định rằng: “Trong hồ sơ bảo hiểm ở cột địa chỉ thường trú có ghi địa chỉ của ông Liêm nhưng không có điều khoản nào xác định địa chỉ này là nơi Prudential Việt Nam đến thu phí. Tỉnh Bến Tre không được Prudential Việt Nam áp dụng thu phí tại nhà; bà Trên không chứng minh được ông Liêm chết do tai nạn...

Gia đình bà Trên kháng cáo và tại phiên tòa phúc thẩm ngày 31-3-2009, TAND TPHCM đã nhận định trong bản án số 538/2009/ DSPT rằng: “Hồ sơ yêu cầu bảo hiểm nhân thọ thể hiện địa chỉ để Prudential Việt Nam thu phí tại nhà là nhà số 231, ấp 3, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, Bến Tre và phù hợp với lời khai của bà Nguyền nên việc bà Trên cho rằng việc ông Liêm không đóng phí đúng hạn là do phía Prudential Việt Nam không cử người thu phí là có cơ sở chấp nhận. Điều này thể hiện rõ tại trang 5 quyển những thông tin khách hàng cần biết về thu phí tại nhà... nên quyết định chấp thuận một phần yêu cầu kháng cáo của bà Trên, buộc Prudential Việt Nam phải trả cho bà Trên 300 triệu đồng.

Sau đó, Thi hành án dân sự Q1 đã căn cứ vào bản án trên, ra quyết định số 784/QĐ-THA ngày 16-4-2009, yêu cầu Prudential Việt Nam thi hành bản án trên.

Tuy nhiên, ngay sau đó ngày 1-10-2009, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm nói trên với nhận định tương tự như nhận định của phiên xét xử sơ thẩm. Đồng thời cho rằng: “Bà Trên yêu cầu công ty bảo hiểm thanh toán tiền bảo hiểm do chồng bà là ông Liêm bị chết do tai nạn song bà không đủ căn cứ để chứng minh. Trong hồ sơ không có kết luận của cơ quan có thẩm quyền xác định về nguyên nhân cái chết của ông Liêm. Giấy xác nhận của Công an xã Bình Thành không phải là căn cứ pháp lý để chấp nhận... nên việc tòa án cấp phúc thẩm buộc công ty bảo hiểm thanh toán cho bà Trên 300 triệu đồng là không có căn cứ”.

Sau khi xem xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng giám đốc thẩm tòa dân sự thuộc Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao trả hồ sơ về TANDQ1 xét xử lại từ đầu.

Cần chú ý hơn khi mua bảo hiểm nhân thọ

Đến nay, mặc dù TANDQ1 vẫn chưa tiến hành xét xử lại theo quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm Tòa án nhân dân tối cao nhưng bà Trên đã rất bức xúc. Theo bà, nếu VKSNDTC cho rằng: “Không đủ căn cứ chứng minh được chồng bà chết do tai nạn thì chẳng khác nào cho rằng chồng bà chết không rõ nguyên nhân. Kiểu nhận định trên có thể khiến mọi người nghĩ rằng bà giết chồng để lấy tiền bảo hiểm”.

Chính vì thế nên bà Trên đã làm đơn yêu cầu tòa án cho phép khai quật mộ chồng, giám định pháp y để tìm nguyên nhân cái chết của chồng nhằm chứng minh việc chồng bà chết do tai nạn là sự thật.

Kết quả của vụ kiện này thế nào vẫn chưa rõ, song qua vụ việc, những người tham gia bảo hiểm cũng nên hết sức chú ý. Mọi hoạt động liên quan đến bảo hiểm cần phải được tiến hành dựa trên chứng cứ. Các tai nạn chết người cần phải được cơ quan giám định pháp y làm rõ nguyên nhân tử vong mới có cơ sở để yêu cầu bồi thường bảo hiểm...

Theo CA TPHCM

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem