Xử lý "cá mập" trên sàn chứng khoán

Nguyễn An Thanh Thứ năm, ngày 26/05/2022 14:52 PM (GMT+7)
"Một số cổ phiếu, nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến tính ổn định và minh bạch của thị trường chứng khoán", ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu hôm 23/5.
Bình luận 0

Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự về thao túng thị trường chứng khoán tại FLC, Louis Holdings và Công ty Chứng khoán Trí Việt. Những vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Tập đoàn FLC khiến các nhà đầu tư Việt Nam lo ngại về nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định... Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro cao, mất cân đối.

 Lịch sử chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến về việc cơ quan điều tra bắt các lãnh đạo doanh nghiệp do liên quan đến việc làm giá hoặc lừa đảo trên thị trường. Ủy ban kiểm tra Trung ương đã kỷ luật loạt quan chức Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Hà Nội.

Ủy ban Chứng khoán nhà nước được biết đến với tư các là cơ quan tham mưu cho Nhà nước điều phối, điều tiết, đảm bảo tính minh mạch, an toàn, công bằng... nhưng lại không làm tốt dẫn đến nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán. 

Đối với chiêu trò "làm giá" thị trường chứng khoán, chúng ta phải thấu hiểu đó là một phần khó có thể thiếu được, ngay cả với thị trường Mỹ và châu Âu. Hơn 20 năm trước, dù thị trường chứng khoán Việt Nam còn sơ khai, chỉ có 2-3 công ty nhưng đã có các nhà đầu tư "làm giá".

Cách làm rất "thủ công", họ dùng một lượng tiền âm thầm mua một lượng cổ phiếu đủ lớn sau đó dùng "chiêu trò thông tin" khiến giá chứng khoán tăng gấp rưỡi, gấp đôi và thậm chí nhiều hơn. Người ta gọi họ là "sói đầu bạc", những kẻ tinh ranh, ma mãnh đang nhảy múa với những con số và đồng tiền.

Lòng tham, sự ngây thơ trước những con số nhảy múa, thông tin nội bộ, giao dịch nội gián, cá lớn nuốt cá bé…là những điều vẫn thường xẩy ra tại các sàn chứng khoán. Điều đáng trách nhất là chúng diễn ra không phải ngày một ngày hai mà có thể tính bằng vài năm, với một cường độ và quy mô quá lớn. Nhưng đáng tiếc, cơ quan giám sát đã không làm thật tốt trách nhiệm của mình.

Khi thị trường nhỏ những chiêu trò tạo cung cầu ảo, tác động trực tiếp vào cung cầu, xuất hiện tình trạng tự mua, tự bán giữa các tài khoản, dạng này mức ảnh hưởng đến xã hội là có nhưng chưa phải đến lớn. Nhưng trong những năm gần đây khi quy mô thị trường chứng khoán Việt được mở rộng, "công nghệ làm giá" của "tổ lái" đã tăng cả về "quy mô" lẫn "công nghệ".

Xử lý "cá mập" trên sàn chứng khoán - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia tài chính thì thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đã xuất hiện cả 3 "tổ lái" chuyên "làm giá" hệt như thị trường chứng khoán Mỹ và các nước phát triển. Bên cạnh các "tổ lái" vẫn sử dụng chiêu trò "cổ truyền" là tạo cung cầu ảo thì đã xuất hiện các "cá mập" với những mánh lới bơm thổi giá trị doanh nghiệp hay lợi dụng sở hở chênh lệch giữa cơ sở và phái sinh. Những "tổ lái" này đều phải dùng hàng trăm tài khoản khác nhau hoặc nếu dùng vài tài khoản quen thuộc thì phát sinh hàng trăm giao dịch trong thời gian ngắn. Chắc chắn một điều, nếu không bắt tay với cán bộ của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán thì khó thể làm ăn được.

Với các "con sói đầu đàn" làm giá phái sinh kiểu Trịnh Văn Quyết (FLC) và các công sự cũng phải liên tục đẩy giá VN30 lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc các lệnh ATC mua bán bất thường. Không cần nghệp vụ chứng khoán cao siêu người ta cũng dễ dàng phát hiện ra và thổi còi, nếu như không bắt tay nhau.

Chúng ta có thể đẩy nhanh việc phát giác các dấu hiệu bất thường của thị trường chứng khoán dựa vào trí tuệ và phản ánh của các nhà đầu tư nếu có một kênh giao tiếp trực tiếp, thuận lợi giữa các nhà đầu tư và cơ quan giám sát. Điều này rất đơn giản, nhưng chúng ta chưa làm.  

Chưa kể, với sự phát triển của CNTT và trí tuệ nhân tạo, hoàn toàn có thể phát hiện các chiêu trò thổi giá của "cá mập" và "sói đầu bạc". Về luật pháp, có thể thiết kế các chế tài gia tăng xử phạt, đánh mạnh vào lợi ích tài chính của những kẻ làm giá với mức phạt sẽ tính bằng nhiều lần, nhiều chục lần lợi ích tài chính mà giới làm giá thu được. Cách phạt tiền FLC như hiện nay không đủ tác dụng răn đe những kẻ hám lợi.

Trên thực tế, dù có nỗ lực đến đâu thì vẫn còn những khe hở mà luật pháp chưa chạm tới. Được sự trợ giúp của một số broker thiếu lương tâm nghề nghiệp trong vai những nhà đầu tư quý tộc - "những con sói đầu bạc" là những kẻ có lượng tiền khá lớn, có thể tác động vào VN30, họ dựa vào mức chênh đòn bẩy giữa thị trường cơ sở và thị trường phái sinh, hoặc thị trường quyền chọn để trục lợi.

Để kiếm lời, "những con sói đầu bạc" không chỉ tác động tới một vài doanh nghiệp riêng lẻ mà là cả thị trường, và quá trình này có thể diễn ra liên tục hàng tháng trời. Do tính đòn bẩy quá cao của thị trường phái sinh, các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể thiệt hại hơn rất nhiều. Thậm chí có những nhà đầu tư sẽ bị lỗ hàng trăm tỷ đồng, sạt nghiệp chỉ trong vài ngày.

 Với tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua, bà Hoàng Hải Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam cho rằng: "Cần phải có giải pháp để bảo vệ niềm tin của nhà đầu tư, nếu cứ để như hiện nay thì đến nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett người Mỹ có tham gia thị trường cũng khó lòng tồn tại".

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến cuối năm 2021 tương đương 15% GDP, tăng trên 17% so với 2020 đều là những con số rất lớn. Năm 2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành là hơn 637.000 tỷ đồng, tăng trên 36% so với 2020. Trong đó, phát hành riêng lẻ chiếm tới 95%; còn lại 5% là phát hành trái phiếu ra công chúng.

Sự nguy hại của giới làm giá đối với nhà đầu tư cá nhân còn nguy hiểm, tồi tệ hơn nhiều so với những con số chúng ta thấy. Vì khi niềm tin sụp đổ, chúng ta sẽ mất đi một kênh huy động vốn quan trọng. Đến giờ vẫn ai thống kê được trong vòng 20 năm qua, bao nhiêu nhà đầu tư tán gia bại sản…

Tứ giác bảo hiểm - ngân hàng - chứng khoán - bất động sản đang có tác động lớn đến ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, đó là sự thực không thể chối cãi. Sự phát triển của nền thị trường chứng khoán tác động lớn đến nền kinh tế, nhất là khi mà các ngành sản xuất đang gặp khó khăn trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19.

Trong phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý các đại biểu Quốc hội về những bất ổn của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... Theo ông, việc này nhằm có đánh giá đúng những bất cập, yếu kém và chỉ rõ những khó khăn để có giải pháp xử lý.

Chắc chắn, những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản sẽ được Chính phủ đưa ra hướng giải quyết. Một số người lo ngại việc xử lý vào thời điểm này có thể tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán kiểu "bắt chuột sợ vỡ bình". Nhưng kinh nghiệm thị trường chứng khoán nước ngoài, không xử lý thì những vi phạm này sẽ trở thành các ung nhọt và nguy cơ đe dọa thị trường sẽ lớn hơn.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem