VFA cũng nâng mức dự báo kết quả XK gạo cả năm nay lên 6,55 triệu tấn, tăng so với mức 6,34 triệu tấn dự báo hồi tháng trước.
Tăng cả lượng lẫn giá
Theo VFA, trong tháng 11, cả nước đã XK hơn 771.300 tấn gạo các loại, trị giá FOB đạt 291,2 triệu USD, giá XK bình quân đạt 377,5 USD/tấn. So với tháng 10, lượng XK gạo trong tháng 11 tăng 12,5%, tuy nhiên, giá bán đã giảm hơn 15,5USD/tấn. Lũy kế 11 tháng đầu năm, các doanh nghiệp XK hơn 5,8 triệu tấn gạo các loại, trị giá FOB đạt hơn 2,37 tỷ USD. Giá XK gạo bình quân 11 tháng đầu năm đạt 408,2USD/tấn.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Vinafood II. Ảnh: T.H
Ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký VFA cho biết: Sản lượng gạo XK tăng mạnh trong tháng 11 nhờ các doanh nghiệp thực hiện các đơn hàng tập trung đã ký trước đó. Tháng 11 cũng là tháng XK gạo cao nhất từ đầu năm.
Cũng theo ông Huệ, XK gạo Việt Nam trong tháng 11 tăng trưởng mạnh ở thị trường châu Đại dương, châu Âu và châu Phi, nhưng lại giảm nhẹ ở châu Á và châu Mỹ. Thị trường chính của gạo Việt Nam trong 11 tháng đầu năm vẫn là Trung Quốc với tỷ lệ 34,5%, Philippines chiếm 17,5%, Malaysia 8,5%, Indonesia 7,5%...
Về cơ cấu gạo XK, ông Huệ cho biết, gạo trắng cao cấp chiếm tỷ lệ cao nhất trong rổ gạo XK 11 tháng qua với xấp xỉ 28,5%, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm trước. XK gạo thơm cũng tăng mạnh, chiếm 22,9% tổng lượng gạo XK, tỷ lệ tăng trưởng đạt 18,4%. Còn lại, XK gạo trắng trung bình, gạo cấp thấp, gạo nếp, gạo lứt… đã giảm nhẹ. Gạo hạt tròn Japonica cũng có tỷ lệ tăng trưởng mạnh, tăng đến 104% trong 11 tháng đầu năm, tuy nhiên số lượng chỉ chiếm xấp xỉ 1% tổng lượng gạo XK.
Về giá gạo XK, trong tháng 11, gạo Việt Nam duy trì được ở mức giá cao nhất giữa các nguồn cung châu Á trong 2 tháng qua. Theo đó, giá gạo 5% tấm ở mức 375USD/tấn, tăng khoảng 45USD/tấn so với thời điểm hồi tháng 9 (hồi đầu năm từng đạt mức 390USD/tấn).
Diễn biến tích cực
Với hợp đồng đăng ký mới đã có, cùng với cân đối nguồn cung các nước XK trong khu vực, VFA dự báo XK gạo sẽ tiếp tục diễn biến tích cực đầu năm 2016. Trái với lượng XK tăng cao, lượng hợp đồng đăng ký mới trong tháng 11 giảm đáng kể, đạt mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân, theo VFA là do nguồn cung trong nước hạn chế sau khi các doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng tập trung đã ký trước đó.
Tuy nhiên, theo thống kê, lượng hợp đồng đăng ký mới tới cuối tháng 11 vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước 14%, tạo điều kiện cho XK gối đầu ở quý 1/2016. Cũng theo phân tích của VFA, hiện tượng El Nino kéo dài đang ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu gạo của nhiều nước, dự báo sản lượng và tồn kho ở các nước này sẽ giảm mạnh trong khi nhu cầu tăng sẽ giúp hoạt động XK gạo của Việt Nam diễn biến tích cực.
Đối thủ lớn của gạo Việt Nam là Thái Lan dù tồn kho lớn nhưng chủ yếu là gạo cũ, trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo mới tăng chủ yếu. Thái Lan hiện tồn khoảng 13,7 triệu tấn gạo, trong đó 7 triệu tấn chất lượng đạt tiêu chuẩn, 6 triệu tấn kém chất lượng, 400.000 tấn thất lạc và 300.000 tấn trữ tại các kho không có trong diện 1.800 kho ký hợp đồng với Chính phủ.
Ông Huỳnh Thế Năng – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II) cũng cho rằng, theo tính toán, lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp Việt Nam không còn nhiều. Tuy vậy, do năm nay mực nước lũ ở ĐBSCL thấp, nông dân xuống giống vụ mùa đông xuân sớm nên dự kiến, sang tháng 1.2016, vùng này đã cho thu hoạch lúa mới, tiếp tục phục vụ việc thực hiện các hợp đồng đã ký theo đúng thời hạn.
Còn ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) cho biết, thời gian tới, Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm đến gạo Việt Nam do đang có nhu cầu nhập khẩu, trong khi gạo Việt Nam lại có giá tốt.
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, tính đến giữa tháng 12, các tỉnh ĐBSCL đã xuống giống được 950.000ha trong tổng số 1,56 triệu ha lúa đông xuân 2015 – 2016. Năm nay, do ảnh hưởng của El Nino, tình trạng khô hạn, nhiễm mặn diễn ra sớm và khắc nghiệt hơn nên Bộ NNPTNT khuyến các các tỉnh hoàn tất việc xuống giống vụ đông xuân trong tháng 12.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.