Cua “Hồ Trường Đãng”
Loài cua này cùng tên với nơi sản sinh ra chúng – hồ Trường Đãng ở Kim Đàn, Thường Châu. Nhờ mùi vị thơm ngon tuyệt hảo, chúng còn được xưng tụng là “cua vàng”.
So với những loài cua khác, cua Thường Châu có chất thịt dai hơn, rất tươi và điểm xuyết vị ngọt. Cua được hấp nguyên con, ăn kèm với nước tương, gừng và dấm.
Khoai môn Kiện Xướng
So với các giống khoai môn thông thường, món đặc sản này có kích cỡ khá nhỏ, trung bình 0,5kg sẽ có 10 củ khoai. Tuy nhiên, danh tiếng của chúng lại trái ngược hoàn toàn với kích cỡ.
Khoai môn Kiện Xướng từng được bình chọn là sản phẩm tượng trưng cho vùng đất Thường Châu. Phần nhân tím nhạt, mềm mịn, khi bổ ra có thể thấy từng sợi tơ mảnh vô cùng hấp dẫn. Đây chắc chắn là một món ăn không thể bỏ qua khi bạn tới Thường Châu.
Nước mơ Di Thái
Đây là món đồ uống truyền thống ở Thường Châu, có vị chua ngọt, thanh thanh vô cùng dễ chịu. Nước mơ Di Thái có thể cho thêm đá để giải khát mùa hè hoặc dùng kèm khi ăn lẩu. Bởi vị chua trong nước mơ sẽ giúp kích thích vị giác, đồng thời làm giảm bớt vị cay của món lẩu Trung Quốc truyền thống.
Rượu gạo Thạch Long Chủy
Nhắc tới rượu gạo thì không thể không nhắc tới rượu Thạch Long Chủy nổi tiếng ở Thường Châu. Đây là thương hiệu điển hình của loại rượu kiểu Tô Châu truyền thống. Rượu có màu hổ phách, nước trong và bóng. Rượu có mùi khá nồng nhưng vị lại thanh mát, dễ chịu.
Trứng gà Lưu gia trúc viên
Đây là giống gà hữu cơ được nuôi ở Lưu gia trúc viên. Hàng ngày, chúng được thả tự do trên bãi cỏ, tận hưởng ánh nắng ngập tràn và không khí trong lành. Thức ăn của chúng hoàn toàn tự nhiên, không có sự xuất hiện của thức ăn công nghiệp hỗn hợp.
Bên cạnh đó, do thường xuyên chạy nhảy trong vườn nên chúng có sức khỏe rất tốt, thịt chắc và ngon. Do nuôi thả tự nhiên nên gà Lưu gia trúc viên thường bị ảnh hưởng bởi khí lạnh. Một tuần, chúng chỉ sản xuất được 2 – 3 quả/con.
Đào Tuyết Yến
Từ 800 năm trước, thị trấn Tuyết Yến ở Thường Châu đã bắt đầu trồng đào. Năm 1956, khu vực này đã có hơn 60.000 cây.
Đào ở đây có kích cỡ lớn, hình dáng và màu sắc vô cùng đẹp mắt, thịt quả lại tươi ngon, nhiều nước, ăn một miếng là thấy lưu luyến. Ngoài mùi vị hấp dẫn, giống đào này còn có tác dụng bổ phổi, dưỡng da và giảm thiểu bệnh tim.
Kẹo lê Thái Thiên Tứ
Loại kẹo này được làm thành miếng hình vuông vừa ăn, màu nâu sô cô la kích thích vị giác của bất kỳ thực khách sành ăn nào. Đây là đặc sản Thường Châu đã xuất hiện từ thời Dân quốc, giờ đây, thương hiệu này đã nổi tiếng khắp Trung Hoa. Kẹo được làm từ nước ép lê, cây cát cánh, hạnh nhân, cam thảo và một số vị thuốc khác. Người Thường Châu còn dùng loại kẹo có vị ngọt ngào này thay cho thuốc ho.
Rượu hũ Phong Đăng
Đây là loại rượu gạo có độ ngọt cao ở Thường Châu. Rượu được cho vào hũ, đóng kín nhiều năm và cất giữ trong hầm. Rượu màu hổ phách, có độ sánh mịn như mật ong, hương thơm ngào ngạt. Năm 2008, kỹ thuật ủ loại rượu này đã được liệt vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Gạo nấu rượu có độ lên men cao hơn gạo thường, chúng được trồng ở ven hồ Trường Đãng và không phun thuốc trừ sâu. Nước để ủ gạo phải lấy ở nơi cách xưởng rượu 10 dặm. Chính sự kỳ công này đã tạo nên phương thức rượu bí truyền, dễ dàng làm mê mẩn bất kỳ ai.
Sữa tươi Hồng Mai
Trước khi sữa của Úc và Đức được nhập khẩu, người dân Trung Quốc đã quá quen thuộc với sữa tươi Hồng Mai. Đây là thương hiệu lâu đời ở Thường Châu, hiện có tới 6 dòng sản phẩm và hơn 30 hương vị khác nhau.
Trà Thanh Phong
Đây cũng là một trong những đặc sản mà nhiều du khách tìm mua khi tới Thường Châu. Xưởng chế biến trà nằm trong khu công viên trong rừng Mao Sơn. Nơi đây có chất đất và chất nước tuyệt hảo, ánh sáng ngập tràn, nguồn nước mưa dồi dào nên trà Thanh Phong được hấp thu rất nhiều dinh dưỡng. Lá trà thành phẩm có màu xanh đen, bên trên có đốm trắng, độ dài từ 1,5 – 2 cm. Mùi trà thanh thuần, tự nhiên, hương vị thơm ngon tuyệt vời, khi uống thấy dịu và ngọt nhẹ.
“Hiện nay, toàn bộ suất đi Thường Châu xem U23 VN thi đấu đều hết sạch“, phó phòng kinh doanh một công ty du lịch cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.