"Sâm nam", món ăn cứu đói năm nào

Thứ ba, ngày 13/05/2014 07:45 AM (GMT+7)
Rau lang là món rau dân dã, đơn giản mà vùng quê nào cũng có, nguyên liệu dồi dào dễ kiếm, chế biến không khó, ăn ngon và mát. Ngọn non và lá dùng ăn luộc, nấu canh, xào hoặc làm gỏi.
Bình luận 0
Rau lang có tên khoa học: Ipomoea batatas. Có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ. Ở nước ta khoai lang được trồng ở khắp nơi. Loài cây thân thảo dạng dây bò sống hàng năm, dài 2-3m, đất tốt có thể dài 4m đến 7m nếu để mọc tự nhiên. Rễ phình thành củ tròn hoặc dài. Lá có nhiều dạng, thường là hình tim xẻ 3 thùy sâu hay cạn hình chân vịt có cuống dài, các hoa có tràng hợp và kích thước trung bình. Cụm hoa mọc ở đầu cành hay nách lá. Hoa hình phễu màu tím nhạt, trắng hay vàng.

Trong bữa cơm hàng ngày, rau đóng vai trò rất quan trọng cho một nguồn vi ta min và chất sơ thường xuyên có chất lượng cao. Nếu thiếu thịt cá vẫn có thể ăn cơm được, còn nếu thiếu rau thì vừa khó nuốt mà bữa cơm lại không ngon, nên mới có câu “Cơm không rau như đau không thuốc”.

Ở quê tôi, những hôm trời mưa hay không phải ngày chợ phiên, lội ra vườn năm mười phút hái một ôm rau lang vừa lá vừa ngọn đem vào chế biến món ăn thì tùy thích, rất ngon, đưa cơm cho cả nhà.
Rau lang.
Rau lang vườn.

Theo Tây y thì rau lang có nhiều vitamin B6 có tác dụng thanh nhiệt và phòng chống huyết áp cao giúp ăn ngon miệng hơn, có tác dụng giảm buồn nôn đối với phụ nữ mang thai trong thời kỳ đầu. Theo các chuyên gia khoa học về dinh dưỡng thì trong 100g rau khoai lang có 91,9g nước, 2,6g protid, 2,8g glucid, 1,4g xenluloza, 48mg canxi, 54mg photpho, 11mg vitamin C. Còn theo Đông y thì rau lang có tính bình, vị ngọt, không độc, bổ hư tổn, ích khí lực, kiện tỳ vị, kém ăn, bổ thận âm giúp nhuận tràng.

Phụ nữ băng huyết, kinh nguyệt không đều, phụ nữ sinh con thiếu sữa, có thể dùng lá khoai lang tươi non tác dụng rất hiệu quả, mẹ bầu ăn rau lang luộc nên ít bị táo bón rất tốt cho hệ tiêu hóa và dễ sanh con. Khi luộc tốt nhất là nên luộc sơ cho bớt chát rồi luộc lại nước khác.

Lá khoai lang là loại rau dân dã vừa ngon, vừa mát và bổ, là vị thuốc phòng chữa bệnh đã được dùng từ lâu trong dân gian. Với những lợi ích như thế, có nhiều người gọi rau khoai lang là “sâm nam”. Tuy nhiên không nên ăn thường xuyên rau lang vì chứa nhiều calci có thể gây sỏi thận, mà nên dùng xen kẽ với những loại rau khác.
Nộm rau lang.
Món nộm rau lang.

Rau lang được nhân giống chủ yếu bằng các đoạn thân (dây khoai lang) Khoai lang phát triển tốt trong nhiều điều kiện về đất, nước và phân bón. Trồng khoảng vài tháng là rau bò ngang dọc xanh tốt một khoảnh vườn. Vấn đề rau sạch là mối quan tâm hàng đầu của người dân hiện nay, rau lang có rất ít kẻ thù tự nhiên nên không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật và cũng không dùng thuốc kích thích như các loại rau khác nên bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Rau lang cũng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử ẩm thực và truyền thống của người Việt Nam. Khoai lang đã gắn liền với thời kỳ khó khăn của cha ông chúng ta, nhất là vào trận đói năm Ất Dậu 1945. Theo như ông bà cha mẹ kể lại, ở miền Trung và miền Bắc lúc đó, nếu không có ngọn và lá rau lang cứu đói thì số người chết đói năm ấy không chỉ dừng lại con số hơn 2 triệu người. Và trong suy nghĩ của chúng ta, chỉ biết thời nay phố xá phồn hoa, làng mạc trù phú, mấy ai còn nhớ tới cái đói và nỗi khổ nhục kinh hoàng nhất trong lịch sử của dân tộc Việt hơn 60 năm về trước…

Bây giờ chúng ta đang sống trong cảnh thái bình no ấm, căng đầy niềm vui bên tiếng trẻ thơ nô cười, ai cũng có cái ăn cái mặc, hay trở nên khá giả, giàu có, lại được thay đổi thực đơn của mình theo từng “giai đoạn” … thì nhớ đến chuyện xa xưa mà làm gì?
Canh rau lang.
Món canh rau lang.

Trong ẩm thực thông thường của người dân việt, rau lang là loại rau quen thuộc, dễ trồng, dễ chế biến những món ăn dân dã, bình dị, đơn giản nhưng lại ngon, ngọt, mát, và bổ dưỡng. Nhất là ở các làng quê xa đò xa chợ phương tiện đi lại khó khăn, rau lang là món rau cứu cánh rất thông dụng của người dân quê.

Nhiều món ăn phổ biến của rau lang như: canh rau lang nấu canh với cua đồng, cá đồng, tôm tép ăn với cà pháo muối xổi; rau lang xào tỏi với dầu phụng hoặc dầu nành; đọt rau luộc chấm với nước cáy, nước tương hay nước kho thịt, cá...

Đọt rau non, mập, ít lá sẽ có vị ngon ngọt, luộc vừa tới để làm nộm với đậu phụng rang giã dập, “nếu có” thêm mấy con tép sông hay miếng thịt lợn luộc nữa thì thật tuyệt vời bởi có đủ vị chua, cay, ngọt bùi, béo ngậy hòa quyện, cảm giác mát dịu, đậm đà làm "khoái khẩu" biết bao người. Một món ăn dân dã hết sức “độc đáo” đưa cơm không gì ngon cho bằng …
img

Người ta thường nói, rau lang là món ăn của người nghèo miền quê ngày trước quả là không sai. Nhưng bây giờ nó là nguồn rau sạch “giá trị” cho cả “nghèo lẫn giàu”, lại còn trở thành món "đặc sản" có trong thực đơn ở nhiều nhà hàng quán ăn sang trọng, và cũng là cái “phao” cho những người ăn uống không ngon hoặc khi bị... chán ăn.

Rau khoai lang là nguồn “rau sạch hiếm hoi”, hiện nay được coi là món đặc sản và còn là vị thuốc, rất tốt cho sức khỏe. Vì thế trong thực đơn, các bạn cũng nên bổ sung rau khoai lang cho khẩu phần ăn thêm phong phú. Khâu chế biến rất đơn giản, dễ làm lại đem đến cảm giác ngon cơm trong mỗi bữa ăn. Góp phần làm cho cuộc sống càng thêm thi vị , “ít nhất” là trong khâu “ẩm thực”.
Mỹ Nhân (Mỹ Nhân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem