'Xi-nhan không phải là hâm, xi-nhan để khỏi bị đâm vỡ đèn'

Thứ tư, ngày 11/07/2012 13:14 PM (GMT+7)
Hai tấm băng rôn cổ động an toàn giao thông có nội dung "lạ" được treo trên hai tuyến lộ chính của thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) là điều cần suy ngẫm với chúng ta. Độc giả Ngô Vĩnh Yên nhận xét.
Bình luận 0

Hai tấm băng rôn được đưa lên mạng, ngay lập tức tạo ra 2 luồng ý kiến trái chiều. Người cho rằng, nội dung hay, ngộ nghĩnh, dễ hiểu, dễ đi vào đời sống và đặc biệt là dễ nhớ đối với người tham gia giao thông dù họ có thích hay không. Số khác lại nghĩ đó là "hâm", kém văn hóa, nghèo nàn và thậm chí phản cảm.

Khi đọc câu thơ "bút tre" tôi lại thấy ngồ ngộ và thích thú. Ngắm bức hình, thấy nhiều điều đáng để suy ngẫm quanh cái chữ "hâm" mà người ta cố tình sử dụng.

img
Hai tấm băng rôn với nội dung "lạ" được treo trên đường Phú Lợi, phường Phú Hòa và Cách Mạng Tháng Tám, phường Phú Thọ, hai tuyến đường chính của Thủ Dầu Một.

Có lẽ Ban An toàn giao thông Bình Dương đã rất trăn trở về thói quen "quên" bật đèn xi-nhan khi rẽ (trái, phải) dẫn đến nhiều kiểu tai nạn giao thông khác nhau. Họ đã suy nghĩ, bàn bạc và quyết định chọn nội dung trên dù biết sẽ có những ý kiến trái chiều, thậm chí chỉ trích mà nguyên nhân sâu xa là do chữ “hâm” mang lại.

Những câu chữ cổ động truyền thống vừa mang tính nghiêm túc vừa mang tính mệnh lệnh khó làm người ta để ý và nhớ, chứ đừng nói đến chuyện thực hiện.

Còn kiểu hài hước, ngộ nghĩnh và bình dân một chút như nội dung kia lai rất ấn tượng, dễ hiểu và dễ nhớ. Như vậy câu khẩu hiệu đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền của nó. Ban An Toàn Giao Thông Bình Dương có thể nói là dũng cảm dám đặt hiệu quả công việc chung lên hàng đầu.

Không dùng hoặc sử dụng đèn tín hiệu dễ khiến người khác ngộ nhận dẫn đến xử lý sai tình huống gây ra tai nạn không đáng có. Đây là căn bệnh khá phổ biến với người đi xe máy.

Thói quen này một phần bắt đầu từ việc không dùng hoặc sử dụng sai mục đích kính chiếu hậu trên xe máy. Có người tháo gương để dễ lách xe qua đám đông, không ít thanh niên chọn kiểu gương "thời trang" mà quên đi chức năng an toàn của nó. Phải chăng họ nghĩ rằng việc ngoái cổ quan sát an toàn hơn là nhìn vào chiếc gương nhỏ bé?

Một phần nguyên nhân của ý thức giao thông kém bắt nguồn từ việc học, cấp bằng lái xe hiện nay. Việc thi lấy bằng ở nhiều nơi nặng về tính thủ tục, người ta sẵn sàng "bán" và "mua" nó. Thực tế, có một khoảng cách rất xa giữa một người biết đi xe với một người điều khiển xe để tham gia giao thông an toàn.

Trong lễ tốt nghiệp của học sinh lớp 12, Trường trung học Wellesley, bang Massachusetts (Mỹ) tuần trước, David McCollough Jr, một giáo viên tiếng Anh đã gây sốc bằng lời phát biểu, "Các em chẳng có gì đặc biệt". Thay vì những lời lẽ bóng bẩy, tâng bốc học sinh đại loại như: các em là tương lai của đất nước, các em là những người đặc biệt... thì người thầy này lại "dội gáo nước lạnh" vào những khuôn mặt đang háo hức, mừng rỡ kia. Sự thật "trần trụi" ấy lại được mọi người nhiệt liệt ủng hộ.

Nếu cứ trang trọng, bác học, nghiêm túc, khuôn mẫu, máy móc nhưng khô cứng và không đi được vào lòng người, không giúp người ta nhớ và không hiệu quả trong tuyên truyền thì có lẽ chữ “hâm” trên câu cổ động kia lại có giá trị nhất định ngoài cái nghĩa “đen thui thùi lùi” của nó.

Theo VnExpress
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem