8 sự kiện xã hội nổi bật năm 2011

Thứ tư, ngày 28/12/2011 06:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Năm 2011 đã đi qua với nhiều sự kiện xã hội buồn vui lẫn lộn. Báo NTNN và báo điện tử Dân Việt bình chọn một số sự kiện xã hội nổi bật.
Bình luận 0

1. Giải cứu thành công hơn 10.000 lao động Việt ở Libya

10 giờ sáng ngày 9.3, chiếc Boeing 777-200ER đáp xuống sân bay Nội Bài cùng hơn 300 lao động, kết thúc tốt đẹp chiến dịch cầu hàng không giải cứu lao động lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam, đưa hơn 10.000 lao động về nước an toàn, tránh khỏi bất ổn, nội chiến ở thị trường lao động Libya.

img
Đưa lao động Việt tại Libya về sân bay Nội Bài.

Chỉ trong vòng 1 tháng, Bộ Ngoại giao, Bộ LĐTBXH, Vietnam airline đã đưa được hơn 8.000 lao động về bằng đường hàng không và gần 2.000 lao động về bằng đường biển. Số lao động này sau đó đã được tạo việc làm mới, được hỗ trợ, đền bù vì rủi ro phải về nước trước hạn.

2. Đưa vào hoạt động hầm vượt sông đầu tiên

Ngày 20.11, hầm Thủ Thiêm - công trình ngầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và hiện đại nhất Đông Nam Á có chiều dài 1,49km, rộng 33m, cao 9m, với 6 làn xe - và toàn bộ Đại lộ Đông -Tây được chính thức thông xe. Hầm này nối quận 1 và quận 2 (TP.Hồ Chí Minh), nằm dưới đáy sông cách mặt nước 24m. Tốc độ xe lưu thông trong hầm đạt 60km/giờ. Hầm có thể chịu được động đất 6 độ richter và có tuổi thọ 100 năm.

3. Ban hành chuẩn nghèo mới

Tháng 5.2011, Chính phủ công bố điều chỉnh chuẩn nghèo mới, mức thu nhập 200 nghìn đồng/người/tháng lên 400 nghìn đồng/người/tháng với khu vực nông thôn và 260 nghìn đồng/người/tháng lên 500 nghìn đồng/người/tháng khu vực thành thị.

Theo chuẩn nghèo này, ước tính cả nước có khoảng hơn 3 triệu hộ. Từ tháng 11.2011, cả nước đã tiến hành điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo để có phương án hỗ trợ trong giai đoạn 2011-2015.

Cũng trong năm này, nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo được ban hành như Đề án Xoá đói, giảm nghèo giai đoạn 2011-2015; Nghị quyết số 80 của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020 với mục tiêu thu nhập của hộ nghèo tăng 3,5 lần, tỷ lệ giảm nghèo từ 2-4%/năm.

4. Nói “không” với đào tạo tại chức và dân lập

Đề xuất này của 2 tỉnh, thành Đà Nẵng và Nam Định đã dấy lên cuộc tranh cãi về tính pháp lý của “lệnh cấm” cũng như chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ dân lập và hệ tại chức.

Cũng trong năm này, lần đầu tiên xuất hiện tình trạng các trường ĐH dân lập phải “khuyến mãi” để thu hút thí sinh. Cái để đưa ra “khuyến mãi” là điểm thi, học bổng, học phí… Điều đó khiến cho dư luận càng đặt dấu hỏi vào các “sản phẩm” nhân lực đào tạo ra từ các “khuyến mãi” này.

5. Nhiều vụ hoả hoạn kinh hoàng

Trong đó, vụ hỏa hoạn kinh hoàng nhất xảy ra tại xưởng may gia công giày da của vợ chồng chị Bùi Thị Hiền tại thôn Đại Hoàng 2, xã Tân Dân, huyện An Lão, Hải Phòng ngày 29.7 khiến 13 người chết, 25 người bị thương. Vụ cháy này khiến dư luận đặt câu hỏi về công tác quản lý an toàn lao động, cháy nổ ở các xưởng sản xuất gia công trong khu dân cư.

Năm 2011 cũng là năm ghi nhận nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng khác như vụ cháy chợ Vinh (Nghệ An), cháy ở toà tháp đôi 33 tầng EVN, tòa nhà Keangnam Landmark Tower (Hà Nội), vũ trường Phương Đông (TP.Đà Nẵng).

6. Những “cơn bão” dùng phụ gia thực phẩm cấm

Có thể kể đến việc dùng phụ gia tạo đục DEHP gây biến đổi gen trong một số nước giải khát, kẹo, thạch rau câu. Mì tôm có chất nhuộm E102, nước mắm có HT155. Các phụ gia này đều là những chất bị cấm trên thế giới nhưng Việt Nam vẫn dùng, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Năm 2011 cũng là năm Luật An toàn vệ sinh thực phẩm được Quốc hội thông qua. “Roi” đã có nhưng mới chỉ “giơ cao”.

7. Dịch tay chân miệng khiến 156 trẻ tử vong

Dịch bệnh tưởng như hết sức “bình thường” nhưng lại cướp đi sinh mạng của 156 trẻ em, hàng trăm nghìn trẻ mắc bệnh, kéo dài suốt từ đầu năm đến cuối năm với tốc độ lan nhanh chóng mặt.

img
Dịch tay chân miệng đã cướp đi sinh mạng của 156 trẻ em.

Bệnh không chỉ nghiêm trọng, mà còn gây ra một cuộc tranh cãi giữa các chuyên gia y tế và Bộ Y tế vì các chuyên gia thì bảo cần “công bố” dịch, còn Bộ Y tế cứ khăng khăng bảo không.

8. Bạo lực gia đình gia tăng

Năm 2011 ghi nhận nhiều vụ bạo hành “thời trung cổ” gây căm phẫn trong dư luận: Vụ bé trai 3 tuổi (xã Tế Tân, Nông Cống, Thanh Hóa) bị cha giội xăng đốt; chồng đánh vợ tàn bạo, quay video rồi bắt vợ xem lại (thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc); chồng xích vợ treo lên xà nhà, lấy búa đập vợ (Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội)… Ngoài ra còn nhiều vụ người vợ ra tay hạ sát chồng như vụ bà Trần Thuý Liễu ở Long An. Trong khi đó, mới chỉ 12% các vụ bạo lực gia đình được xử lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem