82 tuổi vẫn say khai hoang, trồng rừng

Thứ tư, ngày 29/12/2010 12:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - 82 tuổi đời 60 năm tuổi Đảng, cụ Nguyễn Thi - cựu chiến binh ở thôn Phước Sơn, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, Quảng Trị được nhiều người biết với thành tích trồng tràm lai (keo lai).
Bình luận 0

Năm 1988, cụ Thi nghỉ hưu về quê hương Triệu Sơn (sau thời gian công tác ở Phòng Văn hoá huyện Vĩnh Linh). Lúc bấy giờ, cách nhà cụ chừng 1km có một khoảng rừng chừng 5ha bị bỏ hoang.

Với suy nghĩ không thể để hoang hoá đất đai, cụ viết đơn xin cho khai khẩn vùng đất ấy và được xã ủng hộ. "Con cháu đứa thì đi làm ăn xa, đứa đi lấy chồng nên việc khai hoang chỉ có hai vợ chồng già tự làm lấy"- cụ Thi nhớ lại. Sau một thời gian, họ đã khai hoang, phát dọn xong tất cả các cây bụi cỏ dại trên vùng đất này, thu dọn trên 30 quả mìn các loại.

Căn cứ vào đặc điểm, thổ nhưỡng của đất, cụ Thi quyết định trồng tràm lai, loài cây rất thích hợp với điều kiện thời tiết nơi đây. Cụ dành 1 tháng lương hưu (2 triệu đồng) mua 1.000 cây tràm giống để trồng thử nghiệm.

“Ban đầu, tất cả tràm đều phát triển xanh tốt, nhưng sau một mùa mưa kéo dài, đất bị ngập úng, hơn 1/2 số cây giống chết hết. Tôi tiếp tục cải tạo bằng cách đắp đất, bồi cao thêm những nơi ô trũng và đào các hệ thống đường hào thoát nước, đắp các đập nhỏ để ngăn không cho dòng nước úng xâm nhập”- cụ Thi kể.

Tiếp đó, cụ lại trồng tiếp thêm 1.500 cây tràm giống nữa. Lần này, đất không phụ lòng người, toàn bộ số cây phát triển xanh tốt, bất chấp một mùa mưa kéo dài. Và cứ mỗi năm cụ lại trồng thêm 2.000 cây tràm… Đến bây giờ, 5ha đất hoang ngày nào đã phủ một màu xanh tốt của tràm, mỗi năm cụ Thi thu về hơn 40 triệu đồng.

Để việc trồng rừng được phát triển lâu dài và bền vững cụ đưa ra phương châm: "Bán 2.000 cây thì trồng lại 2.500 cây để phủ xanh đất, không cho 1ha đất nào bị bỏ hoang cả". Tràm là giống cây rất phù hợp với thời tiết, đất đai của vùng Bình Trị Thiên, dễ trồng, nhanh thu hoạch.

“Theo góp ý của tui là nhà nước nên có những chính sách khuyến khích hỗ trợ kỹ thuật và giống cây tràm cho bà còn những nơi mô có điều kiện trồng nó, vừa là để phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa là giúp bà con nhanh thoát nghèo"- cụ Thi nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem