Afghanistan ra sao sau một năm không còn là "mồ chôn của các đế chế"?

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ năm, ngày 18/08/2022 09:28 AM (GMT+7)
Tổng thống Mỹ Joe Biden không phát động cuộc chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan nhưng lại chấm dứt cuộc chiến tranh này cho nước Mỹ.
Bình luận 0
Một năm nhìn lại Mỹ rút quân khỏi Afghanistan - Ảnh 1.

Mỹ rút quân khỏi Afghanistan sau 20 năm chinh chiến. Ảnh: Getty

Người tiền nhiệm trực tiếp của ông Biden, tổng thống Mỹ Donald Trump, đã cho đàm phán trực tiếp với Taliban và cho ký kết thoả thuận giữa Mỹ và Taliban về việc Mỹ rút hết binh lính và nhân viên ra khỏi Afghanistan (Thoả thuận Doha) hồi cuối năm ngoái. 

Ông Biden ấn định thời điểm cuối cùng cho việc rút hoàn toàn binh lính và nhân viên Mỹ ra khỏi Afghanistan vào ngày 31/8/2021 - trước dấu mốc 20 năm ngày xảy ra vụ mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qeada tiến hành những cuộc tấn công khủng bố nước Mỹ 11/9/2001. 

Nhưng trước đấy 2 tuần, vào ngày 15/8/2021, Taliban đã tiến vào kiểm soát thủ đô Cabul của Afghanistan và trở lại cầm quyền. 

Trong những ngày sau đấy, nước Mỹ bị ám ảnh bởi cuộc rút chạy và di tản hỗn loại cũng như vụ đánh bom tự sát khiến 13 lính Mỹ bị thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. 

Cho tới nay, ở nước Mỹ vẫn có cuộc tranh luận sôi động về quyết định rút quân của ông Biden đúng hay sai và lợi hay hại cho nước Mỹ. Một năm sau ngày Taliban trở lại cầm quyền ở Afghanistan, chuyện ở đất nước này cùng với cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm và Taliban cầm quyền trở lại như thế nào bị lu mờ bởi chuyện chiến sự ở Ukraine giữa Nga và Ukraine bởi cuộc chiến năng lượng giữa Nga và EU ở châu Âu và bởi cuộc đối địch quyết liệt giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc. 

Sự trở lại cầm quyền của Taliban là bằng chứng rõ nét nhất và thuyết phục nhất về thất bại của Mỹ và đồng minh trong cuộc chiến tranh do họ phát động ở Afghanistan hồi năm 2001. 

Mới đây, ông Biden tuyên cáo chiến thắng quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố khi Mỹ truy sát ra tung tích và tiêu diệt được thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qeada Ayman al-Zawahiri. 

Nhưng cũng chính vụ việc này lại đồng thời cho thấy diện mạo khác của thất bại của Mỹ và đồng minh trong cuộc chiến tranh của họ ở Afghanistan: Al-Qeada tuy bị suy yếu nhưng vẫn là mối đe doạ an ninh và khủng bố đối với Mỹ và đồng minh, Taliban tuy ký thoả thuận Qatar với Mỹ và cam kết không hậu thuẫn Al-Qeada nhưng trên thực tế vẫn chứa chấp Al-Qeada ở Afghanistan. 

Nói theo cách khác, Afghanistan ở thời Taliban trở lại cầm quyền vẫn là thách thức an ninh lớn đối với Mỹ và đồng minh. Cho nên Mỹ và đồng minh hiện vẫn phải giữ những con chủ bài chiến lược và sách lược để đối phó Taliban, để gây áp lực buộc Taliban phải thay đổi bản chất và để kiềm chế Taliban ở Afghanistan. 

Những biểu hiện cụ thể nhất là chưa công nhận ngoại giao chính thể Taliban, chưa để cho Taliban tiếp cận và sử dụng tài sản của Afghanistan ở nước ngoài, chưa viện trợ tài chính và nhân đạo trực tiếp cho chính quyền Taliban và Mỹ không ngại ngần lại tấn công quân sự vào Afghanistan khi thấy cần thiết. 

Có hai điều đáng được nêu ra về Taliban sau một năm trở lại cầm quyền ở Afghanistan. 

Thứ nhất, Taliban có vẻ như đã thấm thía những bài học từ cuộc chiến tranh với Mỹ và đồng minh trong 20 năm qua nên sau khi trở lại cầm quyền ở Afghanistan chủ động thể hiện ra bên ngoài diện mạo ôn hoà và bớt cực đoan, đã thay đổi bản chất và nhận thức. Mục đích của Taliban là tránh đối đầu về ý thức hệ với Mỹ và Phương Tây, tìm kiếm sự công nhận ngoại giao của thế giới bên ngoài, hợp pháp hoá chính thể mới và tranh thủ nguồn tài chính viện trợ nhân đạo và phát triển của bên ngoài.

 Đồng thời, Taliban lật ngược dần những thành quả mà Mỹ và đồng minh đã đạt được về phát triển xã hội dân chủ, luật pháp và nhà nước pháp quyền bằng cách dần áp dụng trở lại những chính sách xưa trên các lĩnh vực này, đặc biệt liên quan đến các quyền của nữ giới, tự do ngôn luận và báo chí. 

Thứ hai, về cơ bản, Taliban cho đến nay chưa giải quyết được những vấn đề và thách thức đặt ra cho Afghanistan về phát triển kinh tế - xã hội, về khắc phục tình trạng thiếu đói và không đảm bảo an ninh lương thực, lạm phát và thất nghiệp. 

 Một năm sau ngày Taliban trở lại cầm quyền ở Afghanistan, mọi diễn biến và dấu hiệu đều cho thấy Mỹ và đồng minh không tin Taliban sẽ thay đổi bản chất và chính sách cầm quyền trong khi Taliban không còn ảo tưởng có thể dựa cậy chính vào Mỹ và đồng minh.

Vì thế, Taliban đã bắt đầu chuyển sang ngả hẳn về phía Trung Quốc, Pakistan và Nga. Afghanistan còn tiếp tục bất an và bất ổn trong thời gian tới vì Taliban hiện vẫn chưa có được đường hướng rõ ràng có thể đưa đất nước này thoát ra khỏi khó khăn và khủng hoảng trên nhiều phương diện. Vì thế, Afghanistan vẫn tiếp tục là rủi ro và thách thức lớn đối với an ninh và ổn định ở khu vực Nam Á.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem