Ấm no, giàu có nhờ trồng cà phê trên đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi"

Quốc Định Thứ tư, ngày 21/02/2018 06:30 AM (GMT+7)
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất từng mệnh danh “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, ông Quàng Văn Giót, ở bản Nam (xã Hua La, TP Sơn La, tỉnh Sơn La) là người cảm nhận rõ hơn ai hết cái thời bữa no, bữa đói ấy.Thế nhưng, từ khi trồng cà phê thay cho cây ngô, cây sắn, lúa nương, cuộc sống người dân trên vùng đất cằn cỗi này bỗng trở nên ấm no, giàu có.
Bình luận 0

Những ngày đầu xuân, chúng tối đến bản Nam (Hua La), cảm nhận đầu tiên về nơi đây là một cuộc mới sung túc, ấm no, khá giả. Dọc con đường bê tông vào bản là những ngôi xây 2 – 3 tầng khang trang, kiên cố...

img

Hai bên vào nhà ông Giót giờ đã biết thành nương cà phê xanh mướt ngập lối đi

Ngẫm về thời nghèo khó trước đây, ông Giót nhớ lại: Trước đây, người trong bản chỉ biết đến cây ngô, cây sắn, lúa nương nhưng khổ nỗi những loại cây này không phù hợp với mảnh đất cằn cỗi nơi đây. “Cái đất này trồng ngô, bắp chỉ bé bằng ngón chân cái, trồng sắn cũng vậy, còn nói đến lúa nương thì có năm còn thất thu vì lúa không cho hạt, cả nương lúa rộng hơn 3 ha mà chỉ thu được vài yến thóc đem về. Đựng thóc vào bồ ăn hơn tháng là đã cạn sạch bồ thóc, đến mùa giáp hạt thì cơm ăn bữa đói, bữa no, bữa nào cơm cũng phải lộn với sắn ăn qua ngày. Bao năm gắn bó với cây ngô, sắn, lúa nương, còng lưng làm ngày, làm đêm mà cuộc sống chẳng thể nào khấm khá hơn được”, ông Giót tâm sự.

img

Nương cà phê của bà con bản Nam rải rộng mệnh mông, một màu xạnh phủ ấp kín các sườn đồi

Tưởng chừng cuộc sống nghèo khó đeo bám mãi, năm 1995 khi nhà nước có chủ chương đưa cây cà phê vào trồng thay thế cho cây ngô, cây sắn, lúa nương, mới đầu bà con cũng lắc đầu vì nghĩ bụng, cái đất này chắc chẳng cây nào trồng hiệu quả được đâu.  Ban đầu, nhà nước hỗ trợ phân bón, cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc thế là bà nghe theo. “Không ngờ, cà phê lại hiệu quả đến vậy, trồng đến năm thứ 2 cây đã cho quả, cây nào cây nấy đều sai chi chít. Cà phê rất thích hợp khí hậu, đất đai vùng này, vườn nhà nào cũng xanh mướt nương cà phê, đến mùa thu hoạch, thương lái vào đến tận nương, vườn để thu mua cho bà con.

Riêng gia đình ông Giót, đã chuyển 3,5 ha đất ngô, sắn, lúa nương sang trồng luôn cây cà phê. Mảnh đất mấy năm trước người dân gọi “chó ăn đá, gà ăn sỏi” giờ mỗi năm cho thu hoạch 40 – 50 tấn cà phê, trung bình giá cà phê 6.000/kg, tính ra năm nào nhà ông Giót cũng thu về trên 300 triệu đồng. Sau vài năm trồng cà phê, gia đình ông Giót không chỉ thoát được nghèo, đến nay, ông còn xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang, tiện nghi mua sắm nhiều đồ dùng giá trị.

img

Ông Giót đang xới đất vun gốc cà phê

Để cà phê phát triển tốt, phải thường xuyên bón phân cho cây, mỗi năm bón 3 - 4 lần, có thể tận dụng vỏ cà phê ủ làm phân bón cho cây, ngoài ra, chú ý cắt tỉa cành, cây nào bị cỗi cưa gốc để cây lên nhánh, chỉ một năm là là tiếp tục có quả. Sẵn tính cần cù, chịu khó, bà con dân bản Nam luôn nhắc nhở nhau cách làm ăn, kỹ thuật chăm sóc cà phê, sao cho cây phát triển tốt, ra nhiều quả. Từ trồng cà phê mà cuộc sống của bà con trong bản ngày một khấm khá, hiện gần 100 hộ trong bản thì đã có hơn 70% số hộ xây được nhà khang trang, kiên cố.

Nói đến người đỡ đầu đầu ra cho sản phẩm cà phê của bà con, ông Giót nói rằng, ở đây cà phê đều được doanh nghiệp cà phê Minh Tiến thu mua, bao tiêu đầu ra cho bà con. Ngoài ra, doanh nghiệp còn hợp đồng với bà con hỗ trợ phân bón cho cây.

Từ chuyển đổi cây trồng không chỉ riêng gia đình ông Giót giàu lên mà nhiều hộ trong bản cũng thoát được nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

img

Ngôi nhà mới của ông Giót được xây dựng khang trang, kiên cố, tiện nghi

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem