An Giang: Nông dân hết cảnh chạy đôn chạy đáo tìm thương lái nhờ HTX kiểu mới

P.V Thứ sáu, ngày 31/07/2020 16:20 PM (GMT+7)
Khi có thêm động lực đủ mạnh từ doanh nghiệp hỗ trợ cho HTX, nông dân có thể định hướng tiêu thụ ngay trước mỗi mùa vụ. Từ đó, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và hoàn toàn an tâm đầu ra khi thu hoạch.
Bình luận 0

Đó là mục tiêu thiết thực của mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới đang được Tập đoàn Lộc Trời đẩy mạnh triển khai tại tỉnh An Giang.

Có nhưng chưa đủ

Bà Trần Thị Lệ - nông dân ở huyện Phú Tân (An Giang) nhớ lại đầu vụ đông xuân 2019-2020, giá lúa dòng OM được thương lái mua vào từ 5.000 - 5.100 đồng/kg, riêng giống IR 50404, thương lái mua 4.200 đồng/kg. 

Trong khi gia đình bà hết vất vả tìm đầu ra rồi lại lo lắng khi thương lái vẫn chưa thanh toán xong tiền lúa thì các nông hộ khác, vốn là thành viên trong các HTX đã chuẩn bị bước vào vụ mùa mới.

Mô hình HTX kiểu mới giúp nông dân an tâm suốt mùa vụ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thái Bình cầm lái, thử nghiệm máy móc nông nghiệp bàn giao cho các HTX.

Theo Tập đoàn Lộc Trời, chương trình dự kiến sẽ xây dựng 50 HTX kiểu mới tại An Giang trong năm 2020 và phấn đấu đến 2024 là 1.000 HTX trên cả nước.

Để đánh dấu việc triển khai liên kết mô hình mới, phía Lộc Trời phối hợp với UBND tỉnh An Giang trao tặng 2 máy cấy và 4 bộ máy nông khác cho 6 HTX tại An Giang và Long An.

Ông Trần Văn Lô Ba - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phú Thạnh cho biết, với những HTX có liên kết với doanh nghiệp, thành viên được sử dụng dịch vụ vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc BVTV do HTX cung ứng sẽ có giá thành thấp hơn bên ngoài. 

Đến vụ thu hoạch, nông dân không phải chạy đôn, chạy đáo tìm thương lái để tiêu thụ sản phẩm.

Từ sau Luật HTX kiểu mới năm 2012 ra đời, đã có nhiều HTX khẳng định được tính hiệu quả trong hoạt động thực tế. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ. Theo ông Ba, hiện có không ít các HTX vẫn còn gặp khó khăn, từ nguồn vốn, vật tư đến khoa học công nghệ.

Bà Võ Thị Thanh Vân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT An Giang cho biết, nhiều nông dân chưa thật tin tưởng nên hạn chế tham gia, còn thói quen bán nông sản qua thương lái. Quy mô sản xuất của nông dân còn nhỏ lẻ gây khó khăn đến sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp dẫn đến việc mở rộng diện tích qua các năm rất hạn chế.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, HTX có vai trò vô cùng quan trọng với phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, kinh tế HTX cần đổi mới và có thêm động lực mạnh mẽ để thích ứng, phát triển. Trong sản xuất nông nghiệp, sản lượng có thể giảm, nhưng giá trị nông sản phải tăng lên.

Trợ lực cho HTX

Theo Sở NNPTNT An Giang, thực tế trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều mô hình liên kết khá thành công. Mô hình liên kết cả chuỗi sản xuất, tiêu thụ gắn liền với phát triển HTX kiểu mới như Tập đoàn Lộc Trời đang triển khai là một ví dụ điển hình. 

Trước đó, tập đoàn này vẫn liên kết sản xuất khoảng 10.000ha làm cánh đồng lớn hàng năm. Giữa tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh An Giang tiếp tục phối hợp Tập đoàn Lộc Trời triển khai chương trình liên kết phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới trên địa bàn tỉnh.

Mô hình mới này được Lộc Trời nghiên cứu và thực hành từ 3 năm nay, dựa trên những thế mạnh của đội ngũ cán bộ kỹ thuật "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân).

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Lộc Trời chia sẻ, nông dân tham gia vào các HTX kiểu mới này sẽ nhận được nhiều hỗ trợ thiết thực. Đó là lựa chọn sản phẩm đầu vào để có vụ mùa tốt nhất; được hỗ trợ tài chính suốt mùa vụ; được tư vấn quy trình canh tác đạt chuẩn, tiết kiệm chi phí, bảo vệ sức khỏe cho người làm nông và môi trường.

Chính đội ngũ "3 cùng" sẽ hợp tác với các HTX, tư vấn cho các hộ thành viên về cây giống, quy trình canh tác phù hợp. "Mục tiêu của mô hình là cùng bà con định hướng tiêu thụ ngay trước mỗi mùa. Từ đó, chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và hoàn toàn an tâm đầu ra khi thu hoạch, tiêu thụ" - ông Thòn nói.

Cũng trong thỏa thuận hợp tác với UBND tỉnh An Giang, Lộc Trời sẽ hỗ trợ thực hiện đề án hoàn chỉnh danh mục sản phẩm đặc trưng của tỉnh, phát triển và định vị thương hiệu gạo An Giang trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, chương trình liên kết phát triển HTX được thực hiện bởi Tập đoàn Lộc Trời đánh dấu bước chuyển quan trọng trong chiến lược phát triển các HTX kiểu mới, khi có sự tham gia điều hành, góp vốn, cùng phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng từ doanh nghiệp.

"An Giang sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thành lập mới các HTX gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương" - ông Bình chia sẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem