Quảng Ninh: Giải ngân 1 tỷ đồng tiếp sức nông dân phát triển thương hiệu miến dong Bình Liêu
Quảng Ninh: Giải ngân 1 tỷ đồng tiếp sức nông dân phát triển sản phẩm thương hiệu miến dong Bình Liêu
Thanh Tuyền
Thứ bảy, ngày 27/04/2024 07:08 AM (GMT+7)
Với 1 tỷ đồng vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, các hộ dân xã Húc Động, huyện Bình Liêu sẽ có nguồn vốn để liên kết mở rộng trồng dong riềng, chế biến miến dong Bình Liêu.
Cây dong riềng là cây trồng chủ lực của huyện miền núi Bình Liêu. Do hợp khí hậu thổ nhưỡng, củ dong riềng trồng tại Bình Liêu cho chất lượng khá tốt, ít xơ, nhiều bột, vị ngọt dịu, thơm nhẹ. Miến dong Bình Liêu được sản xuất hoàn toàn từ củ dong riềng này cũng có vị thơm, ngọt dịu đặc trưng, giòn dai, nấu lâu cũng không nát.
Miến dong Bình Liêu - sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Quảng Ninh
Việc trồng cây dong riềng không đòi hỏi kỹ thuật canh tác cao nên rất phù hợp với trình độ canh tác của người dân trong vùng. Do đó, sản xuất và chế biến miến dong Bình Liêu đã trở thành nghề truyền thống của người dân địa phương. Đặc biệt là khu vực xã Húc Động có số lượng hộ và cơ sở chế biến miến dong nhiều nhất huyện. Việc sản xuất dong riềng và chế biến miến dong trên địa bàn huyện đã góp phần xóa đói giảm nghèo trong giai đoạn 2005-2010 và giúp nhiều hộ dân tại xã Húc Động, Đồng Tâm, Lục Hồn vươn lên làm giàu giai đoạn 2010-2020.
Hiện nay, miến dong Bình Liêu là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Quảng Ninh, có mặt tại nhiều cửa hàng nông sản sạch, trung tâm thương mại lớn với giá dao động từ 90.000 - 120.000 đồng/kg. Sản phẩm miến dong Bình Liêu được đóng gói, có tem nhãn mác với đầy đủ thông tin về xuất xứ, thành phần dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng.
Để đáp ứng thị hiếu của khách hàng cũng như duy trì chất lượng, thương hiệu miến dong Bình Liêu, những năm qua, huyện Bình Liêu đã mở rộng vùng nguyên liệu trồng dong riềng, hỗ trợ người dân trồng các giống dong riềng mới. Đồng thời, gắn kết người sản xuất với các cơ sở chế biến miến dong; tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; kiểm soát chặt chẽ đầu vào nhằm quản lý nhãn hiệu miến dong Bình Liêu bền vững.
Tính đến hết năm 2023, tổng diện tích trồng dong riềng trên toàn huyện là khoảng 120ha, sản lượng củ dong riềng đạt khoảng 4.860 tấn. Trong khi đó, theo kế hoạch của huyện đến năm 2025, diện tích trồng dong riềng là 200ha, sản lượng củ dong riềng đạt 8.142 tấn.
Do đó, để nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm thương hiệu miến dong Bình Liêu hơn nữa, cần có nguồn vốn hỗ trợ nông dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ, dây chuyền, máy móc, thiết bị... Từ thực tế trên, việc thực hiện dự án "Liên kết mở rộng trồng và chế biến miến dong" là rất cần thiết.
Mong muốn được vay vốn thời gian dài để phát triển miến dong Bình Liêu
Ngày 22/4 vừa qua, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Ninh và Hội Nông dân huyện Bình Liêu đã tổ chức Hội nghị triển khai và giải ngân dự án "Liên kết mở rộng trồng và chế biến miến dong".
Theo đó, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Hội Nông dân huyện Bình Liêu đã giải ngân 1 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để thực hiện dự án "Liên kết mở rộng trồng và chế biến miến dong" cho 10 hộ hội viên nông dân tại xã Húc Động với thời gian thực hiện dự án là 24 tháng.
Tại hội nghị, các hộ dân tham gia dự án còn được cán bộ chuyên môn của Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Bình Liêu tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng chống dịch bệnh trên cây dong riềng; hướng dẫn cách thu hoạch, bảo quản dong riềng.
Qua đó, giúp cho hội viên nông dân tham gia thực hiện dự án có thêm kiến thức, được tiếp cận khoa học kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, phát huy hiệu quả dự án khi được triển khai.
Ông Lục Văn Sáng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Húc Động chia sẻ, trước đây do ít vốn nên các hộ dân không có tiền để đầu tư vào giống, phân bón. Ngoài ra, do thiếu vốn nên các hộ dân không có điều kiện để đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất, khi trồng ra tiêu thụ rất khó khăn.
Sau khi được Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh tạo điều kiện vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, các hộ sẽ có điều kiện mở rộng quy mô trồng dong riềng, mua phân bón. Đồng thời, các hộ dân sẽ liên kết lại thành lập HTX có điều kiện mua máy móc thiết bị đưa vào sản xuất. Từ đó đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ củ dong riềng và sản xuất miến dong Bình Liêu, mang lại thu nhập ổn định hằng năm.
Cũng theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Húc Động, các hộ dân mong muốn được vay vốn thời gian dài hơn để có điều kiện sản xuất kinh doanh trả vốn vay. Đồng thời, mong muốn được Hội Nông dân và các cấp hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, xử lý nước thải và tiêu thụ quảng bá sản phẩm miến dong Bình Liêu.
Từ đầu năm đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ cho các hội viên, nông dân triển khai, thực hiện nhiều dự án như: Nuôi tôm theo quy trình công nghệ cao tại xã Vạn Ninh, TP.Móng Cái; nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng tại phường Hải Hòa, TP.Móng Cái; trồng ổi lê Đài Loan tại phường Phương Đông, TP.Uông Bí; nuôi ong lấy mật tại phường Vàng Danh, TP.Uông Bí; trồng hoa đào cảnh tại xã Quảng Minh, huyện Hải Hà...
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giúp cán bộ, hội viên hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển nguồn quỹ; hướng dẫn hội viên, nông dân phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay để nâng cao thu nhập.
Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh sẽ chỉ đạo thực hiện việc đánh giá, thu hồi và giải ngân các nguồn vốn quỹ nhanh, kịp thời, hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các dự án, đảm bảo nguồn vốn vay đúng đối tượng, đúng mục đích, đạt hiệu quả, xây dựng thành công các mô hình phát triển kinh tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.