Bắc Kạn: Mong manh phận người nơi lòng hồ Nặm Cắt

Chiến Hoàng Thứ hai, ngày 10/06/2019 10:54 AM (GMT+7)
Dự án thiếu vốn, nhiều hộ dân tại thôn Bản Pẻn, xã Dương Quang, TP.Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) tiến thoái lưỡng nan, đi không được, ở không xong. Những ngôi nhà xập xệ, xiêu vẹo chực đổ vẫn phải căng mình chống chọi mưa, lũ suốt gần 10 năm nay.
Bình luận 0

Cắm đất vùng sạt trượt, “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”

Dự án Hồ chứa nước Nặm Cắt, tỉnh Bắc Kạn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đầu tư được phê duyệt tại Quyết định số 2926/QĐ-BNN-XD ngày 15/10/2009 với tổng mức đầu tư gần 475 tỷ đồng.

Dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn TP.Bắc Kạn, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thủy lợi 2 được giao làm chủ đầu tư; địa phương được giao xây dựng đường, quản lý, bồi thường giải phóng mặt bằng và di dân tái định cư. Vậy nhưng suốt gần 10 năm nay, dự án vẫn ì ạch “rùa bò” vì thiếu vốn, đẩy người dân vùng lòng hồ vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

img

Anh Hoàng Thanh Thảo ra kiểm tra con suối đang dâng nước, phía sau bụi rậm bên phải là nhà anh, nước đang chực tràn vào.

img

Nước suối đã mấp mé phía góc khu vực nhà anh Hoàng Thanh Thảo.

PV có mặt ở Bản Pẻn vào ngày nước lũ, tại nhà anh Hoàng Thanh Thảo ngay sát con suối, nước tràn mấp mé chực vào. Anh Thảo cho biết, nhà sắp sập mà vẫn chưa được chuyển sang vùng tái định cư, tiền đền bù đã nhận hơn 3 năm nay rồi, mỗi mùa mưa lũ lại thon thót lo.

Chỉ chúng tôi sang ngôi nhà sàn xiêu vẹo chực đổ của ông Ma Hoàng Cận, anh Thảo dặn: "Có đến thì đừng ở dưới sàn nhà nhé, sập đấy". Được biết nhà ông Cận đã được đền bù từ năm 2016 nhưng vẫn chưa được chuyển đi.

img

Ngôi ngà này đã xiêu vẹo chực đổ sau nhiều năm chờ đợi di dời sang khu tái định cư.

img

Mỗi khi lũ về, ông Cận lại xót ruột ra trông chừng con nước.

Người dân khu vực lòng hồ bị chia cắt bởi hai đoạn sông và một con suối nên mỗi khi lũ về, việc đi lại rất vất vả. Nhìn con nước đang đỏ ngầu cuồn cuộn lao về phía hạ lưu, ông Cận rầu rầu: "Thành phố trước đó bảo cắm đất cho ở ngoài khu tái định cư nhưng rồi lại chưa cho vì lý do đất ngoài khu tái định cư nguy cơ sạt trượt cao".

“Ở đây cũng có mấy hộ được chuyển rồi, những hộ ấy thuộc diện nguy cơ sạt lở cao nên được ưu tiên, nhà tôi cũng thuộc diện đó mà chưa thấy được cắm đất. Những nhà không thuộc diện ưu tiên nhưng cũng bị ảnh hưởng lũ, phải tự giải quyết bằng cách di dời ra nơi khác, chứ không đợi nổi nữa”, ông Cận nói.

Ngoài những hộ chưa được chuyển tới khu tái định cư như gia đình anh Hoàng Thanh Thảo, Ma Hoàng Cận, nhiều hộ dân khác ở đây dù đã được cắm đất thì lại chưa thể làm thể làm nhà. Cũng theo người dân ở đây, hiện nay, nhiều hộ ở Bản Pẻn vẫn chưa nhận được nghìn tiền đền bù nào, điển hình là ở khu Khe Cao Lan và bản Bung. Những người dân ở lại vùng lòng hồ mỗi khi mưa lũ hết sức lo lắng và khó khăn trong việc di chuyển vì phụ thuộc chủ yếu vào hai cây cầu tre, nứa tự đan bắc ngang sông. Mỗi khi lũ to cầu lại trôi mất. 

Nhọc nhằn mưu sinh vùng tái định cư

Thế nhưng, dù được chuyển tới khu tái định cư Khuổi Kén, người dân ở đây cũng không dám làm nhà. Điển hình là gia đình ông Ma Hoàng Chẩn, bốc được 200m2 đất ở khu tái định cư nhưng đất ở đây có nguy cơ sạt trượt cao, không thể làm nhà. Dù họp thôn thống nhất, làm đơn xin đổi nhưng UBND thành phố không cho đổi. Trong khi đó, những ngôi nhà đã được xây dựng lại nằm dưới những taluy dương cao hơn chục mét và có dấu hiệu sạt trượt.

img

Phần taluy dương này đang có dấu hiệu sạt trượt, rất nguy hiểm.

img

Phần lớn những ngôi nhà ở khu tái định cư Khuổi Kén đều có phía sau là taluy dương cao hơn nóc nhà.

Việc mưu sinh ở vùng tái định cư Khuổi Kén của người dân trong diện di dời cũng rất nhọc nhằn. Theo bà Nông Thị Đoàn, người dân ở đây chủ yếu làm nông, do không có đất để cày cấy nên người dân vẫn về lại vùng lòng hồ để làm ruộng.  

“Tới đây di dời hết để đắp đập dâng nước thì không biết làm gì mà sống. Tôi ở thôn Nà Pài, di dời về khu tái định cư Khuổi Kén đã 4 năm, ở cùng nhà con gái, cuộc sống rất vất vả, tiền đền bù chỉ vừa đủ làm ngôi nhà be bé, con gái tôi đang độ tuổi lao động nhưng không có việc làm, tranh thủ các hộ chưa chuyển ra, còn đất trống tôi trồng ít rau ra chợ bán thôi”, bà Đoàn nói.

img

Bà Nông Thị Đoàn mong muốn nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho bà con có công việc, tạo thu nhập. "Bây giờ ruộng không còn, tiền cũng làm nhà hết, chẳng biết sống bằng gì nữa."

Cùng nỗi lo mưu sinh sau khi tái định cư, anh Lâm Thanh Tâm cho biết, hiện anh đã nhận được tiền đền bù, còn việc di dời thì chưa có đất, bây giờ còn có ruộng làm, ra đó chưa biết làm gì để sống. “Ra chỗ mới thì cũng chỉ được 200m2 là nhiều, không vườn, không ruộng, làm nhà xong chắc cũng hết tiền, vì thấy bảo đất nhà ở sẽ là đổi đất nhưng tính áp giá, giá đất trong này thấp lắm, ngoài đó thấy bảo cao hơn cả mười lần, biết lấy tiền đâu mà bù”, anh Tâm băn khoăn.

Trao đổi với PV Dân Việt ngày 7/6, ông Nguyễn Hữu Trung, Trưởng Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng TP.Bắc Kạn cho biết, trong dự án hồ thủy lợi Nặm Cắt, Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng chỉ thực hiện một phần. Hiện việc di dân ra khỏi vùng hồ Nặm Cắt đang tạm dừng do phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. 

Ông Trung cũng cho biết thêm, về việc một số hộ bốc trúng vào khu vực đất có nguy cơ sạt trượt là do dự án thiếu vốn phải dừng lại. Khi bà con bốc chọn đất thì dự án chưa dừng. Vị trí ấy là khu mỏ lấy vật liệu phục vụ đắp đập hồ thủy lợi. Nhiều hộ dân mong muốn được vào đó, nên phía Thành phố đã làm việc với Ban quản lý dự án Hồ Nặm Cắt thuộc BQL dự án đầu tư xây dựng Thủy lợi 2 Bộ Nông Nghiệp để bố trí theo nguyện vọng người dân.

img

Không thể lường được việc dừng dự án do thiếu vốn, đất trên đỉnh đồi chưa được múc đi nên nguy cơ sạt trượt cao.

"Tuy nhiên chúng tôi không lường được việc dừng dự án do thiếu vốn, đất trên đỉnh đồi chưa được múc đi nên nguy cơ sạt trượt cao, chưa xử lý được. Còn về việc đất sản xuất không có là do nhiều hộ nhận tiền đền bù và hỗ trợ đất nông nghiệp thay vì nhận đất nông nghiệp ở khu tái định cư", ông Trung cho biết thêm.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem