Hội thảo ghi nhận các ý kiến, quan điểm từ các nhà khoa học, ngành chức năng, chủ cơ sở nuôi chim yến và các đơn vị chế biến, phân phối sản phẩm từ yến. Từ đây, tỉnh Bạc Liêu làm cơ sở ban hành quy định tạm thời cho ngành, nghề nuôi chim yến trên địa bàn, tạo hành lang pháp lý góp phần cho lĩnh vực nuôi yến, phát triển bền vững.
Qua thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, bước đầu trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 nhà nuôi yến và việc dẫn dụ gây nuôi chim yến. Từ đó, đã góp phần không nhỏ cho thu nhập, phát triển kinh tế của các hộ dân cũng như đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Nghề nuôi chim yến cho hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên vẫn còn mang tính tự phát, chưa có định hướng phát triển lâu dài. Ảnh: CTV.
Tuy nhiên, gần đây nghề dẫn dụ, gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu phát triển khá nhanh. Bên cạnh đó, nhà nuôi yến được người dân xây dựng theo kiểu tự phát, đến nay vẫn chưa có qui định hành lang pháp lý nào cho nghề này, từ qui cách xây dựng, đến vấn đề xử lí vệ sinh, tiếng ồn, quản lí dịch bệnh… và cả việc đánh giá về hiệu quả kinh tế của nghề.
Tại đây, nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc quản lý điều kiện nuôi với đối tượng này còn thiếu, không kiểm soát được số lượng chim yến gây nuôi và sản lượng sản phẩm. Chưa có quy định về điều kiện chuồng trại phù hợp với tập tính.Việc mua, bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định, nhiều khi bị ép giá; nhiều sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị chưa cao.
Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Hiện nay nghề nuôi chim yến đang phát triển một cách tự phát, địa phương chưa có quy định cụ thể, do đó có thể dẫn tới rủi ro cho người dân và ảnh hưởng đến quy hoạch, phát triển đô thị. Chính vì vậy, cần định hướng phát triển ngành nghề nuôi chiim yến, trên cơ sở quy địnhvùng nuôi chim yến.
Một nhà nuôi chim yến tại TP.Bạc Liêu. Ảnh: CTV.
Ông Ly cho rằng, cần tăng cường công tác quản lý giám sát việc thực hiện đăng ký nuôi chim yến theo Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NNPTNT; tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng tổ yến, truy xuất nguồn gốc; thực hiện và kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường trong các vùng nuôi chim yến; thực hiện phân cấp và phối hợp của chính quyền các cấp trong quản lý nhà nước thống nhất theo hệ thống; kiểm tra giám sát theo đúng chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước và xử phạt nghiêm theo thẩm quyền được quy định.
Trong khi đó, chia sẻ tại hội thảo, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, cho rằng: Để phát triển nghề nuôi chim yến cần có những giải pháp đồng bộ về quản lý, sự phối hợp và thống nhất để có thể phát triển bền vững nghề nuôi chim yến chim yến là động vật hoang dã được quản lý theo quy định. Tuy nhiên, việc quản lý động vật hoang dã có nhiều văn bản pháp luật khác nhau, do nhiều cơ quan quản lý nên gây khó khăn trong việc thực hiện.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CL.
“Cần có các văn bản hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng nhà nuôi yến đúng, có các tiêu chuẩn nuôi chim yến bảo đảm an toàn sinh học. Xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về nhà yến và tổ yến. Đồng thời, quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính cụ thể đối với hành phát âm thanh dẫn dụ chim yến làm ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân xung quanh” - luật sư Hậu nêu ý kiến.
Theo báo cáo sơ bộ của các tỉnh, hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với tổng số 8.304 nhà yến; nhiều nhất là tại vùng ĐBSCL. Tỉnh Bạc Liêu cũng là một khu vực có tiềm năng phát triển ngành nuôi chim yến rất lớn. Nuôi và khai thác chim yến là một nghề phát triển khá mạnh. các sản phẩm yến sào không những có giá trị dinh dưỡng cao mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao với mức giá xuất khẩu chủ yếu từ 1.500- 2.000 USD/1kg.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.