Bản Cột Mốc đã có nước sạch

Thứ hai, ngày 08/10/2012 11:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bản Cột Mốc, xã Xuân Nha, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La không chỉ đẹp bởi độ cao tới gần 2.000m so với mực nước biển, lồng lộng mây trời, gió núi, mà còn đẹp bởi những đổi thay trong cách sống của đồng bào Mông nơi đây.
Bình luận 0

Có sức khoẻ nhờ ăn, ở sạch

Bản Cột Mốc nằm rải rác trên những sườn đồi cao vùng biên giới Việt-Lào. Đây là một trong những bản xa, nhiều khó khăn nhất của huyện Mộc Châu, có gần 80 hộ đồng bào Mông sinh sống với hơn 450 nhân khẩu. Trưởng bản Thào A Khua vui vẻ nói: “Bây giờ cán bộ đến bản thấy khác nhiều chưa? Bản làng sạch sẽ, nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, đường sá đi lại thuận tiện; có nước sạch rồi, không phải tắm nước suối nữa đâu…”.

img
Người Mông bản Cột Mốc đã có nước sạch để ăn, uống, tắm giặt...

Nhớ lại mấy năm trước, khi đặt chân đến nơi đây chúng tôi đã có những ghi nhận không vui, bởi cuộc sống đói nghèo và lạc hậu ở miền đất này. Nhưng hôm nay, bản Cột Mốc đã không còn những ngôi nhà tạm. Hầu hết các hộ đều cố gắng làm cho mình một khoảng hiên và sân bê tông ngay trước nhà, nên có cảm giác sạch sẽ, phong quang hơn.

Anh Khua bảo: Cái hiên nhà, cái sân không chỉ là chỗ phơi nông sản, ngồi chơi, thêu thùa của các bà, các chị mà còn là chỗ chơi của con trẻ mỗi ngày, nên cần phải rộng và sạch sẽ để trẻ thoải mái nô đùa với chúng bạn; đỡ bị con giun, con sán làm to cái bụng, làm bé cái người. Dân bản cũng đã được tuyên truyền, hướng dẫn, thực hiện ăn thức ăn nấu chín, uống nước đun sôi, rửa tay trước khi ăn, ngủ phải mắc màn… Nhờ thế mà sức khoẻ của người già, con trẻ tốt lên nhiều đấy; chẳng mấy ai ốm đau. Bệnh sốt rét cũng không còn nữa đâu.

Ra đầu nhà là có nước sạch

Trên đường đi thăm bản, anh Khua chỉ vào những bể nước công cộng nằm rải rác theo từng nhóm hộ trong bản, nói: “Trước đây dân bản chỉ dùng nước suối nên không đảm bảo sức khoẻ mà lại phải đi xa lấy nước. Mấy năm gần đây được Nhà nước đầu tư hệ thống bể nước sạch tự chảy, bà con chỉ cần ra đầu nhà là có nước sạch. Cũng nhờ dân bản bảo nhau giữ rừng tốt, lại bảo vệ được hệ thống ống dẫn; không để trâu, bò phá hỏng, nên bể nước luôn đầy tràn ngay cả trong mùa khô. Bà con sướng lắm.

Dân Cột Mốc đã hiểu rằng giữ gìn vệ sinh chung, ăn ở sạch cũng là lo cho chính bản thân mình. Mình có khoẻ thì mới làm được giàu, học được tốt.

Bên bể nước số 2 của bản, chúng tôi bắt gặp cháu Thào Thị Ly, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Xuân Nha, đang lấy nước vào một chiếc can nhựa. Cạnh đó, chị gái của Ly là Mỷ cũng đang khom lưng dọn dẹp những cọng rau, ngọn cỏ, đất cát vương vãi quanh bể. Ly khoe: “Chúng cháu được bộ đội biên phòng và các thầy cô giáo, y tế bản dạy rằng, phải giữ gìn vệ sinh chung; phải giữ nguồn nước sạch và ăn ở sạch sẽ. Cháu lấy nước này vào can để sáng mai rửa mặt trước khi đến lớp. Các bạn cháu ai cũng làm như vậy”.

Ở con dốc cuối bản, bắt gặp ông Sồng A Ký, 50 tuổi, dân bản Cột Mốc, đang xếp ngô vào những bao tải để chờ xe ô tô đến vận chuyển. Ông Ký tâm sự: Ngày trước, dân bản phá rừng nhiều lắm, còn lấy gỗ long lanh (giống như gỗ pơ mu) để lợp nhà, đốt củi suốt ngày đêm. Bây giờ thì ai cũng biết tiết kiệm gỗ, củi để giữ rừng; biết làm nhà vệ sinh, biết dọn đẹp rác rưởi quanh nhà và đường đi của bản. Cả bản làm nhiều việc tốt thì bản mới đoàn kết, chung vui. Đấy cũng là nét đẹp văn hoá của bản mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem