Thể hiện rõ nét qua những câu ca dao, ví như “Ở xởi lởi Trời cởi ra cho. Ở so đo Trời co ro lại”, “Ai ơi chớ có ăn lời. Bụt kia có mắt, ông Trời có tai”… hay mỗi khi gặp tai nạn thì họ “Nghiêng vai ngửa vái ông Trời, đương cơn hoạn nạn, độ người trần gian” cho mau “tai qua, nạn khỏi”. Và người ta còn tin rằng “Trời sinh voi thì sinh cỏ”, “Trời nào phụ kẻ có nhân”, “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”…
Vì thế, người miền Tây có tín ngưỡng thờ Trời mà bàn thờ ông Thiên là minh chứng rõ nét cho điều đó. Hiện nay, phía trước nhà của bất kì ngôi nhà nào ở miền Tây, dù là miệt vườn hoặc nơi phố chợ, ta dễ dàng bắt gặp bàn thờ ông Thiên. Đó là một mảnh gỗ rộng khoảng 50 – 60 cm, được gắn vào một cây cột bằng gỗ cao khoảng 1m. Nhà nào khá giả thì xây cây cột bằng gạch, phía trên thay cho mảnh gỗ là bệ xi măng, dán gạch men nhìn rất đẹp.
Bàn thờ ông Thiên ở một căn nhà vùng thôn quê. (Ảnh: Nhất Huỳnh)
Trên bàn thiên có một lọ cắm hương bằng sành, đặt ở phía sau cùng, bên cạnh phía tay phải của người nhìn vào là một bình cắm hoa, trước lọ cắm hương đặt một cái đĩa đựng 4 chén chung nước. Nhà nghèo có khi người ta dùng lon sữa bò để cắm hương, dùng cái chai xá xị hay hũ tương để cắm hoa.
Về nghi thức cúng ở bàn thờ ông Thiên thì thường sáng sớm khi mặt trời vừa lên, và chiều tối khi mặt trời đã lặn, chủ nhà thắp nén hương (3 cây hoặc 5 cây), có khi chỉ cần một cây hương vái trời đất, bốn phương rồi cắm ở bát nhang. Vào ngày mùng một và rằm hàng tháng (theo âm lịch), chủ nhà kiếm một ít bông (thường là bông trang trồng sẵn trong sân nhà) và trái cây (cũng ở vườn nhà) bày lên bàn thờ ông Thiên, thay nước lạnh (nước mưa trong lu). Sau đó gia chủ thắp hương và vái, cũng có thể khấn xin trời đất, thần thánh ban cho gia đình sức khỏe bình yên.
Trong những ngày gia đình có việc như giỗ chạp, cưới xin, tang ma thì chủ nhà cũng thực hiện nghi thức cúng bàn thờ ông Thiên. Ngày tất niên, gia đình nào cũng có mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ ông Thiên, hoặc trái dưa hấu tròn đầy đặn để cúng Trời, cầu nguyện cho sự sung túc cả năm. Một điểm đặc sắc nữa là người dân miền Tây còn kết hợp thờ ông Tà trên bàn thờ ông Thiên, đó là mấy hòn đá đặt bên cạnh lư hương, có khi là một góc nhỏ dưới chân bàn thờ ông Thiên.
Bàn thờ hình vuông tượng trưng cho đất (thuộc âm), lư hương hình tròn tượng trưng cho Trời (thuộc dương). Khát khao vươn đến sự hoàn hảo của người miền Tây được thể hiện thường trực hằng ngày qua hình ảnh bàn thờ Thông Thiên: có vuông – có tròn, có âm – có dương.
Phong tục tập quán của người miền Tây đa dạng, phong phú và bàn thờ ông Thiên đã tạo nét riêng biệt về văn hóa phi vật thể của người miền Tây. Qua đó, cũng thể hiện sự mộc mạc, giản dị và chân thành của người dân miền sông nước. Tuy nhiên, ẩn sâu trong đó là triết âm – dương đã tồn tại qua hàng ngàn năm với biểu tượng vuông – tròn vốn hiện hữu lâu đời trong tâm thức của người Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.