Bản xa mong có cầu kiên cố để thoát nghèo

Lưu Huệ Chủ nhật, ngày 11/09/2016 06:40 AM (GMT+7)
Được đánh giá là các địa phương có phong trào phát triển kinh tế khá mạnh mẽ, nhưng có một nghịch lý là 4 thôn liền kề Pác Nghè 1, Nà Cáy, Bản Váng 1 và Bản Váng 2 thuộc xã Địa Linh, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) lại có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã.
Bình luận 0

img

Con suối dẫn vào các thôn Pác Nghè 1, Bản Váng 1, Bản Váng 2, thôn Nà Cáy (xã Địa Linh) vào mùa mưa mênh mông nước, đi lại rất khó khăn, nguy hiểm. Ảnh: L.H

Vừa đến Bản Váng 2, xã Địa Linh, huyện Ba Bể chúng tôi gặp vợ chồng anh Lý Văn Phương đang cùng nhau dò dẫm, đi lại rất nhiều lượt trên con suối dẫn vào bản. Anh Phương cho biết: Gia đình anh làm công việc thu mua lâm sản đã nhiều năm nay. Thế nhưng cứ vào mùa mưa, trước mỗi chuyến hàng vợ chồng anh lại phải đi khảo sát đường, đặc biệt là đoạn qua lòng suối này trước 1 ngày. Theo anh Phương, sau mỗi đợt mưa,  lòng suối thay đổi, nhiều đoạn sỏi đá bị trôi nên không thể chủ quan. Chỉ mới cách nay 1 tuần, chuyến xe chở hàng của anh đã bị mắc lại ở lòng suối tới 3 ngày và phải chờ nước rút, xe cứu hộ mới đến để đưa lên được. Mỗi lần như vậy là chuyến hàng mất hết lãi. May mắn không có thêm trận lũ kéo về nên chiếc xe không bị cuốn trôi.

Anh Phương cho biết, đây là con đường duy nhất dẫn vào 4 thôn: Pác Nghè 1, Bản Váng 1, Bản Váng 2, thôn Nà Cáy. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, bà con nơi đây đã bắt đầu trồng rừng từ năm 1997, chủ yếu là thông, keo, mỡ, trúc. Đến nay, diện tích rừng trồng của 4 thôn đã đạt gần 1.000ha với hơn 90% số hộ dân trồng rừng. Cùng với đó, các mô hình trồng chuối tây, bí xanh thơm và chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng rất phát triển. Tuy nhiên, các thôn này đều có số hộ nghèo chiếm từ 40% trở lên. Riêng thôn Nà Cáy - thôn cách xa nhất so với trung tâm xã lại chưa có đường liên thôn nên tỷ lệ hộ nghèo ở đây chiếm tới 95% tổng số hộ.

Một trong những nguyên nhân khiến tỷ  lệ hộ nghèo ở đây cao là do đường giao thông khó khăn, không có cầu qua suối, đi lại vất vả nên tư thương thường xuyên ép giá nông sản, vào mùa mưa sản phẩm bà con làm ra bị ế là chuyện thường. Ông Trương Văn Giang ở thôn Pác Nghè 1, xã Địa Linh cho biết: “Dù trồng rừng hay chăn nuôi lợn, gà mà không tiêu thụ được thì sẽ không thể thoát nghèo. Tôi cũng như hơn 300 hộ dân ở 4 thôn luôn mong mỏi có được cây cầu bắc qua suối để vào thôn, từ đó đi lại, giao lưu hàng hóa thuận lợi hơn. Có cầu, có đường, bà con sẽ có cơ hội thoát nghèo…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem