Hành trình thực hiện tuyến bài đoạt Giải A và B Giải báo chí phòng chống tham nhũng của Báo Dân Việt
Báo Dân Việt đoạt Giải A và B Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Hoàng Thành
Thứ bảy, ngày 13/11/2021 21:52 PM (GMT+7)
Tối 13/11, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ trao “Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020 – 2021”. Tại lễ trao giải, Báo Dân Việt/Nông thôn Ngày nay nhận được 1 giải A và 1 giải B.
Tối nay (13/11), Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 3 năm 2020 - 2021" do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức đã diễn ra Cung Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.
Tại Lễ trao Giải, Ban Tổ chức đã trao 1 Giải A và 1 Giải B cho nhóm tác giả của Báo Dân Việt. Cụ thể, Giải A được trao cho nhóm tác giả: Đỗ Doãn Hoàng, Hoàng Văn Chiên, Nguyễn Văn Đức, Võ Hồng Nhân với loạt tác phẩm "Phía sau vụ thảm sát rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam", gồm 5 kỳ.
Sau khi được trao Giải thưởng, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, đại diện cho nhóm tác giải đoạt Giải A chia sẻ: "Được tin loạt phóng sự điều tra dài kì "Phía sau vụ thảm sát rừng nghiến cổ thụ "khủng" nhất Việt Nam" của tôi và đồng nghiệp được trao Giải A - Giải Báo chí Toàn quốc về Phòng chống tham nhũng tiêu cực, dĩ nhiên là tôi đã rất vui. Có được điều này, tôi nghĩ là vì hiệu ứng xã hội mãnh mẽ của tuyến bài, sau khi chúng tôi đã mất vài năm "nằm vùng" để lột trần các đường dây ma mãnh tàn sát rừng cổ thụ ở khắp các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang….".
Nói về loạt bài đoạt Giải B được trao trong buổi tối hôm nay (13/11), nhà báo Vũ Thị Hải không giấu được niềm vui, chị chia sẻ: "Khi nghe tin tác phẩm của chúng tôi đã đoạt giải B giải thưởng Báo chí Quốc gia về phòng chống tham nhũng, tôi thấy rất hạnh phúc. Đối với nhà báo, không gì vui bằng tác phẩm báo chí - đứa con tinh thần của mình được đánh giá và ghi nhận bằng những giải thưởng chất lượng, uy tín".
Theo nhà báo Vũ Thị Hải, bên cạnh việc trực tiếp viết bài lên án các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, nhà báo và cơ quan báo chí còn có nhiệm vụ phát hiện, cổ vũ, động viên những tấm gương dũng cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân dám đứng lên đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tố cáo tiêu cực.
Loạt bài viết về cựu Thiếu tá Trịnh Văn Khoa - người đã dũng cảm tố cáo việc làm sai trái, vi phạm pháp luật của một loạt cán bộ điều tra thuộc công an quận Đồ Sơn chính là nhằm thực hiện nhiệm vụ nói trên và phù hợp với mục tiêu của công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã và đang phát động.
Trước khi làm đơn tố cáo sai phạm, Thiếu tá Trịnh Văn Khoa đã buộc phải làm đơn xin xuất ngũ, từ bỏ ngành công an mà anh theo đuổi, chấp nhận sự thiệt thòi của bản thân để đạt được mục tiêu tốt đẹp là làm trong sạch đội ngũ công an nhân dân.
"Khi thực hiện loạt bài, mặc dù cựu Thiếu tá Trịnh Văn Khoa rất ngại xuất hiện trên báo chí, không muốn gặp gỡ nhà báo, nhưng chúng tôi đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ hết sức uyển chuyển, động viên, thuyết phục để Thiếu tá Khoa và gia đình chia sẻ thông tin, đồng ý trả lời phỏng vấn. Loạt tin bài về chủ đề này của Báo Dân Việt luôn được thông tin sớm nhất, nhận được sự quan tâm, chia sẻ của hàng trăm nghìn lượt độc giả", nhà báo Vũ Thị Hải cho biết.
Qua loạt bài viết đã toát lên hình ảnh người Công an nhân dân dũng cảm, dám đứng lên đấu tranh chống tiêu cực nội bộ, dám từ bỏ danh - lợi để làm trong sạch đội ngũ. Hành động dũng cảm của cựu Thiếu tá Trịnh Văn Khoa, đồng thời với sự vào cuộc của Báo Dân Việt với loạt bài phản ánh, phỏng vấn độc quyền…vụ việc đã có kết quả tích cực.
Phát biểu tại buổi Lễ trao giải, ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết:
Sau 3 lần tổ chức, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng thu hút được sự quan tâm của xã hội và sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, các nhà báo.
Nhiều nhà báo đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm; vượt qua mọi “cám dỗ,”“cạm bẫy,” vượt qua nỗi lo “cơm áo” thường ngày để “dấn thân” bám sát đến cùng các vụ việc, giúp các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, tiêu cực; được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Giải năm 2020-2021 đã thu hút hơn 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương tham gia với 1.181 tác phẩm dự thi, có 45 tác phẩm báo chí của 4 thể loại đoạt giải. Trong số đó, lần đầu tiên có một tác phẩm đoạt giải Đặc biệt, vinh dự được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trao giải thưởng.
Trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19, kết quả đạt được rất đáng trân trọng, thể hiện sự quan tâm, lòng nhiệt huyết và trách nhiệm nghề nghiệp của các nhà báo đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mỗi tác phẩm dự thi, nhất là các tác phẩm đoạt giải, là kết tinh của tinh thần quả cảm, sự lao động miệt mài, sáng tạo, nghiêm túc, thấm đẫm mồ hôi, công sức của các nhà báo...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.