Bão số 12 càn quét, mưa dữ dội, nhiều người chết, mất tích

Nhóm PV Thứ bảy, ngày 04/11/2017 06:53 AM (GMT+7)
Nhiều người chết và mất tích, hàng loạt nhà bị tốc mái... khi bão số 12 (Damrey) đổ bộ vào sáng nay (4.11).
Bình luận 0

14h: Trực tiếp chỉ đạo chống bão Damrey ở huyện Vạn Ninh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Duy Bắc cho biết: "Thiệt hại vật chất chưa thể thống kê, song riêng huyện Vạn Ninh đã có 3 người chết, 5 người bị thương; hàng chục nghìn ngôi nhà và hầu hết trường học bị tốc mái, cây gãy đổ khắp nơi. Đây là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất".

Thị xã Ninh Hòa xác nhận có 2 người tử vong do sập nhà, 2 người mất tích. Trước đó, cháu bé ở Nha Trang cũng thiệt mạng do tường đổ.

Tỉnh Phú Yên ghi nhận 2 người tử vong và nhiều người mất tích vì bão. Hiện, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đang thị sát tỉnh này, sau khi làm việc ở Khánh Hòa.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho hay, địa phương không phải là khu vực bão đi qua, song thiệt hại là rất lớn. "Hai người chết; 6 tàu bị chìm, trong đó đa số là tàu của tỉnh bạn vào Bình Định trú bão thì bị sóng đánh chìm, hiện đã cứu được 35 người...", ông nói.

Hiện, bão đã quét qua Lâm Đồng, khiến các huyện Lạc Dương, Đơn Dương và TP.Đà Lạt mưa rất lớn, gió giật mạnh khiến nhiều cây đổ rạp, nhà tốc mái... Một số nhà xe từ chối vận chuyển khách từ Đà Lạt đi Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) để tránh nguy hiểm.

Ông Phan Công Ngôn, Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng cho biết, các hồ thủy điện của tỉnh đã xả lũ với lưu lượng 75 m3 mỗi giây. Trước diễn biến phức tạp của bão đang ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ, ngành thủy lợi Lâm Đồng cảnh báo mưa lớn có thể gây lũ quét đột đột tại các sông suối, vùng trũng thấp, cảnh báo người dân không ra ngoài nếu không thực sự cần thiết.

13h30, tỉnh Bình Định đã có kiến nghị Chính phủ giải cứu thuyền viên trên 6 tàu chìm tại phao số 0.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết đã báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, kiến nghị Chính phủ, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp điều tàu lớn vào biển Quy Nhơn giải cứu nhóm thuyền viên còn lại và có biện pháp cứu hộ hàng chục tàu hàng đang lâm nguy ngoài phao số 0.

Theo ghi nhận, nhiều tàu cá, tàu hàng bị sóng đánh đứt neo, trôi dạt không phương hướng trên biển. Một số tàu bị sóng quăng quật, mắc cạn hoặc “văng” lên bãi biển Quy Nhơn. Có tàu trôi 6km, vào tận Khu điều trị phong Quy Hòa. Tình hình đặc biệt nguy cấp đối với nhóm tàu vận tải vốn mang theo nhiều hàng hóa và có đội ngũ thuyền viên đông đảo.

img

Nhiều tàu cá đang gặp nguy hiểm tại tỉnh Bình Định.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, hơn 120 tàu hàng đã neo đậu trong cảng và ngoài vịnh Quy Nhơn. Trong đó, 6 tàu chìm thuộc nhóm 51 tàu thả neo ở vị trí phao số 0. Đây là nhóm tàu có nguy cơ bị chìm cao nhất.

13h: Tại tỉnh Phú Yên, TP.Tuy Hòa đang là địa bàn thiệt hại trọng điểm do bão số 12. Khắp các nẻo đường đang tan hoang, ngổn ngang đổ vỡ.

Rất đông hộ nuôi tôm, cá tại lồng bè ở các xã của thị xã Sông Cầu đã cuống cuồng chạy bão. Nhiều nhà dân tại địa phương này bị tốc mái hoàn toàn.

Ông Phạm Kiên - Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu - cho biết: “Toàn huyện có 8 người bị thương, trên 100 nhà hư hỏng, tốc mái. Lồng bè nuôi thủy hải sản của người dân đang có thiệt hại rất lớn”.

12h30: Tại tỉnh Bình Định đang có mưa rất lớn.

Ông Trần Kỳ Quang - Phó chủ tịch UBND huyện Tuy Phước (Bình Định) cho biết, địa phương đã có 1 người chết do bão số 12, 2 tuyến đường bị chìm trong nước khiến việc đi lại của người dân các xã khu Đông gặp rất nhiều khó khăn.

img

Nhà hàng của người dân tan nát do bão số 12.

“Hàng chục nhà dân đã bị tốc mái, hư hỏng. Tại huyện có mưa lớn nên địa phương đang lên phương án đối phó lũ về”, ông Quang thông tin.

Huyện miền núi Vân Canh đang bị cô lập hoàn toàn ở các địa phương như: xã Canh Liên, làng Canh Giao (xã Canh Hiệp), làng Hà Văn Trên, làng Cà Ke (xã Canh Thuận).

Theo ghi nhận, một tàu hàng bị sóng đánh dạt vào bờ biển gần khu vực Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn). Hiện, bệnh viện này đang cấp cứu cho 13 thuyền viên. Ngoài ra, còn có khoảng 10 thuyền viên, thủy thủ người nước ngoài đang được chuyển vào viện để cấp cứu.

12h: Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Phú Yên, bão số 12 đã làm 1 người chết, 5 người mất tích, 4 người bị thương.

Thống kê ban chưa đầy đủ cho hay, 16 ngôi nhà bị sập hoàn toàn tại các huyện Tuy An, Sông Hinh, thị xã Sông Cầu, TP.Tuy Hòa.

Ngoài ra, thông tin ban đầu báo về cho biết đã có gần 1.000 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái, trong đó nhiều nhất là TP.Tuy Hòa với gần 320 ngôi nhà.

Theo ghi nhận, rất nhiều con đường ở Phú Yên bị ách tắc do cây gãy đổ trong bão.

img

Nhiều tuyến đường ở Phú Yên bị ách tắc do bão.

Tại huyện Đông Hòa (Phú Yên) nhiều khu dân cư bị bão xé tan tành. Theo ông Lê Tấn Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, thiệt hại nặng nhất ở địa phương này là nhà cửa, tài sản bị hư hỏng. Tuy nhiên, nhiều khu vực chưa thể khắc phục được do đang ứng phó với lũ lớn đang lên. Địa phương đang tích cực thực hiện các phương án để đối phó với thiên tai.

Lãnh đạo UBND TP.Nha Trang (Khánh Hòa), xác nhận, gió lớn đã làm đổ một bức tường, đè vào 1 cháu bé gây tử vong.

11h30: Tại Bình Định, hàng loạt tàu thuyền bị sóng đánh chìm, trôi dạt vào bờ. Mưa lớn vẫn đang diễn ra, gió mạnh gầm rú liên hồi khiến người dân khiếp sợ, không dám ra đường.

Theo ghi nhận của Dân Việt, tại bãi tắm Quy Nhơn hiện có rất nhiều tàu cá, tàu hàng bị đứt dây neo đậu, trôi dạt bị mắc cạn ở bờ. Bên cạnh đó, nhiều tàu vẫn đang hoạt động, thuyền viên cố gắng điều khiển tàu để thoát cạn, khói bốc lên nghi ngút.

img

Sóng biển Quy Nhơn đang rất dữ dội, nhiều thuyền lâm nguy.

Theo một số người dân sống gần bãi tắm Quy Nhơn, từ sáng nay không biết từ đâu có hàng chục tàu dạt vào bãi tắm, cứ bình quân tầm 1 giờ đồng hồ thì sóng biển lại đánh dạt một tàu, rất nguy hiểm. Nhiều tàu đã dạt vào đến bờ, sóng dập mạnh khiến tàu đổ đập vào đê bao ven bờ biển. Tại hiện trường, 2 tàu cá Phú Yên bị đứt dây neo, trong đó có một chiếc mang số hiệu SH PY 92369 TS (Phú Yên), chiếc còn lại không rõ số hiệu đang bị sóng đập mạnh khiến tàu bị nghiêng, sắp chìm.

Ngoài ra, theo một số người dân ở phía Nam tỉnh Bình Định còn rất nhiều tàu hàng đang mắc cạn.

Trao đổi nhanh với PV Dân Việt, ông Trần Văn Phúc - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định - cho hay, đơn vị đang triển khai lực lượng để thống kê số lượng tàu bị đứt neo, mắc cạn. Cùng với đó là hỗ trợ các ngư dân, thuyền viên di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Trước mắt theo thống kê ban đầu có 1 tàu bị chìm, 1 tàu hàng đang mắc cạn ở vùng nguy hiểm. Đơn vị này sẽ tiếp tục cập nhật tình hình và tìm cách hỗ trợ các ngư dân, bảo vệ tài sản cho họ...

10h45: Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Bình Định cho hay, tại Bình Định đã có nhiều người chết và mất tích. Cụ thể, tại TP.Quy Nhơn đã có 4 người mất tích (do kiểm tra lồng, bè NTTS bị sóng đánh chìm thuyền), 5 nhà bị sập, 6 tàu chìm, 1 tàu bị trôi, nhiều cây xanh bị ngã đổ, một số tuyến đường bị ngập nước.

img

Nhiều tàu thuyền ở Bình Định bị sóng đánh chìm.

Huyện Vĩnh Thạnh: 12ha ngô, 10ha hoa màu bị ngã đổ, TX An Nhơn: 1 người bị thương, 1 nhà sập, 11 nhà tốc mái, mất điện diện rộng.

Tại huyện Vân Canh: xã Canh Liên, làng Canh Giao (Canh Hiệp), làng Hà Văn Trên,  làng Cà Ke (Canh Thuận) bị cô lập, huyện Phù Cát: 4 nhà sập (Cát Tiến), xói lở cầu Nước Giáp (Cát Thành), huyện Phù Mỹ: 300ha lúa bị ngã đổ, 2 tàu neo đậu tại cảng Cam Ranh bị chìm, huyện An Lão: 1 nhà tốc mái.

Theo lãnh đạo huyện Tuy Phước, địa phương này đã có 1 người chết (bà Huỳnh Thị Phúm (ở  Kim Tây, xã Phước Hòa), 10 nhà sập, 2 nhà tốc mái, nhiều cây xanh bị đổ ngã.

Tại huyện Hoài Nhơn: 4 nhà sập, tốc mái và 2 tàu bị chìm.

Quy Nhơn di dời 473 hộ/1.629 nhân khẩu ở phường Quang Trung, Bùi Thị Xuân, Lê Hồng Phong và xuất cấp 11.000 bao cát cho các địa phương để phòng chống bão.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, còn 6 tàu đang neo đậu trong vùng nguy hiểm của bão, từ ngày 3.11 chưa liên lạc được. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang tiếp tục liên lạc, gọi các tàu này thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Lúc này, tại Quy Nhơn có gió mạnh cấp 9, TX.An Nhơn gió mạnh cấp 10 và huyện Hoài Nhơn gió mạnh cấp 7.

Tại Quảng Ngãi: Theo báo cáo nhanh của tỉnh, đã có 1 người chết do bị nước cuốn trôi khi đi ngang qua suối là ông Phạm Văn Hiệu (SN 1964, ở xã Ba Tô, huyện Ba Tơ).

Lúc 10h30: Tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa) bão tiếp tục gây thiệt hại nặng nề, tôn từ mái nhà bị tốc bay vèo vèo ra đường, mắc trên cả những ngọn cây, nhiều nhà dân bị hư hỏng...

img

img

Tôn bay vèo vèo ra đường và mắc trên cả ngọn cây cao vút.

Nhiều tuyến đường tại TP.Nha Trang ngập sâu trong nước.

Tại Phú Yên: Mưa vẫn liên tục nặng hạt và gió giật rất mạnh.

img

Trụ điện gãy gập, dây điện sà xuống đường ở Tuy Hòa.

Nhiều đường sá tại TP.Tuy Hòa bị ngập, chưa thể lưu thông.

img

img

Cây đổ, nước ngập ở TP.Quy Nhơn.

10h: Tại TP.Quy Nhơn (Bình Định), dàn đèn trang trí tại đầu đường Nguyễn Tất Thành nối dài (gần đường sắt) bị ngã đổ nằm bẹp, chắn ngang trên đường, cản trở giao thông. Bảng quảng cáo điện tử trên Quảng trường Nguyễn Tất Thành cũng bị ngã đổ.

Các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học... cây gãy, đổ. Nhiều nhà dân tại khu phường Lê Lợi bị tốc mái. Tại phường Ngô Mây, nhiều khu vực bị cúp điện và cúp nước.

Rất nhiều tuyến đường lớn tại Quy Nhơn đã bị chìm trong biển nước do mưa lớn.

9h30: Tại tuyến QL1A khu vực tỉnh Khánh Hoà, gió giật đang giật rất mạnh khiến nhiều phương tiện không di chuyển được.

img

Nhiều cây cối tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) bị ngã đổ.

Chị Nguyễn Thị Loan (SN 1992, quê Quảng Bình) cho biết, chị đi trên xe khách vào Nha Trang, gần tới nơi thì gặp gió lớn, xuất hiện mưa khiến xe phải dừng để đảm bảo an toàn cho hành khách.

Tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), nhiều nhà dân bị tốc mái, cây cối ngã đổ nằm ngổn ngang trên đường.

9h: Tại Bình Định có mưa và gió cấp 5, cấp 6.

img

Nhiều tuyến đường ở TX.An Nhơn (Bình Định) bị ngập, cây cối bị gió quật ngã đổ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết, đêm qua (3.11) và sáng nay (4.11) trên địa bàn tỉnh có mưa to, mực nước trên các sông đang dâng cao. Hiện tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành chức năng chủ động ứng phó.

Nhiều địa phương tại huyện miền núi Hoài Ân, thị xã An Nhơn cũng bị mất điện. Địa bàn Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định bị mất điện, khiến đơn vị này gặp khó khăn trong việc báo cáo số liệu.

Gió giật mạnh khiến mái tôn nhiều nhà dân tại TX.An Nhơn bay ra đường, cây cối ngã đổ.

Theo ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, hiện Bình Định đang chịu ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 12 nên trên địa bàn có gió to, cấp 7 cấp 8, mưa rất lớn, tập trung địa bàn phía Nam.

“Trên địa bàn huyện miền núi Vân Canh xảy ra lượng mưa lớn đén 150mm, tại TP.Quy Nhơn 120mm. Riền tại huyện Vân Canh ngày trước đã xảy ra lượng mưa rất to đến gần 500mm. Hiện mực nước các sông phía Nam tỉnh đang dâng cao. Mực nước trên sông Hà Thanh đạt đỉnh báo động 2, sông Kôn tại đập Thạnh Hòa trên báo động 2, sông Lại Giang phía Bắc tỉnh mực nước lên cao không đáng kể”, ông Hổ thông tin.

Tại Phú Yên, vẫn tiếp tục mưa gió lớn, bầu trời mịt mù.

Ông Trần Hữu Thế - Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên thông tin, TP.Tuy Hòa cây đổ ngổn ngang, rất nhiều tuyến đường không thể đi lại được.

Nhiều tuyến đường ở TP.Tuy Hòa bị ngập nặng do mưa lớn.

Theo VNE: Hồi 8h30, Công an Khánh Hòa giải cứu thành công 3 người đàn ông kẹt trong đống đổ nát tại dãy phòng trọ thuộc phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang. Các nạn nhân chỉ bị thương ở chân, còn tỉnh táo, hiện trường gạch vữa, mái tôn nằm ngổn ngang.

"Khoảng 5h30 chúng tôi ngồi trong nhà trọ nghe ngóng bão thì tiếng gió rít mạnh lướt qua khiến phòng trọ đổ sập, trời đất tối thui. Chúng tôi kẹt bên trong không thoát ra được", một nạn nhân kể.

img

Gió lớn làm đổ cổng chào quảng trường ở đường Trần Phú (Nha Trang, Khánh Hòa).

8h18: Tại Khánh Hòa, CTV Mai Khuê cho biết, hiện gió vẫn giật rất mạnh. Sáng nay, nhiều người dân đi ô tô trên đường tại TP.Nha Trang đã phải rời khỏi xe, đóng cửa và chạy vào các nhà dân để trú tránh. Trên các tuyến đường, cây cối đổ ngổn ngang. Gió lớn cũng đã làm đổ cổng chào quảng trường ở đường Trần Phú.

Hàng loạt tuyến đường ở TP.Nha Trang ngập nặng, nhiều nơi ngập tới nửa mét như đường 2/4, Lý Thánh Tôn, Hùng Vương…

Do ngập úng, cây xanh ngã la liệt nên giao thông tại TP.Nha Trang rất khó khăn. Công an tỉnh Khánh Hòa đang huy động tất cả lực lượng để cứu hộ, xử lý cây xanh ngã đổ.

Hiện Khánh Hòa đang mất điện trên diện rộng.

8h00: Trong 6 giờ qua, các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đã xảy ra mưa to đến rất to. Mưa to sẽ tiếp tục trút xuống khu vực này trong 6-12 giờ tới.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh này là rất cao, đặc biệt ở các huyện: Hiên, Nam Giang, Quế Sơn, Phước Sơn, Trà My (Quảng Nam); Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long (Quảng Ngãi); Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Phù Cát, Hoài Nhơn, Tuy Phước (Bình Định); Tuy Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa, Sông Cầu (Phú Yên); Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Ranh, Diên Khánh, Vạn Ninh, Ninh Hoà (Khánh Hoà).

Cơ quan chức năng cũng cảnh báo nguy cơ mất an toàn hồ chứa các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa.

img

Cây cối đổ gãy hàng loạt tại TP.Nha Trang.

7h30: Khu vực Nha Trang - Diên Khánh gió giật cực mạnh, nhiều xe máy đi đường bị quật ngã. "Tôi chạy xe từ Phú Yên vào thấy thật khủng khiếp, xe mái, cột điện, tôn nhà bay tung tóe. Cả đời chưa thấy cơn bão nào lớn thế này", một tài xế ô tô cho biết.

Trong khi đó khu vực bến xe phía Nam Khánh Hòa hành khách bỏ chạy tán loạn khi trần nhà bị sập, cửa kính bị gió giật vỡ. Hàng chục hành khách bị kẹt lại do không có xe nào dám rời khỏi bến. Hiện đường sá vắng hoe, không ai dám ra đường.

img

Nhà dân bị tốc mái, tôn bay vèo vèo ra đường.

7h25: Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 12, tại Tuy Hòa (Phú Yên) có gió giật cấp 11, Ninh Hòa (Phú Yên) gió giật cấp 12, Nha Trang (Khánh Hòa) gió giật cấp 11.

img

Nước ngập trong nội thành Tuy Hòa. (Ảnh: Ngọc Thạch)

Lúc 7h, tâm bão ở trên đất liền ven biển các tỉnh Khánh Hòa-Phú Yên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12 (100 - 135km/h), giật cấp 15. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 15 - 20km/h.

7h10: Nhiều tuyến đường tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) bị ngập trong nước, hàng loạt cây cối tại các tuyến đường ngã đổ khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn.

img

Gió giật rất mạnh nhiều tuyến đường tại TP.Quy Nhơn ngập trong nước, cây cối ngã đổ. Ảnh: D.T

Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, cho biết: “Địa phương đang bị ảnh hưởng hoàn lưu của bão nên gió giật rất mạnh, gây ra mưa to. Nước lũ đang lên, chúng tôi đang tập trung lực lượng để đối phó”, ông Hổ cho hay.

Bình Định đã lên phương án cụ thể để di dời hơn 26.000 hộ dân ra khỏi những vùng nguy hiểm trong cơn bão số 12. Theo đó, các hộ dân được ưu tiên di dời ở vùng ven biển như ở các xã Nhơn Hải, Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn), Cát Tiến, Cát Hải (huyện Phù Cát), Hoài Mỹ, Hoài Hải, Hoải Hương (huyện Hòa Nhơn)… và một số vùng có nguy cơ sạt lở, nhất là tại các huyện miền núi như: An Lão, Vân Canh, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh.

Ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định) - cho hay, địa phương này đã chủ động sơ tán người dân sinh sống tại các khu vực nguy hiểm ven biển, vùng có nguy cơ bị lũ quét đến nơi an toàn. Hiện tại, địa phương có gió lớn, giật tới cấp 6.

Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - yêu cầu: Các cơ quan, địa phương dừng tất cả các cuộc họp để lo ứng phó với bão, lũ, không được chủ quan, duy trì trực 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ và thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để chỉ đạo.

7h00: Tại Phú Yên, mưa và gió đã giảm, tình trạng mất điện vẫn xảy ra trên diện rộng. Trong TP.Tuy Hòa, cây xanh gãy đổ, bật gốc la liệt kéo theo dây điện nằm la liệt trên đường. Tại xóm Rớ, khu vực có kè bị xói lở, nhiều nhà dân bị tốc mái.

Ông Trần Hữu Thế - Phó chủ tịch tỉnh cho biết bão vẫn đang mạnh. Sáng nay, một số vùng ở TP.Tuy Hòa đã có điện. Theo ông Thế, ngành điện lực chỉ khắc phục một số nơi có khả năng không bị bão tiếp tục tàn phá. 

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 12, tại Tuy Hòa (Phú Yên) có gió giật cấp 11, Nha Trang (Khánh Hòa) gió giật cấp 11. Lúc 6h, tâm bão bắt đầu đổ bộ vào Khánh Hòa với gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 15-20km/h.

6h52: Tại Bình Định, trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, hiện trên địa bàn toàn tỉnh đang có mưa to đến rất to, gió giật cấp 10, cấp 11. Trong đó, khu vực TP.Quy Nhơn ảnh hưởng nặng nhất và đang mưa rất to.

“Tôi đang trên đường ra huyện Phù Cát kiểm tra. Hiện trời đang mưa rất lớn, mực nước các sông đang dâng cao. Ở khu vực ven biển, có tuyến đê vẫn an toàn, địa phương cử người chốt trực để theo dõi các khu vực xung yếu”, ông Châu nói.

Clip bầu trời Nha Trang trắng xóa, thấy rõ sức hút khủng khiếp của xoáy bão kéo hơi nước ra hướng biển.

Theo VNE: 6h sáng nay (4.11), trên quốc lộ 1 từ Cam Ranh về Nha Trang, gió giật dữ dội. Tôn nhà dân hai bên đường tốc mái bay khắp nơi. Hàng loạt cây xanh ngã chắn ngang đường bộ và sắt khiến nhiều xe khách, tàu Bắc - Nam phải dừng lại. Các trụ bơm của cây xăng bị gió quật ngã. Trời đã sáng, nhưng các nhà dân cửa vẫn đóng, không một bóng người.

Tại Ninh Hòa, mưa giảm nhưng gió mỗi lúc càng mạnh khiến nhà cửa, đường điện hư hỏng nhiều hơn. Toàn bộ thị xã bị mất điện, giao thông tê liệt.

img

Các trụ bơm cây xăng bị gió quật ngã. Ảnh: Phước Tuấn/VNE

img

Mái tôn bay chắn ngang đường. Ảnh: Phước Tuấn/VNE

5h30: Cam Ranh (Khánh Hòa) trời bắt đầu đổ mưa, gió thổi rít ù ù. Nhiều tài xế lái ôtô đang đi vào tâm bão Khánh Hòa Phú Yên tỏ vẻ lo lắng. "Bão vào cũng sợ chứ, ngoài việc lo lắng trên đường còn lo cho gia đình ở Ninh Hòa, không biết vợ con ở nhà có bị gì không", anh Tâm, phụ xe khách tuyến TP.HCM - Khánh Hòa, nói.

Còn tại Nha Trang, trên đường Trần Phú, hàng loạt cây bật gốc nằm la liệt dưới đường. Trong đó, nhà hàng cách tháp Trầm Hương gần 100m bị cây cổ thụ đè lên mái.

Lãnh đạo huyện Vạn Ninh - huyện tiếp giáp Phú Yên - cho biết, nhiều ngôi nhà tại xã Vạn Thọ tốc mái, hư hỏng.

Theo bản tin dự báo lúc 5h, do ảnh hưởng của bão Damrey, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gió mạnh cấp 7, giật cấp 9, An Nhơn (Bình Định) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, Tuy Hòa (Phú Yên) giật cấp 10. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận đã có mưa rất to như: Quảng Ngãi 115mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 100mm, Tuy Hòa (Phú Yên) 90mm…

Theo Zing: 4h30 sáng nay (4.11), mưa và gió mạnh tiếp tục xuất hiện tại TP.Nha Trang. Tại nhà văn hóa rộng 300m2 ở cảng Hòn Rớ, TP.Nha Trang có khoảng 150 người được về trú bão từ chiều qua. Người dân mang đồ đạc, chăn màn rồi trải chiếu nằm xếp lớp trên nền nhà. Cơ quan chức năng đã hỗ trợ mì tôm và nước nóng để dân lót dạ đêm khuya.

Tại Ninh Hoà, gió bắt đầu mạnh và giật liên hồi kèm theo mưa nhỏ. Dọc bờ biển Đông Hải (Phan Rang), mưa lớn dần, gió thổi mạnh. Trên đường Trần Phú (TP.Nha Trang) cây đổ vì gió bão.

Mưa gió dữ dội, nhiều địa phương ở Phú Yên mất điện hoàn toàn. Gió bão lớn gây tốc mái nhiều nhà dân sống ven biển ở thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam(huyện Đông Hòa). Giữa đêm đen, bất chấp thời tiết nguy hiểm, nhiều người bồng bế con chạy giữa trời mưa gió chui xuống gầm cầu bê tông Lưới Gõ để tránh trú bão tam thời.

3h30 sáng nay (4.11), bão thật sự gần tiến sát vào đất liền địa phận tỉnh Khánh Hòa. Tại TP.Nha Trang, xuất hiện những cơn gió mạnh, giật liên hồi, kéo dài. Một đoạn đèn đường Trần Phú đã bị tắt. Mưa bắt đầu lớn hơn, nặng hạt. Theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt cây xanh trên đường Hoàng Diệu và Trần Phú liên tục bị gió giật tơi tả, nhiều cành cây đã gãy.

Video: Sự khủng khiếp của bão số 12 khi đổ bộ vào Khánh Hòa

Theo VNE: Lúc 0h30 sáng nay, tại bờ biển phường 7, TP.Tuy Hòa (Phú Yên), mưa mịt mùng. Sóng cao gần 5m cuồn cuộn ập vào bờ, tung bọt trắng xóa. Những hàng dương liễu bị gió cuốn nghiêng ngả. Tỉnh Phú Yên được dự báo là một trong hai khu vực bão Damrey đổ bộ vào với cấp gió 12.

"Mưa hơn 2 tiếng rồi, giờ đang mạnh lên. Mưa to, gió giật liên hồi khiến hàng tre trước phòng trọ của tôi ngả rạp như sắp gãy", chị Huyền Trâm ngụ phường 9 (TP.Tuy Hòa) cho biết.

Ông Trần Hữu Thế - Phó chủ tịch tỉnh Phú Yên - cho biết, các khu vực phía Nam của tỉnh được dự báo có khả năng bị thiệt hại nặng là: TP.Tuy Hòa, huyện Tuy Hòa và huyện Đông Hòa; TP.Tuy Hòa, huyện Tuy An và sông Cầu có khả năng xảy ra sạt lở bờ biển do triều cường.

Trước đó, tỉnh đã di dời 4.000 hộ dân với 18.000 người ở các vùng gần sông, biển, đặc biệt là các hộ nuôi bò trên sông Ba. "Biện pháp chủ yếu là di dời tại chỗ chứ không phải di dời tập trung. Bà con được đưa đến nhà người thân cách vùng nguy hiểm vài trăm mét", ông Thế nói.

Từ hôm kia thủy điện bắt đầu được xả lũ, hiện mức xả lũ là 3.000m3/giây và sẽ duy trì mức xả này đến sáng mai. "Chúng tôi đã thông báo cho người dân biết và những ai ở vùng nguy hiểm cũng đã được di dời", ông Thế thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem