“Bắt” vải thiều ra quả... trên thân cây

Thu Hà Thứ sáu, ngày 10/06/2016 19:00 PM (GMT+7)
Đến thăm vườn vải thiều của gia đình ông Hành ở Bắc Giang những ngày này, ai cũng phải trầm trồ, khen ngợi khi tận mắt thấy hàng nghìn cây vải, cây nào cũng ra quả trên thân; quả nào cũng to, đẹp, mọng nước.
Bình luận 0

Lợi lớn từ “phép lạ”

Không chỉ là Chủ tịch Hội Nông dân (ND) năng động, nhiệt tình, hết lòng với các hội viên ông Trần Văn Hành ở xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) còn rất sáng tạo, say mê khoa học và giỏi giang trong phát triển kinh tế.

Ông Hành vui vẻ cho biết: “Đến nay là vụ vải thứ 4 gia đình tôi thực hiện thành công kỹ thuật cho vải thiều ra quả trên thân cây. Với kỹ thuật này, năm nào vườn vải nhà tôi cũng được mùa với sản lượng 30 - 40 tấn quả, thu về khoảng 500 – 700 triệu đồng/năm”.

img

Vườn vải thiều ra quả trên thân sai chi chít của “thủ lĩnh ND” Trần Văn Hành.  Ảnh: Thu Hà

Là người sáng tạo ra phương pháp cho vải thiều ra quả trên thân cây, ông Hành cho hay, áp dụng cách làm này người trồng vải có thu nhập cao hơn hẳn so với cách trồng vải truyền thống. Bởi, vải ra quả trên thân công việc chăm sóc, thu hoạch thuận tiện và đỡ tốn kém hơn. Ngoài ra, năng suất vải tăng khoảng 15 - 20kg/cây, chất lượng quả to đều, mẫu mã cũng đẹp hơn, giá bán cao hơn giá thị trường khoảng 1,5 lần.

Kể về lý do cho ra đời những quả vải theo cách này, ông Hành cho hay, năm 2011, thấy vườn vải có nhiều cây giao tán vào nhau, ông đã bấm bớt cành nhỏ đầu tán để vườn có nhiều ánh sáng. Không ngờ sau đó, rất nhiều nhánh lộc mọc ra từ thân cây. Ông quan sát thấy những nhánh này ra hoa chi chít, khi thu hoạch, quả vải ra từ thân chất lượng ngon hơn, hình thức đẹp hơn. “Một vài vụ sau tôi rút ra kinh nghiệm, lộc ra từ thân ngay sau vụ thu hoạch thì bỏ đi, đợi lộc ra đợt kế tiếp mới để lại cho ra hoa. Đồng thời, cắt tỉa cành, hạn chế tán cây phát triển giúp ánh sáng tỏa xuống thân, rồi đồng loạt bón thúc cho cây. Ngoài ra, tôi còn áp dụng kỹ thuật khoanh vỏ cây để hạn chế ra nhiều lá, tạo chất lượng đậu quả cao hơn” - ông Hành chia sẻ thêm.

Với những việc làm cụ thể và thiết thực, “thủ lĩnh” Trần Văn Hành ngày càng được hội viên, ND xã Giáp Sơn tin tưởng, yêu quý. Năm 2015, trong tổng số 1.130 hội viên thì có tới 776 hội viên (chiếm gần 70%) đạt danh hiệu ND sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Phát huy thế mạnh địa phương

Địa phương ông Hành sinh sống vốn có truyền thống trồng vải. Tuy nhiên, người trồng vải chưa chú trọng đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Trên cương vị là Chủ tịch Hội ND xã, ông Hành đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng vải, các hoạt động cung ứng phân bón, cây giống...

Với phương pháp xử lý cho vải thiều ra quả trên thân cây đã mang về cho ông Hành nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật nhà nông tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên theo ông Hành thành công nhất là phương pháp này đã được hơn 300 hội viên ND xã Giáp Sơn học tập và áp dụng thành công với gần 200ha vải thiều ở địa phương.

Anh Trần Văn Út ở xóm Chão Cũ là 1 trong những hội viên được ông Trần Văn Hành tận tình hướng dẫn và đã áp dụng thành công kỹ thuật cho vải ra quả trên thân cây. Anh Út chia sẻ: “Gia đình tôi có 1 ha trồng vải. Những năm trước, mỗi vụ vải tôi phải thuê 6 nhân công để thu hoạch, chi phí mất khoảng 10 triệu đồng. Từ khi áp dụng phương pháp mới của chú Hành, tôi không phải thuê người làm, năng suất tăng, giá vải cũng cao hơn hẳn, thu nhập gia đình cải thiện rõ rệt…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem