Bên trong nhà máy thức ăn chăn nuôi 300.000 tấn/năm có những gì?

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 19/11/2019 14:28 PM (GMT+7)
Sáng nay, ngày 19/11 tại huyện Duy Tiên (Hà Nam), Tập đoàn Archer Daniels Midland (ADM) đã tổ chức khánh thành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Mạc. Nhà máy được thiết kế với năng lực sản xuất 300.000 tấn/năm cùng các dây chuyền hiện đại.
Bình luận 0

img

Các đại biểu cắt băng khánh thành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Mạc. Ảnh: Minh Ngọc.

Công suất 300.000 tấn/năm

Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Mạc nằm tại khu công nghiệp Hòa Mạc, huyện Duy Tiên. Đây là nhà máy thứ 5 của Tập đoàn ADM tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 20 triệu uero, diện tích 4,6ha.

Công suất thiết kế của nhà máy có thể đạt 300.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm, nhà máy bao gồm 1 khu vực sản xuất, 3 kho dự trữ nguyên liệu thô và thành phẩm, khu văn phòng và khu xuất hàng.

 Với phương châm “Bước tiến vượt trội – Mở lối thành công”, sau khi đi vào hoạt động nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Mạc sẽ hứa hẹn cung cấp nguồn thức ăn chăn nuôi cho khu vực chăn nuôi trọng điểm của miền Bắc.

img

img

Các đại biểu và khách mời thăm quan khu sản xuất của nhà máy. Ảnh: Minh Ngọc.

Ông Pierre Duprat, Chủ tịch nhóm ngành dinh dưỡng vật nuôi, Tập đoàn ADM cho biết: Thị trường thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và đặc biệt Việt Nam có rất nhiều cơ hội xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

“Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Mạc áp dụng các công nghệ hiện đại như: hệ thống máy nghiền tự động, hệ thống sản xuất hơi nóng sử dụng chất đốt biomass, công nghệ vận chuyển nguyên liệu trong hệ thống ống kín bằng khí nén,…Đây là những công nghệ tiên tiến, tạo bước đột phá trong sản xuất góp phần đáp ứng thị trường thức ăn chăn nuôi của các khu vực chăn nuôi trọng điểm trên toàn miền bắc”, ông Pierre Duprat khẳng định.

Các sản phẩm chủ đạo của nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Mạc là thức ăn cho gia súc và gia cầm với tỷ lệ sản lượng 60% cho lợn; 40% cho gà và thỏ.

Đánh giá về những đóng góp của Tập đoàn ADM Việt Nam đối với ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định: Thành tựu đạt được của ngành chăn nuôi Việt Nam trong thời gian qua có sự đóng góp vô cùng hiệu quả từ các doanh nghiệp FDI, trong đó có ADM Việt Nam.

“Với 5 nhà máy bằng công nghệ hiện đại của châu Âu ở Việt Nam, có công suất thiết kế khoảng 1 triệu tấn/năm đã đưa ADM dinh dưỡng vật nuôi Việt Nam vào tốp 5 doanh nghiệp có quy mô sản xuất thức ăn công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Cùng với thức ăn chăn nuôi, ADM còn tham gia rất hiệu quả vào hoạt động phân tích, thử nghiệm chất lượng vật tư nông sản Việt Nam vào nghiên cứu chất lượng con giống và quy trình chăn nuôi” - ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ.

Triển vọng lớn 

Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là một trong những nước tiêu dùng thịt lợn lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 tại châu Á, chỉ sau Trung Quốc và là thị trường thức ăn chăn nuôi lớn thứ 5. Hiện ngành chăn nuôi lợn Việt Nam đang đối mặt với rủi ro từ dịch tả lợn Châu Phi (tổng số lợn tiêu hủy 5,88 triệu con, tổng trọng lượng 337.000 tấn; chiếm hơn 8,8% tổng trọng lượng lợn của cả nước), có thể gây ra gián đoạn sản xuất chăn nuôi lợn và thị trường thức ăn công nghiệp trong những năm tới.

img

Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đánh giá rất cao những đóng góp của Tập đoàn ADM đối với ngành chăn nuôi của Việt Nam. Ảnh: Minh Ngọc.

Tuy nhiên, bất chấp các vấn đề trong ngành chăn nuôi, ngành thức ăn công nghiệp Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong năm 2019.

Đánh giá về triển vọng của ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết: năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi trong nước ngày càng được cải thiện, nhiều lĩnh vực của chăn nuôi trong nước đã thuộc nhóm đầu các các nước phát triển trong khu vực, như: công nghiệp chế biến thức ăn, chế biến sữa và năng suất bò sữa đứng số 1 Đông Nam Á, quy mô đàn lợn đứng thứ 6 thế giới, đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới…

Tuy nhiên, ông Dương cũng thẳng thắn nhìn nhận những bất cập của ngành chăn nuôi về vấn đề kiểm soát dịch bệnh, thị trường, môi trường và chất lượng, an toàn thực phẩm, giá thành của sản phẩm chăn nuôi trong nước còn chưa thực sự có tính cạnh tranh cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhất là khi các hiệp định CPTPP, EVTFA có hiệu lực.

Để tìm các giải pháp khắc phục những tồn tại, bất cập và áp lực hội nhập, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật Chăn nuôi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Cùng với Luật Chăn nuôi, Bộ NNPTNT đang tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả triển khai chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2008-2018 và xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040.

“Trong đó sẽ đưa ra những quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển từng loại vật nuôi, từng lĩnh vực chăn nuôi trong 10 và 20 năm tới” - ông Dương chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem