Bị phục hồi điều tra, hoa hậu Phương Nga có phải quay lại trại giam?

Đình Việt Thứ bảy, ngày 16/06/2018 19:00 PM (GMT+7)
Theo luật sư, với việc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ bị can, Trương Hồ Phương Nga rất có thể phải quay lại trại giam nếu biện pháp ngăn chặn được thay đổi.
Bình luận 0

Ngày 14.6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã có quyết định phục hồi điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phục hồi điều tra bị can đối với Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung.

Theo quyết định phục hồi điều tra, căn cứ vào kết quả giám định tài liệu, cơ quan điều tra đã hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra vào năm 2012, 2013.

Đồng thời, cơ quan điều tra cũng hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ bị can đối với Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung. 

img

Công an TP.HCM vừa có quyết định phục hồi điều tra vụ án và bị can đối với hoa hậu Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung.

Nói về vụ việc này, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là điều hết sức bình thường và đúng quy trình của Luật Tố tụng hình sự.

“Trước cơ quan điều tra thấy cần phải làm rõ một số tài liệu liên quan đến vụ án nên đã tạm đình chỉ để điều tra thêm. Nay kết quả giám định tài liệu đã có nên hủy bỏ quyết định đó là bình thường”, luật sư Hòe thông tin.

Cũng theo vị luật sư này, với việc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ bị can, Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung rất có thể phải quay lại trại giam nếu bị thay đổi biện pháp ngăn chặn.

“Ngày Trương Hồ Phương Nga được tại ngoại, Toà án nhân dân TP.HCM cũng đã quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn đối với người này từ giam giữ sang biện pháp ngăn chặn mới là cấm đi khỏi nơi cư trú. Bây giờ nếu biện pháp ngăn chặn lại thay đổi từ cấm đi khỏi nơi cư trú sang giam giữ thì Nga sẽ tiếp tục bị tạm giữ”, luật sư Hòe phân tích.

Ngoài ra, cũng theo vị luật sư này, nếu kết thúc vụ án, Trương Hồ Phương Nga vẫn bị tuyên phạt với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, rất có thể người này sẽ đối diện với mức án chung thân vì số tiền Nga bị tố chiếm đoạt rất lớn. Đây là mức án cao nhất của tội danh trên.

“Khoản 4, Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 quy định, người nào chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Trong khi đó, Nga đang bị cáo buộc vì lừa đảo hơn 16 tỷ đồng, như vậy Nga đã vi phạm khoản 4 của điều luật này”, luật sư Hòe phân tích.

Trước đó, theo cáo buộc, khoảng tháng 7.2012, Phương Nga nói với ông Mỹ mình có nhiều bạn bè trong giới địa ốc, có thể mua nhà với giá rẻ hơn thị trường. Ông Mỹ đưa bà Nga 6 tỷ đồng để nhờ mua một căn nhà tại quận 5 nhưng bà Nga không giao nhà.

Tiếp đến, bà Nga nói với ông Mỹ có căn nhà giá 16,5 tỷ đồng ở quận 1. Lần này ông Mỹ đưa cho bà Nga thêm 10,5 tỷ đồng. Sau khi đưa cho bà Nga tổng cộng 16,5 tỷ đồng mà không có nhà, ông Mỹ làm đơn tố cáo với cơ quan công an.

Tuy nhiên, Phương Nga phủ nhận cáo buộc lừa đảo 16,5 tỷ đồng của ông Mỹ. Phương Nga cho rằng, đó là số tiền ông Mỹ tự nguyện đưa cho cô vì 2 bên có quan hệ tình cảm.

Vụ án đã 2 lần được TAND TPHCM đưa ra xét xử sơ thẩm nhưng cả 2 lần hội đồng xét xử đều trả hồ sơ khi tiến hành xong phần thẩm vấn. Sau lần xét xử thứ 2, HĐXX cũng đã thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung, cho cả 2 tại ngoại điều tra.

Trong đó, lần xét xử thứ 2 (tháng 6.2017) tòa đã trả tự do cho cả Nga và Dung kèm yêu cầu điều tra bổ sung 9 nội dung.

Đặc biệt, trong phiên tòa này, các nhân chứng đã cung cấp cho tòa những tình tiết bất ngờ là thư viết trên giấy nilon được chuyển từ ngoài vào trại giam và ngược lại.

Do cơ quan điều tra cần thời gian để giám định chữ viết và các tài liệu kèm theo nên đã tạm đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Nga và Dung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem