Bí thư Hoàng Trung Hải: Phải thấy xấu hổ khi để phố phường ngập rác

Hoàng Thành Thứ hai, ngày 24/09/2018 17:15 PM (GMT+7)
"Chúng ta phải cảm thấy xấu hổ khi để tuyến phố của mình, phường mình, thành phố mình bẩn như vậy. Do vậy, cần phải đi kiểm tra, những đơn vị không đáp ứng được yêu cầu thì phải xử lý” – Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói
Bình luận 0

Ngày 24.9, Tại Hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III.2018, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, tình hình đảm bảo vệ sinh môi trường của thành phố đã có nhiều chuyển biến bước đầu đáng ghi nhận, xử lý kịp thời nhiều vấn đề phát sinh.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá công tác này vẫn còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Hành vi xả thải rác không đúng nơi quy định còn phổ biến; Rác thải ở nhiều nơi vẫn tồn đọng dài ngày chưa được thu gom kịp thời. 

img

Rác thải tại Hà Nội vẫn tồn đọng dài ngày chưa được thu gom kịp thời, nhất là vào dịp cuối tuần. Ảnh: Thành An

Đặc biệt, nhiều nơi cứ thứ 7, Chủ nhật thì rác thải lại ùn ứ, chất đầy bên đường, không chỉ ở nội thành mà cả ở ngoại thành. “Cuối tuần là ngày người dân nghỉ ngơi, ra đường thì lại thấy rác thải chất đầy bên đường thì không được. Chúng ta phải tôn trọng môi trường sống chung. Chúng ta phải cảm thấy xấu hổ khi để tuyến phố của mình, phường mình, thành phố mình bẩn như vậy. Do vậy, cần phải đi kiểm tra, những đơn vị không đáp ứng được yêu cầu thì phải xử lý” – ông Hoàng Trung Hải nói.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, các dự án về môi trường vẫn còn chậm tiến độ. Việc xử lý ô nhiễm các dòng sông rất khó khăn. Việc di dời các cơ sở ô nhiễm trong nội đô cũng còn vướng, vẫn còn tới 13 cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng phải di dời và tới đây phải thực hiện quyết liệt hơn. 

Để khắc phục tình trạng trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền phải xác định, coi trọng hơn công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; phân công phân nhiệm kiểm tra thường xuyên và tăng cường xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.

HĐND các cấp phải tăng cường công tác giám sát trong bảo vệ môi trường. Riêng đối với một số dự án lớn liên quan đến xử lý môi trường thì cần phải cân đối nguồn vốn đầu tư công để sớm triển khai thực hiện.

Hà Nội sẽ lập đề án xóa sổ “bếp than tổ ong” 

Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố triển khai quyết liệt hơn chương trình hạn chế tiến tới "xóa sổ", cấm sử dụng than tổ ong trong các khu chung cư và tăng cường kiểm tra đề án này. Việc cấm bếp than tổ ong vừa góp phần phòng chống cháy nổ vừa đảm bảo môi trường sống cho chính các cư dân.

“Đề án này các đồng chí cần sớm trình, phê duyệt để đưa ra thời điểm dừng sử dụng than tổ ong trên toàn thành phố, trước hết ở các quận nội thành” – Bí thư Hoàng Trung Hải nói.

Được biết, 1.870 tấn là khối lượng khí CO2 mà bầu không khí tại Thủ đô Hà Nội phải gánh chịu mỗi ngày, chỉ tính riêng từ việc sử dụng bếp than tổ ong. Đây là con số đáng chú ý nhất trong một thống kê được Chi cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội đưa ra. Trước thực trạng đáng báo động đó, đơn vị này đã đưa ra lộ trình từ nay đến năm 2020 sẽ "xóa sổ" bếp than tổ ong trên địa bàn toàn TP.Hà Nội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem