Bình Dương gỡ nút thắt, đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm

Trần Khánh Thứ năm, ngày 06/04/2023 16:31 PM (GMT+7)
Nhiều vướng mắc trong đầu tư công ở Bình Dương tập trung vào các công trình trọng điểm, có vốn đầu tư cao. Bình Dương đang xúc tiến khâu thẩm định giá đất, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm.
Bình luận 0

Chậm trễ thẩm định giá đất

Trong năm 2022, việc chậm trễ trong khâu thẩm định giá đất để triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng là một trong những nút thắt khiến nhiều dự án chậm triển khai. Giải ngân đầu tư công tại tỉnh Bình Dương cũng vì thế không đạt kế hoạch.

UBND tỉnh Bình Dương kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng. Ảnh: T.L

UBND tỉnh Bình Dương kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng. Ảnh: T.L

Dự án xây dựng đường từ cầu Tam Lập đến Đồng Phú thuộc tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng là công trình giao thông trọng điểm của Bình Dương.

Theo yêu cầu, công trình sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho đơn vị thi công triển khai dự án trong quý I/2023. Thế nhưng tuyến đường vẫn còn 6km, tương đương 50% chiều dài toàn tuyến chưa thể thi công do vướng lưới điện trung hạ thế, các tuyến cáp quang, cáp ngầm và nước sạch.

Ông Nguyễn Thanh Long - Phó Tổng giám đốc công ty CP Hoàng Sơn, đơn vị thi công cho biết giai đoạn đầu năm, đơn vị vẫn phải chờ UBND tỉnh và chủ đầu tư sớm bàn giao mặt bằng.

Dự án đường Vành đai 3 qua địa bàn TP.Dĩ An có khoảng 421 trường hợp bị ảnh hưởng; tương đương với 537 thửa đất; dự kiến diện tích đất thu hồi khoảng hơn 222.000m². Thông tin từ BQL dự án cho biết, đến nay công tác đền bù giải phóng mặt bằng đạt hơn 70%.

Đường Mỹ Phước – Tân Vạn ở phường Bình Thắng (TP.Dĩ An) dự kiến giải phóng mặt bằng để triển khai đường Vành Đai 3. Ảnh: Trần Khánh

Đường Mỹ Phước – Tân Vạn ở phường Bình Thắng (TP.Dĩ An) dự kiến giải phóng mặt bằng để triển khai đường Vành Đai 3. Ảnh: Trần Khánh

Ông Châu Văn Rỡ, chủ cơ sở sản xuất cơ khí ở phường Bình Thắng (TP.Dĩ An) cho biết, diện tích đất bị thu hồi của ông khá lớn, gần 4.700m2 trên 5.000m2 hiện có.

Ông Rỡ cho biết đã nhận được thông báo về việc thu hồi đất, nhưng ông chưa biết di dời đi đâu, và việc đền bù sẽ thực hiện như thế nào. "Chúng tôi mong muốn chính quyền hỗ trợ chính sách phù hợp, nhất là địa điểm di dời để sớm ổn định công việc", ông Rỡ nói.

Cùng ngụ phường Bình Thắng, ông Châu Văn Thanh kể, gia đình đã nhận được thông báo thu hồi 1.900m2 đất trên diện tích đất hiện có là 2.100 m2.

Ông Thanh mong muốn chính quyền sớm cho người dân sẽ được cấp tái định cư ở đâu, để chuẩn bị di dời, xây cất lại chỗ ở, và sớm ổn định nơi ở công an việc làm.

Đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng

Ông Võ Anh Tuấn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trước đây, việc thẩm định giá đất, bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, khiến nhiều dự án chậm triển khai.

Khâu thẩm định giá đất có nhiều phương pháp thực hiện. Việc sử dụng phương pháp thẩm định không khoa học và đồng bộ dễ đưa đến các kết quả sai khác.

Ông Võ Anh Tuấn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Ông Võ Anh Tuấn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương. Ảnh: Trần Khánh

Thực tế ở một số vụ việc trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho thấy, khi các cơ quan vào kiểm tra thì giá của cơ quan chức năng thẩm định không giống với giá mà chính quyền tỉnh thẩm định.

Tất cả những việc này làm cho khâu thẩm định giá đất của tỉnh bị chậm lại trong một giai đoạn nhất định.

Điều đáng mừng là đến nay, những khó khăn trên đã được xử lý bằng sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, khi thống nhất chủ trương, phương pháp và xin ý kiến UBND đối với từng phương án cụ thể.

Hiện nay Bình Dương không còn dự án nào còn gặp khó khăn trong việc thẩm định giá đất. Ngoại trừ những dự án chưa được phê duyệt vì hồ sơ chưa chuẩn mới phải tiến hành làm lại hoặc điều chỉnh, bổ sung.

Về những vướng mắc trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án cũng có những khó khăn riêng.  

Thứ nhất là sự đồng thuận của người dân. Không ít trường hợp, người dân đưa ra mức giá kỳ vọng, cao hơn nhiều với giá đền bù trong khả năng của chính quyền. Và khi người dân không đồng thuận thì xảy ra trường hợp kiến nghị, khiếu nại khiến thời gian triển khai dự án kéo dài.

Một nguyên nhân nữa là thời gian dài trước đây, các cơ quan quản lý nhà nước chưa chuẩn hóa về cơ sở dữ liệu đất đai, cơ sở dữ liệu xây dựng. Hầu hết dữ liệu tiến hành làm thủ công nên khi áp vào việc đền bù gây tốn nhiều thời gian.

Để khắc phục những hạn chế, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, Bình Dương đã thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác đôn đốc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm; và định kỳ tổ chức họp để kịp thời giải quyết vấn đề cấp bách, bức xúc.

Các ngành chức năng đang rút ngắn thời gian thẩm định, thời gian xử lý hồ sơ; tăng cường phối hợp với chủ đầu tư, UBND cấp huyện để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Đường vành đai 3, đoạn đi qua TP Dĩ An. Ảnh: T.L

Đường vành đai 3, đoạn đi qua TP Dĩ An. Ảnh: T.L

Ông Nguyễn Hữu Nam, cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Dĩ An cho biết, Hội đồng bồi thường đang tham mưu UBND TP.Dĩ An để trình UBND tỉnh phê duyệt đơn giá đất bồi thường.

Sau khi có phê duyệt, Trung tâm sẽ tham mưu UBND TP.Dĩ An thực hiện phương án bồi thường, và chính sách hỗ trợ tái định cư theo quy định.

Ông Võ Anh Tuấn cho biết, hiện nay Bình Dương đang quyết liệt xúc tiến khâu thẩm định giá, giải tỏa thu hồi đất để triển khai dự án đường Vành đai 3, cũng như các dự án trọng điểm khác.

Bình Dương đang tập trung nghiên cứu xem xét và phê duyệt chính sách hỗ trợ người dân khi thực hiện dự án.

"Địa phương sẽ áp giá giải tỏa đền bù một cách phù hợp, đáp ứng được nguyện vọng của các hộ dân bị ảnh hưởng trên tinh thần không để người dân chịu thiệt, lợi ích hài hòa", ông Võ Anh Tuấn chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem