Bộ trưởng Bộ GDĐT có phải công nhận lại văn bằng nước ngoài?

Vinh Hải - Đình Việt Thứ năm, ngày 17/01/2019 08:08 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ và các lãnh đạo Bộ GDĐT có làm thủ tục công nhận văn bằng nước ngoài? Đây là một trong những câu hỏi được bạn đọc gửi về Dân Việt sau loạt bài về thủ tục công nhận văn bằng nước ngoài cấp cho người Việt Nam của Bộ GDĐT còn nhiều nhiêu khê, rườm rà, mất thời gian, gây phiền hà cho rất nhiều người dân.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã phản ánh, thủ tục công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam đang tạo rất nhiều khó khăn cho người dân. Đây là loại giấy phép con đem lại phiền hà cho những người học thật, thi thật như hàng chục nghìn trường hợp được Nhà nước cử đi học ở Liên Xô (cũ) trước đây.

img

Các chuyên gia cho rằng, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GDĐT "có vấn đề"

Có những trường hợp sau khi gửi đơn đề nghị xác nhận, đến nay qua nhiều tháng vẫn bị “treo kết luận” bởi Cục Quản lý Chất lượng Bộ GDĐT chưa thể trả lời được có công nhận hay không.

Gửi bình luận về Dân Việt, bạn đọc Nguyễn Long (nguyenlong11122xxx@gmail.com) cho rằng: “Bài báo viết rất hay, không phải tự nhiên họ cho mình quyền uy lợi ích nhóm. Mong quý báo tiếp tục làm sang tỏ lợi ích nhóm của những người tự cho mình quyền đi ngược lại với luật pháp và thông lệ quốc tế. Bộ GDĐT vì lợi ích nhóm mà hành người học tốn tiền bạc, thời gian và công sức”.

Trong khi đó, bạn đọc Le Dung (ledungxxx@gmail.com) thẳng thắn: “Chất lượng giáo dục trong nước thì thấp, bày đặt đi thẩm định bằng của nước ngoài”.

Một doanh nhân thành đạt từng được đào tạo tại Liên Xô (cũ) những năm 90 bức xúc phản ánh đến Dân Việt: “Rất nhiều người trong chúng tôi được Nhà nước cử đi học. Cùng trường tôi còn có người hiện giờ đang làm Bộ trưởng, rất nhiều người khác đã thành đạt. Với thủ tục nhiêu khê như hiện nay, ví dụ một số nước thuộc Liên Xô trước đây đang căng thẳng chính trị hay bất ổn xã hội không phản hồi lại được Bộ GDĐT, thì bằng của chúng tôi vô giá trị, vứt đi à?”.

Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ Phó Vụ Giáo dục Đại học cũng đã đặt câu hỏi: “Lãnh đạo Bộ GDĐT còn giữ được những tấm bằng từ 30 – 40 năm trước để công nhận, kiểm định lại không?”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Xuân Minh (Ba Đình, Hà Nội) đặt câu hỏi: “Không rõ lãnh đạo Bộ GDĐT, cụ thể là ông Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GDĐT có phải làm thủ tục công nhận bằng nước ngoài hay không? Nếu có, mất bao lâu được công nhận xong?”.

Được biết, ông Phùng Xuân Nhạ từng học sau đại học tại Trường Đại học tổng hợp Manchester, Vương quốc Anh từ tháng 9.1993 – 7.1994; Nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trường Đại học Tổng hợp Georgetown, Hoa Kỳ từ 9.2002 – 7.2003.

Sự im lặng bất thường

Cuối tháng 12.2018, PV Dân Việt đã liên hệ với ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GDĐT đề nghị làm việc về những bất cập của quy định trên. Ông Trinh cho biết đang bận và đề nghị PV nghiên cứu văn bản về quy định này. Sau đó, ông Trinh đề nghị PV liên hệ qua Trung tâm Truyền thông Giáo dục.

Tiếp đó, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Viết Lộc – Chánh Văn phòng Bộ GDĐT, ông Lộc đề nghị PV liên hệ qua Trung tâm Truyền thông Giáo dục.

Ngày 2.1, PV Dân Việt đã đến Trung tâm Truyền thông Giáo dục để đặt giấy giới thiệu. Sau đó, PV đã gửi câu hỏi qua đến Chánh Văn phòng Bộ GDĐT và Trung tâm Truyền thông Giáo dục.

Ông Nguyễn Viết Lộc – Chánh Văn phòng Bộ GDĐT đã trả lời email, giao Trung tâm Truyền thông sớm trả lời.

Ngày 10.1, PV liên hệ với một cán bộ được giao tiếp nhận thông tin tại Trung tâm Truyền thông Giáo dục và được biết vấn đề Dân Việt đề nghị đã được chuyển đến Thứ trưởng Độ (ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GDĐT) xem xét, giao bộ phận liên quan trả lời.

Đến ngày 15.1, PV Dân Việt liên lạc lại với cán bộ của Trung tâm Truyền thông Giáo dục và vẫn nhận được câu trả lời “đã chuyển đến Thứ trưởng Độ”.

Bao giờ Bộ GDĐT sẽ có câu trả lời về sự việc bức xúc dư luận, gây phiền hà cho hàng nghìn người? 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem