Vụ "giấy phép con" ở Bộ GDĐT: "Anh là gì mà đòi công nhận người ta?"

Vinh Hải - Đình Việt Thứ tư, ngày 16/01/2019 15:26 PM (GMT+7)
Chuyên gia về giáo dục cho rằng thủ tục quy định công nhận, kiểm định văn bằng nước ngoài hiện nay chỉ là hình thức, không đúng bản chất giá trị văn bằng.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, quy định và thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp đang gây nhiều phiền hà với những người học thật, thi thật và có bằng cấp thật. Quy định này như giấy phép con đối với rất nhiều người dân, kể cả hàng nghìn trường hợp được Nhà nước cử đi học.

img

Nhiều người cho rằng, quy định này là một loại "giấy phép con" đang tồn tại ở Bộ GD&ĐT. Ảnh: Đình Tuệ

Quy định này do Bộ GDĐT ban hành trong Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT năm 2007 và Thông tư số 26/2013/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định 77 vào năm 2013.

Nhiều người cảm thấy thủ tục công nhận văn bằng của Bộ GDĐT không sát thực tế, vô lý và “đánh đồng” người được Nhà nước cử đi học với những người sử dụng bằng giả, kém chất lượng.

Trao đổi với Dân Việt về trường hợp hàng nghìn người đi học ở Liên Xô trước đây, giờ vẫn phải làm thủ tục công nhận lại văn bằng, ông Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT cho rằng "trước đây làm gì có văn hóa kiểm định".

"Những người đi học từ trước đây, sao bây giờ lại bắt người ta phải kiểm định, công nhận lại văn bằng. Ngày trước làm gì có văn hóa kiểm định. Những cái đấy thuộc về lịch sử, cần có một mốc thời gian để xác định. Quan trọng là phải sớm có khung trình độ quốc gia và một Hội đồng kiểm soát giá trị văn bằng" - ông Vinh nói. 

Theo ông Vinh, về bản chất, người sử dụng văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài không cần Bộ GDĐT công nhận hay không công nhận. Việc công nhận, kiểm định bây giờ chỉ là hình thức, mất thời gian của nhiều người. Bên cạnh đó, nói không công nhận văn bằng nước ngoài là không đúng. 

"Anh là cái gì mà đòi công nhận văn bằng của người ta trong khi trình độ của anh như vậy. Ví dụ, có người học ở Pháp về không được công nhận, trong khi họ lại được học tiếp ở Mỹ ở những trường nghiêm chỉnh. Làm sao có thể nói không công nhận văn bằng của họ? 

Hay như đào tạo ở nhiều nước họ không phải học những môn như Kinh tế Chính trị, Triết học, quân sự, ... liệu khi về nước anh có bắt họ học bổ sung? Điều quan trọng là giá trị văn bằng. 

Chúng ta phải có khung trình độ quốc gia để tham chiếu, đối chiếu với nhau, so sánh khung trình độ. Từ đó kết luận văn bằng có hay không tương đương với khung trình độ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ. Chứ anh không thể nói là không công nhận văn bằng của người ta. Anh không có thẩm quyền gạt bỏ văn bằng đấy, chỉ có thể nói không tương đương với khung trình độ ở Việt Nam" - ông Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm. 

Trong thực tế có những trường hợp mua bán bằng cấp hay học ở những trường kém chất lượng, nhưng theo ông Vinh không phải vì một vài trường hợp mà làm khó rất nhiều người khác. 

Như câu chuyện ở TP Đà Nẵng đã được Dân Việt phản ánh, sau trường hợp của ông Nguyễn Xuân Anh, hàng trăm cán bộ ở TP này dù được đi đào tạo theo Đề án của TP, TƯ vẫn phải làm thủ tục công nhận lại văn bằng theo nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp là "vớ vẩn". 

"Những trường hợp Nhà nước đã cử đi học nghĩa là đảm bảo địa chỉ uy tín để đào tạo, họ học bằng ngân sách Nhà nước. Nếu học trường dởm ai phải chịu trách nhiệm? 

Cũng có những trường hợp rất vô duyên khi đòi hỏi phải có con dấu của Nhà nước mới xem là được phép đào tạo, cấp bằng. Cơ sở chưa được phép nên văn bằng không được công nhận, như vậy là quan liêu. Vấn đề ở đây phải xem chương trình đào tạo có đáng được công nhận hay không? Chúng ta phải có hội động công nhận văn bằng tương đương, kiểm soát chất lượng. Muốn phát giác hàng giả phải có cơ quan chuyên môn soi hàng giả.

Tôi nhắc lại điều quan trọng là giá trị văn bằng. Trước hết cá nhân sử dụng văn bằng phải tự chịu trách nhiệm. Ở nước ta nếu gian dối trong chuyện văn bằng là chết ngay, không còn cửa xin việc ở bất cứ chỗ nào nữa. Điều cần làm bây giờ là Bộ GDĐT cần đơn giản hóa thủ tục, trường hợp nào phát giác vi phạm cơ quan Nhà nước mới vào cuộc hậu kiểm" - ông Vinh đề nghị. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem