Điều bất thường ở quy định công nhận văn bằng nước ngoài của Bộ GDĐT

Nhóm PV Thứ sáu, ngày 04/01/2019 08:44 AM (GMT+7)
Luật sư chỉ ra điều bất thường trong trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GDĐT về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, những quy định cứng nhắc, rườm rà của Bộ GDĐT về thủ tục công nhận văn bằng nước ngoài đã gây phiền hà, khó dễ cho người dân nhiều năm qua.

Quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được Bộ GDĐT ban hành trong Quyết định 77/2007/QĐ-BGDĐT.

Năm 2013, Bộ GDĐT tiếp tục ban hành Thông tư 26/2013/TT-BGDĐT để sửa đổi, bổ sung quy định trên.

img

Luật sư Trần Tuấn Anh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GDĐT "có vấn đề"

Tuy nhiên, luật sư Trần Tuấn Anh – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật như trên của Bộ GDĐT là “có vấn đề, thể hiện trình độ của các cơ quan tham mưu thuộc Bộ GDĐT”.

Cụ thể, Khoản 8 Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chỉ có “Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ" là văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 9 quy định: Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Thời điểm ban hành Thông tư 26/2013/TT-BGDĐT thì Luật này đang có hiệu lực. Do đó, Quyết định như Quyết định số: 77/2007 của Bộ GDĐT không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Vậy nên không thể dùng Thông tư để sửa đổi, bổ sung cho Quyết định được” – luật sư Tuấn Anh cho hay.

Phân tích kỹ hơn, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng Bộ GDĐT đã dùng một văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho một văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật, điều này pháp luật không cho phép

“Điều này thể hiện năng lực của Bộ GDĐT trong vấn đề xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo khoản 3, Điều 68 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức pháp chế của Bộ là cơ quan có trách nhiệm thẩm định dự thảo văn bản. Trong trường hợp này, theo tôi, Tổ chức pháp chế của Bộ GDĐT đã không làm tròn trách nhiệm của mình” – luật sư Tuấn Anh nói.

Trước đó, Dân Việt đã có loạt bài phản ánh những bất cập trong quy định công nhận văn bằng cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam.

Những thủ tục cứng nhắc trong quy định này đã khiến rất nhiều người dân dù học thật và có bằng cấp thật do cơ sở giáo dục có uy tín của nước ngoài cấp vẫn phải “ngậm đắng nuốt cay”.

Quy định vô lý do Bộ GDĐT đặt ra đã bị nhiều người phản đối nhưng đến nay vẫn tồn tại, gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Tại Quốc hội, Đại biểu quốc hội Hà Thị Lan (đoàn Bắc Giang) cũng đã cho rằng quy định trong Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT là “cứng nhắc”.

“Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp. Các quy định này đã tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện các nội dung trên.

Tuy nhiên, thực tiễn việc công nhận văn bằng trong thời gian vừa qua đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập, như các trường hợp văn bằng do nước ngoài cấp cho người Việt Nam, trường hợp không phải làm thủ tục công nhận văn bằng - chưa được đề cập trong dự thảo luật và chưa giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

Như vậy, quy định hiện hành về công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp còn cứng nhắc và chưa đáp ứng được tính đa dạng của hệ thống văn bằng trên thế giới cũng như các phương thức đào tạo mới; và trong một số trường hợp chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người học khi đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp”  - Đại biểu Hà Thị Lan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem