Bột mì bổ sung vi chất có thể khiến doanh nghiệp đối diện nguy cơ vi phạm pháp lý

Trần Khánh Thứ bảy, ngày 13/11/2021 06:30 AM (GMT+7)
Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết Nghị định 09 về bổ sung vi chất sắt vào bột mì không chỉ gây tốn kém chi phí còn khiến doanh nghiệp đối diện nguy cơ vi phạm pháp lý.
Bình luận 0

Thực trạng này đã gây khó cho doanh nghiệp nhiều năm nay. Không chỉ Acecook Việt Nam mà nhiều doanh nghiệp khác cũng bức xúc vì kiến nghị lâu năm mà không thấy sửa.

Bột mì bổ sung vi chất gây tốn kém

Ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Công ty CP Acecook Việt Nam (TP.HCM) cho biết, Nghị định 09 (NĐ 09) quy định muối trong chế biến thực phẩm phải bổ sung iốt hoặc bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải bổ sung sắt và kẽm khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Junichi chia sẻ, ông hiểu và đồng thuận với mục đích tăng cường sức khỏe cho người dân Việt Nam theo nghị định NĐ 09 năm 2016 của Chính phủ.

Tuy nhiên phương pháp triển khai đang gây ra rất nhiều bất cập. Công ty Acecook gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề nhập nguyên vật liệu cũng như sản xuất kinh doanh.

Trụ sở Công ty CP Acecook Việt Nam. Ảnh: DNCC

Trụ sở Công ty CP Acecook Việt Nam. Ảnh: DNCC

"Trong 5 năm qua, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm, và Hiệp hội lương thực thực phẩm TP.HCM nhưng chưa được tháo gỡ", ông nói.

Ông Junichi kể, bột mì sau khi nhập về sẽ được bảo quản trong một tháp chứa rất lớn khoảng, dung tích khoảng 90 tấn.

Do bột mì dùng làm sản phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu khác nhau nên không thể bảo quản chung trong cùng 1 tháp chứa. Bột mì có bổ sung vi chất được đưa vào sản xuất thông qua dây chuyền tự động. Bột mì không bổ sung vi chất phải chứa riêng trong từng bao tải. Sau đó, công nhân mang vác đến máy trộn để đổ bột vào trong máy.

"Đây là công việc đơn thuần phải sử dụng đến sức lao động nên rất tốn công sức, thời gian và phải gia tăng nhân công để thực hiện", ông Junichi phân tích.

Ông Kajiwara Junichi – Tổng Giám Đốc Công ty CP Acecook Việt Nam. Ảnh: DNCC

Ông Kajiwara Junichi – Tổng Giám Đốc Công ty CP Acecook Việt Nam. Ảnh: DNCC

Một bất tiện lớn nữa cũng phát sinh sau quá trình sản xuất sản phẩm nội địa. Để tránh nhiễm chéo các chất iốt, kẽm (được sản xuất cho sản phẩm nội địa trước đó) vào sản phẩm xuất khẩu, công ty Acecook buộc phải vệ sinh dây chuyền sản xuất và các trang thiết bị. Trong thời gian thực hiện việc vệ sinh này, dây chuyền sản xuất buộc phải tạm dừng, khiến cho công suất bị giảm sút. Và kết quả là tổng chi phí sản xuất tăng cao.

Nguy cơ vi phạm pháp lý

Chi phí tăng khiến sản phẩm của Acecook bị giảm năng lực cạnh tranh, vì so với sản phẩm cùng loại của các nước khác, sản phẩm Acecook gặp bất lợi trong giá thành một cách rõ rệt.

"Mục tiêu xuất khẩu ra thế giới thực phẩm "made in Vietnam" cũng không đạt được", ông Junichi chia sẻ.

Dây chuyền sản xuất hiện đại ở công ty Acecook Việt Nam. Ảnh: DNCC

Dây chuyền sản xuất hiện đại ở công ty Acecook Việt Nam. Ảnh: DNCC

Cụ thể nhất là việc xuất bán sản phẩm sang Nhật Bản, quê hương của ông Junichi cũng không được đất nước này chấp nhận. Nhật Bản không chấp nhận thực phẩm có bổ sung sắt, kẽm.

Thế là, Acecook Việt Nam phải sản xuất riêng mì ăn liền, phở ăn liền (không bổ sung vi chất) để đáp ứng cho khoảng 400.000 người Việt đang sinh sống tại Nhật và nhiều người tiêu dùng Nhật Bản khác.

Việc xuất khẩu các sản phẩm của Acecook Việt Nam sang Nhật còn khiến doanh nghiệp này đối mặt với vấn đề pháp lý khi sản phẩm nội địa bị một đơn vị nào đó tự ý xuất khẩu.

Mặc dù cố gắng kiểm soát nhưng ông Junichi thừa nhận việc này là rất khó.

Ông Junichi kể tiếp, thời gian gần đây, ông nhận được thông tin rằng: Không chỉ sản phẩm nội địa của Acecook mà sản phẩm nội địa của các công ty Việt Nam khác cũng đang bị tùy tiện xuất khẩu rất nhiều sang Nhật Bản.

"Nếu những sản phẩm này bị kiểm dịch tại Nhật Bản có thể trở thành vấn đề lớn, kéo theo hệ lụy đối với toàn bộ sản phẩm thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam", ông Junichi lo lắng.

Sau cùng, đại diện Acecook Việt Nam khẩn thiết kiến nghị việc sửa đổi Nghị định 09 sớm diễn ra để Việt Nam sẽ ngày càng cải thiện môi trường kinh doanh,  giúp doanh nghiệp phát huy mạnh mẽ trong môi trường cạnh tranh quốc tế. 

Công nhân sản xuất mì của nhà máy Acecook Việt Nam. Ảnh: DNCC

Công nhân sản xuất mì của nhà máy Acecook Việt Nam. Ảnh: DNCC

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết, không chỉ Acecook mà các đơn vị sản xuất thực phẩm khác cũng đã gặp trường hợp tương tự.

Trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam, các đơn vị được quyền xuất khẩu sản phẩm sang Nhật. Khi chính quyền Nhật Bản kiểm tra và phát hiện sai phạm thì chính đơn vị sản xuất như Acecook phải chịu trách nhiệm dù không phải họ xuất khẩu.

Trên cơ sở phân tích khoa học, TS. Đỗ Việt Hà – Uỷ viên Ban chấp hành Hội Hóa học TP.HCM cho biết, việc thừa hoặc thiếu các vi chất đều không tốt với cơ  thể. 

Sau 5 năm, tổng kết lại việc bắt buộc bổ sung vi chất một cách không cần thiết mới thấy tác động của quy định này với xã hội không đơn giản.

Cụ thể, quy định bất cập đã làm hạn chế sự hội nhập quốc tế về thương mại, nhất là xuất khẩu; vô tình làm ảnh hưởng để sức khỏe của một số đối tượng không cần thiết phải bổ sung vi chất; ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm truyền thống đã được quốc tế công nhận; ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của nhà máy sản xuất quy mô lớn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem