Cả một vùng ở Hải Dương, dân rủ nhau đi xem một màn diễn xướng hội quân trên dòng sông Lục Đầu
Vạn Kiếp lẫy lừng hào khí Đông A (Bài cuối): Đền cổ bên sông Lục Đầu với màn diễn xướng hội quân đặc sắc
Nguyễn Việt
Thứ bảy, ngày 18/11/2023 06:30 AM (GMT+7)
Hàng năm, lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) tại đền Kiếp Bạc đều tổ chức "Diễn xướng hội quân trên sông Lục Đầu". Diễn xướng tái hiện cuộc hội quân ở Vạn Kiếp năm xưa đã trở thành một hoạt động đặc sắc, hấp dẫn của lễ hội.
Năm 1300, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn từ trần tại tư dinh Vạn Kiếp. Sau khi ông mất, nhà vua cho lập đền thờ ông tại Vạn Kiếp, bên cạnh sông Lục Đầu, nơi thái ấp của ông và cũng là đại bản doanh chỉ huy đánh quân Nguyên Mông năm xưa để nhân dân hương khói thờ phụng. Tuy nhiên, tương truyền Vua Trần cho lập Sinh Từ thờ ông ngay khi còn sống.
Về sự kiện này, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng ghi: "Mùa thu tháng 8 ngày 20, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn mất ở phủ đệ Vạn Kiếp, được tặng Thái sư Thượng phụ Thượng Quốc Công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. Thánh Tông có soạn bài văn bia ở Sinh Từ (của Trần Quốc Tuấn), ví ông với Thượng phụ".
Ngôi đền hiện nay có tên là Kiếp Bạc là tên ghép lấy tên Kiếp của làng Kiếp (nay là thôn Vạn Yên) và tên Bạc của làng Bạc (nay là thôn Dược Sơn) thành tên đền Kiếp Bạc.
Hiện đền Kiếp Bạc mang kiến trúc thời Nguyễn thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Đền Kiếp Bạc nằm ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc, trên khu đất rộng 13.500 m2.
Theo Ban Quản lý Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, đền Kiếp Bạc được nhiều lần trùng tu. Đáng chú ý, năm 1427 sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh sắp thắng lợi Lê Lợi đã cử Dương Thái Nhất về tu sửa đền Kiếp Bạc, ra sắc chỉ nghiêm cấm chặt cây quanh đền và xâm phạm đất đai di tích.
Dưới triều Nguyễn, đền Kiếp Bạc được tu bổ tôn tạo vào các năm 1847, 1887, 1906, 1916, 1920. Trong kháng chiến chống Pháp khu di tích Kiếp Bạc bị tàn phá nặng nề.
Các công trình kiến trúc nguy nga lộng lẫy không còn, dấu vết quy mô xây dựng của các lần trùng tu không còn đầy đủ: Trung từ và tả, hữu Giải Vũ bị giặc Pháp đốt phá, chỉ còn lại hậu cung, tiền bái và cổng đền.
Các công trình kiến trúc hiện nay được Nhà nước và nhân dân trùng tu tôn tạo từ năm 1962 đến nay. Cụ thể, năm 1978 trùng tu tòa trung từ; năm 1995 xây dựng khuôn viên nhà Bạc, tả hữu hành lang; năm 1998 đến năm 2000 trùng tu tòa hậu cung, trung từ và tiền bái; năm 2006 xây dựng tường bao nội tự, tôn tạo lại sân đền; năm 2009 xây dựng nhà khách, nhà kho; năm 2014 với sự đóng góp công đức của nhân dân, đền Kiếp Bạc được đại trùng tu quy mô lớn.
Theo văn bia, đây là đợt đại trùng tu lần thứ tư trong lịch sử, thể hiện sự tri ân của hậu thế đối với Đức Thánh Trần. Các công trình kiến trúc trở nên hoàn chỉnh, bố cục cân đối.
Đền Kiếp Bạc lấy núi Trán Rồng làm khởi điểm phát triển ra đê sông Lục Đầu. Bố cục theo luật đối xứng tuân thủ nguyên tắc âm dương ngũ hành, bát phương ngũ sắc mang phong cách cung đình gồm: Thần đạo, nghi môn, tả hữu thành các, giếng mắt rồng, nhà Bạc, tả hữu giải vũ, đền chính…
Nghi môn đền là công trình kiến trúc đồ sộ, hoành tráng; thiết kế kiểu cổng thành dạng bức cuốn thư với ba cửa vòm và hai trụ biểu lớn. Đây là bức tranh sinh động hội đủ tứ linh, tứ quý khái quát cả âm dương trời đất, thiên nhiên, con người nơi đất thánh.
Giữa sân là Tắc môn (thường gọi là nhà Bạc), công trình nằm trên đường thần đạo là cầu nối giữa nghi môn và đền chính, mang ý nghĩa như một bình phong chắn tà khí cho đền. Đây là nơi tổ chức các nghi lễ trọng thể của nhà nước dâng hương tưởng niệm Đức Thánh Trần.
Đền chính kiến trúc kiểu tiền Nhất, hậu Đinh gồm: Tiền tế, Trung từ, Hậu cung.
Bài trí thờ tự như sau: Tòa hậu cung gồm cung cấm và cung ngoài. Cung cấm bài trí thờ tự ở chính cung là bàn thờ gia tiên và bàn thờ Đức Quốc Mẫu (phu nhân Đức Thánh Trần) hai bên là bàn thờ Đệ Nhất Vương cô Khâm từ Hoàng Thái Hậu Quyên Thanh Công chúa và bàn thờ Nhị đệ Nữ Đại Hoàng Anh Nguyên quận chúa giữ nguyên.
Cung ngoài bài trí ban thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Phía trước là ban thờ Tứ vị Vương tử bằng ngai và bài vị gồm: Hưng Vũ Vương, Hưng Hiến Vương, Hưng Nhượng Vương, Hưng Trí Vương.
Tòa trung từ chính giữa là ban thờ Phạm Điện Súy Tiền Tướng quân Phạm Ngũ Lão; hai bên là hai ban thờ Tướng quân Yết Kiêu bên trái và Tướng quân Dã Tượng bên phải. Tòa tiền tế bài trí ban thờ công đồng Trần Triều ở chính giữa, hai bên là tả chiêng hữu trống.
Hàng năm, đền Kiếp Bạc có 4 sự lệ chính gồm: Lễ khai xuân, lễ tế tại đền vào ngày 11 tháng giêng; lễ kỵ Đức Vương Phụ (tức An Sinh Vương Trần Liễu), tế lễ từ ngày 30 tháng 3 - 1 tháng 4; lễ kỵ Đức Thánh Trần, tế lễ từ ngày 19 - 21/8; lễ kỵ Đức Quốc Mẫu tế lễ từ ngày 27- 29/9.
Lễ hội Kiếp Bạc là lễ hội lớn và giữ vai trò lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng to lớn bậc nhất trong đời sống văn hóa của nhân dân địa phương cũng như cả nước.
Lễ hội có nhiều nghi thức tế lễ nhưng quan trọng nhất là lễ dâng hương tưởng niệm Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, lễ hội quân trên sông Lục Đầu, lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu, Lễ hầu Thánh. Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian đặc sắc như: Thi nấu cơm, múa rối, đập niêu, chọi gà, cờ tướng…
Với những giá trị đặc biệt của di tích, năm 1962 khu di tích Kiếp Bạc được xếp hạng di tích quốc gia; năm 2012 di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và lễ hội Kiếp Bạc là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Đặc sắc Lễ hội quân trên sông Lục Đầu
Theo các cụ cao niên ở địa phương (xã Hưng Đạo, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương), trước đây lễ hội có lễ rước thủy. Hằng năm, vào lễ hội đền Kiếp Bạc, nhân dân địa phương đều tổ chức lễ rước này và được duy trì đến đầu thế kỷ 20. Sau này do chiến tranh, biến động xã hội lễ rước thủy không còn được tổ chức trong lễ hội đền Kiếp Bạc.
Tiến sĩ Sử học Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cho biết: "Diễn xướng hội quân trên sông Lục Đầu được phục dựng lại năm 2006. Năm đó, thực hiện đề án "Nâng cấp lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc giai đoạn 2006 – 2010", không chỉ diễn xướng này, chúng tôi đã nghiên cứu, phục dựng thành công nhiều nghi lễ, diễn xướng ở 2 di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc".
Để tiến hành phục dựng, Ban Quản lý Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đã nghiên cứu tìm hiểu và mời các ngư dân ở các làng chài của Chí Linh (Hải Dương) và Hải Phòng lựa chọn tầu thuyền các loại về để tham gia.
Ban Quản lý còn mời môn phái võ Nhất Nam ở Hải Dương và đội võ gậy ở vùng quê Hội Xuyên, huyện Gia Lộc (quê hương của danh tướng Nguyễn Chế Nghĩa), nơi nổi tiếng với môn đánh gậy (còn gọi là đánh Thó) do danh tướng Nguyễn Chế Nghĩa (một tướng giỏi của Trần Hưng Đạo) truyền lại để nhằm phục dựng phần hội quân trên sông và biểu diễn võ thuật trên bờ. Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2006 là lễ hội đầu tiên thực hiện nghi lễ hội quân trên sông Lục Đầu.
Từ đó trở đi, cứ đến lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc, nhân dân và du khách thập phương lại háo hức đón xem lễ hội quân và trở thành một nghi lễ độc đáo, đặc sắc không thể thiếu trong lễ hội mùa thu Kiếp Bạc.
Lễ hội quân diễn ra đúng hôm chính hội, sau phần lễ tưởng niệm ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, các đại biểu, cùng hạng vạn người dân, du khách thập phương tiến về bến Vạn Kiếp trước cửa đền Kiếp Bạc để theo dõi màn trình diễn lễ hội quân trên sông Lục Đầu. Trên đê, dưới bến, cờ xí rợp trời, tiếng trống vang lên thôi thúc lòng người.
Dưới sông 50 chiếc thuyền được chia thành 2 đoàn thuyền, trên từng thuyền được trang trí, cắm cờ giống thuyền chiến xưa, còn người trên thuyền được hóa trang thành những vị tướng và quân sĩ.
Đoàn thứ nhất từ phía đền Nam Tào, tên thuyền chủ là "Nhạc Độc Chung Linh" xuất phát từ vị trí Cồn Kiếm.
Đoàn thứ 2 tập kết bên sông trước đền Bắc Đẩu, tên thuyền chủ là "Âm Dương Hợp Đức", 5 thuyền mang biển Thanh Long, Bạch Hổ và các thuyền sau mang biển chữ câu đối: "Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí; Lục Đầu vô thủy bất thu thanh". Hai đoàn thuyền sẵn sàng đợi lệnh hội quân.
Sau khi pháo hiệu vang lên, hai đoàn thuyền từ vị trí xuất phát tiến về quãng sông chính giữa lễ đài và giao nhau 3 lần gắn với 3 chủ đề khác nhau.
Lần giao nhau thứ nhất mang chủ đề "Hào khí Đông A", lần 2 mang chủ đề "Hùng khí Lục Đầu", lần 3 mang chủ đề "Ca khúc khải hoàn".
Gắn với mỗi chủ đề, trên bờ các đội rồng, lân, đội võ, đội gậy lại biểu diễn theo đúng ý tưởng cốt lõi của chủ đề đó. Cùng với sự cộng hưởng hòa âm của tiếng chiêng trống, tiếng cổ vũ của người xem khiến khung cảnh, không gian thêm hào hùng, rực lửa khí thế trận mạc và sự háo hức, vui vừng khi ca khúc khải hoàn của quân tướng nhà Trần dưới sự chỉ huy của Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn năm xưa.
Cảnh tượng này gợi về cuộc hội quân với 20 vạn quân ở Vạn Kiếp năm 1285 với sức mạnh ba quân hừng hực ý chí chiến đấu và quyết tâm "sát Thát" át cả sao Ngưu, hào khí Đông A hùng tráng ngất trời ở ngay trên bến Vạn Kiếp năm xưa.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử, điều độc đáo trong lễ hội quân trên sông Lục Đầu đã thể hiện được hào khí Đông A hào hùng một thuở.
Clip: Màn diễn xướng hội quân trên sông Lục Đầu trở thành một hoạt động độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn du khách về trẩy hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. T/h: Nguyễn Việt.
Bên cạnh đó, giúp hậu thế tưởng nhớ đến những chiến công hiển hách của quân dân nhà Trần, những đặc trưng sở trường trong cách dụng binh, đánh trận của Trần Hưng Đạo đó là thủy chiến.
Đặc biệt, lễ hội quân đã tái hiện sự kiện lịch sử diễn ra đúng trên vùng đất Vạn Kiếp. Càng ý nghĩa hơn, bởi nơi đây được Trần Hưng Đạo lựa chọn làm đại bản doanh để chỉ huy các đạo quân đánh quân Nguyên Mông. Nơi đây cũng là chiến trường được Quốc Công lựa chọn để bày binh bố trận cho chiến dịch Vạn Kiếp đã khiến cho Thoát Hoan phải chui vào ống đồng mới chạy thoát thân về nước.
"Từ đó đến nay diễn xướng hội quân trên sông Lục Đầu luôn được duy trì mỗi mùa lễ hội và trở thành một hoạt động lễ hội độc đáo, đặc sắc không ở đâu có" – Tiến sĩ Sử học Lê Duy Mạnh cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.