Cần làm rõ bản chất "thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội", tránh lạm dụng, thu hồi tràn lan

Quốc Hải Thứ hai, ngày 07/11/2022 16:28 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia kinh tế, việc thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng như quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải làm rõ bản chất, tránh lạm dụng, thu hồi tràn lan…
Bình luận 0

Trên thực tế, Luật Đất đai năm 2013 không làm rõ thế nào là "thật cần thiết", thế nào là "phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng";… điều này khiến phạm vi thu hồi đất cho mục đích "phát triển kinh tế - xã hội" trở nên rất rộng, thậm chí bị… lạm dụng, thu hồi tràn lan.

Hệ quả là người dân bức xúc khi đất bị thu hồi với giá rẻ, trong khi doanh nghiệp nhận đất chỉ cần "sang tay" phân lô, bán nền là có siêu lợi nhuận; cán bộ suy thoái, vào tù vì "móc ngoặc" với doanh nghiệp để lấy đất; ngân sách nhà nước thất thoát, hiệu quả sử dụng đất thấp…

Thu hồi đất với lý do "phát triển kinh tế - xã hội" bị... lạm dụng

Theo ý kiến của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn ĐBQH TP.HCM), thực tế chứng minh đa số vụ khiếu kiện đất đai, ảnh hưởng an ninh, trật tự xã hội, làm mất niềm tin của người dân đều do thu hồi đất làm kinh tế - xã hội. Vì vậy, đại biểu này một lần nữa đề nghị chỉ nên ưu tiên trưng dụng với các dự án an ninh quốc phòng cần thiết, còn các dự án "phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng" thì rất khó xác định.

"Đề nghị nhà nước không nên can thiệp vào giá đền bù mà trên nguyên tắc "thuận mua vừa bán". Doanh nghiệp muốn thu hồi đất để làm các công trình thương mại thì phải thuyết phục được người dân đồng thuận đền bù.

Đối với các trường hợp nhà nước thu hồi vẫn phải trả giá thị trường, người bị thu hồi phải thỏa mãn, tránh phát sinh tiêu cực…", bà Lan kiến nghị.

 Cần làm rõ bản chất "thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội", tránh lạm dụng, thu hồi tràn lan - Ảnh 1.

Nhiều đại biểu, chuyên gia kinh tế kiến nghị Nhà nước chỉ nên ưu tiên trưng dụng với các dự án an ninh quốc phòng... Ảnh: Quốc Hải

Tán thành quan điểm này, PGS-TS. Trần Hoàng Ngân (thư ký Bí thư Thành ủy TP.HCM) cũng đề nghị nhà nước hạn chế tối đa thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội, thay bằng cơ chế doanh nghiệp thương lượng với người dân.

"Đề nghị ban soạn thảo rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; rà soát các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 86, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 18 và Hiến pháp, xác định rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi", ông Ngân nói.

Ngoài ra, theo ông Ngân, dự thảo quy định khi nhà nước thu hồi đất phải bồi thường đảm bảo người dân có chỗ ở, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. Tuy nhiên, ông cho rằng quy định này rất khó thực hiện.

"Người dân khi đi mua nhà đã phải xem xét kỹ, đánh giá nhiều yếu tố mới bỏ tiền ra. Vậy làm cách nào để bồi thường cho người có đất bị thu hồi có chỗ ở, điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ?", ông Ngân băn khoăn.

"Trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi Chính phủ trình lên Quốc hội, tại Điều 86 về "thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng" vẫn đi theo tư duy của Luật Đất đai 2013: Một quy định chung không rõ ràng cộng với một danh sách các loại dự án liên kết với quy định chung.

Thậm chí, danh sách dự án được áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất còn dài hơn cả quy định trong Luật Đất đai 2013, gồm cả các dự án nhà ở thương mại…", GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT, nhận định.

Vì vậy, PGS. Ngân cho rằng nếu cần thiết phải thu hồi đất với các dự án kinh tế - xã hội thì chỉ xem xét với đất nông nghiệp, hạn chế thu hồi đất phi nông nghiệp, đất ở của dân.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cũng đồng tình với quan điểm này. Theo ông, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải làm được hai việc.

Thứ nhất, quy định rõ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phục vụ quốc phòng, an ninh; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng. Thứ hai, thu hẹp tối đa, thậm chí là chấm dứt việc thu hồi đất do chính quyền địa phương phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, mà thực tế việc này đôi khi lại phục vụ cho các "đại gia" bất động sản thu gom dự án.

"Có đảm bảo được hai yêu cầu này thì thị trường đất đai mới thực sự minh bạch; hài hòa lợi ích giữa các bên; bảo đảm phát triển kinh tế mà vẫn duy trì ổn định và công bằng xã hội", vị này nói.

Cần minh định rõ khái niệm thế nào là "vì lợi ích quốc gia, công cộng"?

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT, cũng nhận định, các quy định trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mà Quốc hội đang xem xét chưa làm rõ thế nào là lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. Điều này có nghĩa là luật phải có định nghĩa cụ thể về các khái niệm này, ít nhất là phải "giải thích từ ngữ".

 Cần làm rõ bản chất "thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội", tránh lạm dụng, thu hồi tràn lan - Ảnh 3.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cho rằng quy định chung chung như hiện nay về thu hồi đất để "phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng" dễ dẫn tới tình trạng thu hồi đất tràn lan... Ảnh: K.Phương

Theo ông Võ, "lợi ích công cộng" là lợi ích mang tính xã hội, lợi ích cho cộng đồng dân cư, không mang mục tiêu lợi nhuận, chủ yếu từ các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, xã hội và môi trường không vì mục tiêu kinh doanh. Còn "lợi ích quốc gia" là lợi ích từ việc sử dụng đất cho khu vực nhà nước và lợi ích từ các dự án đầu tư vì mục tiêu lợi nhuận nhưng thuộc chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Các dự án phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia không hề cố định theo thời gian và cần các tiêu chí cụ thể.

Quy định như dự thảo hiện nay dễ dẫn tới tình trạng thu hồi đất tràn lan, để lại quá nhiều dự án "treo", gây lãng phí rất lớn từ nguồn lực đất đai.

 Cần làm rõ bản chất "thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội", tránh lạm dụng, thu hồi tràn lan - Ảnh 4.

Một số chuyên gia cho rằng, nếu cần thiết phải thu hồi đất với các dự án kinh tế - xã hội thì chỉ xem xét với đất nông nghiệp, hạn chế thu hồi đất phi nông nghiệp... Ảnh: Quốc Hải

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng nhấn mạnh, Điều 85, Điều 86 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã "thể chế hóa" chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW và "luật hoá" khoản 3 Điều 54 Hiến pháp 2013 quy định về việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, cần xây dựng nội hàm các điều trên nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật, trong đó đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 86 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

"Cần xem xét lại khái niệm "dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng" tại đoạn mở đầu Điều 86 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy định tại Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư công 2014, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 và có tính kế thừa Điều 62 Luật Đất đai 2013", ông Châu đề xuất.

Ngoài ra, Chủ tịch HoREA cũng kiến nghị, việc quy định nhà nước thu hồi đất đối với "dự án nhà ở thương mại" tại điểm a khoản 3 Điều 86 "dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở), dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dễ gây "phản cảm, hiểu lầm" trong xã hội do lo ngại "ẩn khuất lợi ích nhóm" làm thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai.

Theo ông Châu, nên xem xét bỏ điểm a khoản 3, Điều 86, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng không quy định nhà nước thu hồi đất.

 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem