Cắt ngắn thời gian học: Nông dân chịu thiệt

Thứ ba, ngày 27/12/2011 13:59 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, các lớp dạy nghề nông dân sẽ được tổ chức từ 1- 3 tháng (trình độ sơ cấp nghề). Tuy nhiên, có khá nhiều nghề cần phải đào tạo kỹ trong 3 tháng thì lại bị rút bớt chương trình khiến chất lượng đào tạo không như mong muốn.
Bình luận 0

Thiếu kinh phí, “chặt” chương trình

Trong năm 2011, xã Tăng Tiến (huyện Việt Yên, Bắc Giang) tổ chức lớp dạy nghề mây tre đan cho nông dân nơi đây. Theo kế hoạch, lớp học diễn ra trong 3 tháng, nhưng thời gian thực học chỉ là 1 tháng.

img
Học viên nông dân học nghề mộc.

Chị Nguyễn Thị Tình - một học viên trong lớp nói: "Tôi muốn học nghề mây tre đan để cải thiện cuộc sống nhưng vào lớp học mới biết chỉ đào tạo có 1 tháng, mới học lý thuyết đã gần hết thời gian. Nhiều người ở gần nhà tôi cũng mong muốn học nghề, dù có phải bỏ tiền ra học nhưng đạt chất lượng cũng chấp nhận. Nhưng lớp học được miễn phí của nhà nước mà đi học chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa” thì thà chẳng học còn hơn".

Ông Bùi Thế Công - Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐTBXH Bắc Giang) cho biết, theo quy định hiện hành, mỗi một học viên khi tham gia học nghề nghề nông nghiệp được hỗ trợ 870.000 đồng, còn phi nông nghiệp là 1.290.000 đồng, chưa kể tiền ăn, đi lại (nếu thuộc diện gia đình chính sách).

Bắc Giang đặt kế hoạch đào tạo 12.000 lao động trong năm 2011, với mức chi phí hiện hành thì cần khoảng 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỉnh chỉ được cấp hơn 8 tỷ đồng nên muốn đảm bảo chỉ tiêu phải giảm thời gian đào tạo từ 3 tháng xuống còn 1 tháng. Tương đương với thời gian rút ngắn, số tiết đào tạo từ 428 cũng phải rút ngắn xuống còn 143- 150 (giảm khoảng 1/3 thời lượng).

Theo ông Công, việc rút ngắn thời gian đào tạo thậm chí còn làm tăng chi phí phát sinh, cụ thể là trước đây 3 tháng mới khai giảng 1 lần, giờ mỗi tháng lại tổ chức khai giảng. Ngoài ra, việc cấp chứng chỉ cũng tổ chức nhiều hơn, chưa kể tới chi phí cho việc di dời, vận chuyển máy móc... Việc tăng thêm chi phí, giảm thời lượng đào tạo sẽ dẫn tới thời gian thực hành ít hơn, ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo.

Ông Công cũng cho biết, ngay từ đầu Sở đã có báo cáo và đề xuất vấn đề này nhưng khi UBND tỉnh phê duyệt lại muốn số lượng đào tạo được nhiều hơn, trong khi kinh phí có hạn.

Lớp học “đầu voi, đuôi chuột”

Tại Bến Tre, tình trạng thiếu kinh phí dẫn tới cắt chương trình cũng từng xảy ra. Ông Ngô Đức Giảng - Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐTBXH) cho biết, kinh phí chi cho mỗi nghề đã được UBND tỉnh duyệt, nhưng mức này căn cứ vào hướng dẫn tài chính của Thông tư 112 (liên Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính) nên có nhiều khoản chi rất thấp. Cơ sở dạy nghề không thể xoay xở được nên giải quyết bằng cách “cắt” chương trình. Ví dụ: Lớp học trồng ca cao xen dừa lẽ ra học 3 tháng thì chỉ còn 2 tháng, 2 tháng rưỡi.

Theo ông Giáp Hoài Thăng - nguyên Giám đốc Sở LĐTBXH Bắc Giang, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 thì phải đủ thời lượng mới đảm bảo chất lượng. Nếu chạy theo chỉ tiêu, giảm thời lượng từ 3 tháng xuống 1 tháng thì chất lượng bị ảnh hưởng là chắc chắn.

Tương tự, giám đốc một công ty dạy nghề và xuất khẩu lao động (Hà Nội) cũng tiết lộ, một số nghề, ví dụ như nghề hàn có chi phí đào tạo theo giá thị trường hiện khoảng 3- 4 triệu đồng/khoá, nhưng chi phí dạy nghề nông dân chỉ duyệt chi khoảng 2 triệu đồng. Vì vậy, cơ sở buộc phải cắt bớt thời lượng, cắt bớt nguyên liệu thực hành... Đương nhiên như thế chất lượng khó có thể đảm bảo.

Ngoài việc thiếu kinh phí, cắt chương trình, có những lớp học nông dân bỏ học khá nhiều dẫn tới lớp học cũng "đầu voi, đuôi chuột" như các lớp học ở Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân Bình Thuận. 8 lớp học được mở trong năm 2011, học viên đăng ký học ban đầu khá đông nhưng do thời gian học nhiều ngày nên một số phải bỏ học giữa chừng vì bận công việc. Người học nghề chưa nhận thức hết việc học nghề là cho bản thân mình nên một số học viên đòi hỏi chế độ đi học như với các lớp tập huấn ngắn ngày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem