“Chính sách sai phải sửa ngay”

Thứ ba, ngày 25/12/2012 06:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã khẳng định: “Nếu quy định, chính sách được dân ủng hộ thì Chính phủ mới làm tiếp. Còn nếu sai thì phải dừng lại và sửa chữa”.
Bình luận 0

Sáng 24.12, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã có buổi giải trình trước Uỷ ban Pháp luật và các ĐBQH về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

img
Chính sách hạn chế nhập cư đã gây khó khăn cho người dân. Ảnh chụp tại một nhà trọ ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội.

“Mong theo sát việc ban hành văn bản”

Với các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) ban hành chậm, chưa sát thực tiễn hay càng triển khai càng dễ gây bức xúc, nhiều thông tư còn “cài” cả biện pháp thi hành, Bộ trưởng Vũ Đức Đam thừa nhận có nguyên nhân khách quan và chủ quan từ phía Chính phủ, các bộ, ngành.

“Tình hình xã hội hiện nay biến chuyển nhanh nên trong quá trình đợi luật ra đời thì có nhiều vấn đề nảy sinh. Mặc dù có phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhưng đó đây vẫn còn tình trạng cơ quan xây dựng luật đứng trên góc độ thuận lợi cho mình nên khi đưa ra Quốc hội phải thay đổi nhiều. Từ đó dẫn đến việc trù liệu xây dựng luật phải làm lại từ đầu, gây ra chậm trễ”- ông Đam giải thích và đề xuất, Chính phủ, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quốc hội cùng phải cải tiến cách ban hành pháp luật, phối hợp với nhau ngay từ khi bắt đầu xây dựng văn bản.

Trước những ý kiến trái chiều của dư luận về các quy định ghi tên cha, mẹ vào CMTND (Thông tư 27/2012/TT-BCA và NĐ 170/2007/NĐ-CP), quy định xử phạt đối với hành vi mua bán xe mà không sang tên đổi chủ (NĐ 71/2012/NĐ-CP), hay quy định về thu phí đường bộ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng dừng triển khai hoặc thực hiện thí điểm để lắng nghe ý kiến phản hồi của nhân dân, chuyên gia... “Nếu chính sách, quy định được nhân dân ủng hộ hoặc thực hiện thí điểm thấy đúng thì làm tiếp, nếu sai thì dừng lại và xem xét chỉnh sửa ngay. Chính phủ luôn mong muốn nhân dân theo sát việc ban hành văn bản” - Bộ trưởng Đam cho biết.

ĐBQH Nguyễn Hữu Hùng - Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Quốc phòng, An ninh cho rằng sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong soạn thảo VBQPPL chưa tốt, nhiều vấn đề xử lý để thống nhất ý kiến còn rất chậm, kể cả khi cơ quan soạn thảo không tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và cũng không giải trình rõ ràng. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng việc phối hợp giữa các bộ, ngành là một hạn chế tương đối phổ biến không chỉ trong công tác xây dựng pháp luật mà kể cả trong điều hành nói chung. Và ông đưa ra giải pháp: Thứ nhất là phải công khai, minh bạch việc xây dựng VBQPPL nói riêng cũng như việc điều hành của Chính phủ nói chung… Công khai thì sẽ biết rõ ai làm tròn trách nhiệm, ai không. Thứ hai, người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm trong chỉ đạo, đôn đốc việc xây dựng VBQPPL.

Tăng cường làm luật nhỏ

Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, để hạn chế tình trạng luật, pháp lệnh nào ra đời cũng phải có quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện, cần hướng tới việc thông qua xét xử giám đốc thẩm của Toà án Nhân dân Tối cao để ban hành án lệ, có giá trị bắt buộc đối với các toà án các cấp khác, trừ khi cơ quan thẩm quyền có quy định khác với án lệ.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, lúc đó sẽ ít phải ban hành văn bản hướng dẫn luật. Cũng theo Bộ trưởng Cường, cả nước đang chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, trong đó có sửa đổi một số luật về tổ chức các cơ quan Nhà nước và đây sẽ là dịp thuận lợi để thực hiện việc xét xử theo án lệ. Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, Chính phủ cần chuẩn bị sửa đổi Luật ban hành các VBQPPL để thay đổi quy trình, cách thức làm luật. “Không cần phải ban hành các luật, bộ luật có phạm vi rộng, mà làm những luật nhỏ, chỉ dài một, hai trang giấy dễ hiểu và thực hiện được ngay, không cần hướng dẫn nữa”- Phó Chủ tịch Quốc hội đề xuất.

Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Thị Quốc Khánh về việc NHNN ban hành QĐ 1623 về quản lý vàng có bảo đảm tính hợp pháp, hợp hiến và tại sao việc ban hành QĐ này lại không theo đúng trình tự, không lấy ý kiến nhân dân, Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình lý giải: QĐ 1623 được ban hành nhằm điều chỉnh riêng hoạt động quản lý vàng của riêng NHNN nên không phải là VBQPPL. Do đó, nó đảm bảo hợp pháp, hợp hiến. Đánh giá về mức độ thiệt hại với người dân khi NHNN ban hành QĐ này, ông Phó Thống đốc khẳng định không có thiệt hại vì NHNN không bắt buộc người dân chuyển từ vàng phi SJC sang SJC, còn nếu muốn chuyển thì mức phí chỉ 50.000đ/ lượng vàng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem