Chuyện bây giờ mới tiết lộ về ngôi làng cổ giữa lòng Hà Nội

Nguyễn Tùng Thứ sáu, ngày 25/11/2022 09:41 AM (GMT+7)
Nằm ở phía Tây Thủ đô Hà Nội, làng Trích Sài luôn nổi danh là một làng cổ với truyền thống văn hoá lâu đời.
Bình luận 0

Video về làng cổ Trích Sài. Thực hiện: Nguyễn Tùng 

Làng cổ Trích Sài (quận Tây Hồ, TP.Hà Nội) là một trong sáu làng cổ thuộc vùng Kẻ Bưởi, mang trong mình những ký ức quý báu về một thời hoàng kim của kinh thành Thăng Long xưa.

Không chỉ nổi tiếng với nghề dệt vải lĩnh được vua chúa yêu thích, làng còn mang trong mình nhiều di tích có giá trị lịch sử quý giá.

Làng cổ trăm năm tuổi

Cũng như nhiều làng của vùng Kẻ Bưởi, Trích Sài nằm trên vùng bãi bồi ven sông Thiên Phù và Tô Lịch. Nhờ địa thế được phù sa bồi đắp màu mỡ, bề dày văn hoá lịch sử của nơi đây đã có cơ hội tích lũy qua hàng trăm năm, trở nên phong phú đến lạ thường.

Không rõ thời điểm xuất hiện của làng Trích Sài nhưng nhiều tài liệu cho thấy nơi đây đã tồn tại từ thời nhà Hậu Lê (1428-1527), đến nay đã khoảng gần 600 trăm năm tuổi.

Chuyện bây giờ mới tiết lộ về ngôi làng cổ giữa lòng Thủ đô Hà Nội - Ảnh 1.

Làng Trích Sài nằm ở vị trí đắc địa bên cạnh hồ Tây đầy thơ mộng. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Đối với truyền thống lịch sử làng, người dân Trích Sài luôn tự hào và trân trọng. Cụ Nguyễn Thị Tảo, 90 tuổi, người dân làng chia sẻ: "Cái tên của làng vốn bắt nguồn từ công việc của người dân xa xưa. ‘Trích Sài’ có nghĩa là ‘đốn củi’. Trước đây khu vực xung quanh hồ Tây phần lớn rừng lim, người dân ai cũng làm tiều phu, săn bắn kiếm ăn nên lâu dần họ để thành tên làng". 

Khi nhắc đến Trích Sài, không thể không nhắc đến nghề dệt lĩnh nổi danh cả nước và được dân gian đời đời tán dương "Lĩnh Bưởi, chồi Phùng/Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên".

Tổ nghề lĩnh chính là Bà chúa Phạm Thị Ngọc Đô, một cô gái người Chàm xinh đẹp với tài canh cửi. Thời Hậu Lê, bà được vua ưu ái cho xây dựng cung điện ở làng Trích Sài và đã cùng những nữ tỳ của mình truyền dạy nghề dệt lĩnh cho người dân nơi đây.

Đáng tiếc rằng, tới những năm 1945, khi nạn đói xảy ra triền miên, vải lụa không còn giá trị bằng cơm gạo nên người dân Trích Sài bất đắc dĩ phải đổi nghề, dệt lĩnh từ đó cũng mai một dần.

Chuyện bây giờ mới tiết lộ về ngôi làng cổ giữa lòng Thủ đô Hà Nội - Ảnh 2.

Một góc cổ kính làng Trích Sài. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Dừng chân nơi làng cổ giữa Hà Nội đông đúc, trong lòng những du khách ghé thăm đều nhận thấy một cảm giác bình yên lạ thường. Dường như, dưới những lớp sơn hiện đại, vẫn còn đâu đó hơi thở dân dã của một chốn xưa trăm năm ẩn dưới bóng cây già, những ngôi nhà rêu phong và nơi mái đình cổ kính.

Kho tàng di tích lịch sử

Ít ai biết rằng, làng Trích Sài chính là nơi có đủ các loại hình di tích lịch sử từ đình, chùa, am, miếu, đền, văn chỉ. Đây là những dấu ấn đặc trưng của một vùng đất nằm trong lòng của kinh thành Thăng Long giàu có và phồn vinh.

Đặc biệt nhất phải nói đến di tích đình làng Trích Sài, được xây dựng năm Nhâm Tý (1612) dưới thời vua Lê Kính Tông. Nơi đây thờ thái úy Mục Thận, người có công cứu vua Lý Nhân Tông thoát khỏi âm mưu hãm hại của Thái sư Lê Văn Thịnh trong một lần nhà vua đi du ngoạn hồ Tây.

Đình mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn, được xây theo kiểu đầu hồi bít đốc bao gồm hệ thống cồng tam quan, nhà tả, hữu mạc, tiền tế, hậu cung và hai dãy hành lang.

Đối với người dân nơi đây, đình không chỉ có giá trị với nền văn hoá kiến trúc nghệ thuật của nước nhà mà còn là địa điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, thể hiện lòng biết ơn đối với vị thái uý có công cứu vua, giúp nước.

Chuyện bây giờ mới tiết lộ về ngôi làng cổ giữa lòng Thủ đô Hà Nội - Ảnh 3.

Đình Trích Sài mới được tu bổ khang trang nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc văn hoá Thăng Long xưa. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Trải qua hơn 400 năm thăng trầm của lịch sử, nếu không nhờ nỗ lực bảo tồn của người dân Trích Sài, đình Trích Sài sẽ không thể vẹn nguyên vững như hiện tại.

Ông Trần Duy Cường, 83 tuổi, cựu Trưởng ban quản lý di tích làng Trích Sài cho biết: "Khoảng năm 1951, Thực dân Pháp đốt đình vì sợ đây là nơi cất giấu lãnh đạo kháng chiến. Đến năm 1994, nhân dân đã đóng góp để xây dựng lại đình, tôn tạo lại đông cung. Năm 2002, tiếp tục xây dựng lại nhà tiền tế năm gian; lần đại tu sửa cuối cùng là vào năm 2006, xây dựng lại hai dãy nhà tả mạc".

Cách khoảng gần chục mét về phía bên trái đình là di tích đền am Gia Hội thờ ba vị công chúa của Vua Lý Nam Đế là Vạn Phúc, Vạn Lộc và Vạn Thọ phu nhân. Người dân sống tại làng chia sẻ, họ chính là những người có công giúp dân trong vùng về nhiều mặt trong đời sống. Ngoài ra, trong khu vực làng Trích Sài còn có miếu Phan Thị Ngọc Đô thờ bà Chúa mang nghề dệt cho làng Trích Sài, đền thờ Tam Thánh người Hoa và chùa Thiên Niên cổ kính, uy nghiêm.

"Hiện tại di tích của làng gồm đình, văn chỉ, am được công nhận là cụm di tích cấp thành phố. Riêng chùa Thiên Niên được công nhận di tích văn hoá cấp quốc gia từ năm 1992", ông Cường chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem