Cây rau má có thân nhẵn, dạng dây leo, có rễ ở các mấu cuống lá. Lá có cuống dài mọc ra từ gốc hoặc từ các mấu. Lá hơi tròn, có mép khía hình lượn như vành mũ tai bèo.
Rau má mọc hoang trong vườn (ảnh tác giả)
Những buổi trưa hè, người ta ra vườn nhổ những bụi rau má về để nấu canh hoặc đâm nước uống cho mát.
Muốn nấu canh thì chỉ dùng lá, bỏ phần cọng dai, rửa sạch, để ráo. Mớ tép trấu xúc được ngoài ao, đìa đem về lựa sạch rồi bằm nhuyễn. Ướp với tiêu, nước mắm, bột ngọt. Xong bắc nồi nước lên, cho tép vào khuấy đều, rồi trút rau má vô, nêm lại cho vừa ăn, sau đó nhắc xuống.
Bên nồi cơm gạo lúa mùa, chan canh rau má húp một cách ngon lành. Mồ hôi mệt mỏi vã ra, bữa cơm chiều đem lại cho người dân quê sự khoan khoái thanh thản biết bao nhiêu.
Rau má còn được dùng để đâm nát, uống với nước dừa tươi. Rau má để nguyên cả cọng lẫn lá rửa sạch rồi cho vô cối dùng chày cây đâm cho thật nhuyễn. Có người vắt lấy nước, lược bỏ cái, cũng có người để cả xác lá, theo họ vậy mới mát!
Ly nước rau má (ảnh tác giả)
Chặt trái dừa tươi trút nước vào ly, cho rau mát đã đâm nát vào khuấy đều. Trẻ con không chịu được đắng thì thêm chút đường, nước sẽ dịu lại.
Rau má đem lại sự mát lành cho cơ thể. Theo kinh nghiệm dân gian rau má còn có tác dụng sát trùng giải độc.
Dân gian ở miền Tây Nam bộ còn kể cho nhau nghe truyền thuyết bên Srilanka có một vị vua nổi tiếng vào thế kỷ thứ X tên là Aruna cũng nhờ vào rau má mà có đủ sinh lực để sống với những 50 phi tần của ông! Huyền thoại này có lẽ đã bắt nguồn từ giá trị dưỡng âm, chống lão hoá và làm tăng cường hệ miễn dịch của những hoạt chất có trong rau má, tốt cho sức khoẻ con người.
Hiện nay, rau má có mặt trong các nhà hàng giải khát với món nước rau má, sinh tố rau má,…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.