Khai giảng không tiếng trống

Đức Hạnh Chủ nhật, ngày 05/09/2021 08:11 AM (GMT+7)
Một lễ khai giảng đáng lý ra sẽ rực rỡ cờ hoa, rộn ràng tiếng trống trường thì lần đầu tiên chưa có trong tiền lệ ở TP.HCM và một số địa phương đang trong tâm dịch Covid-19: Khai giảng trực tuyến.
Bình luận 0

Chính xác hơn, các em học sinh sẽ không được nghe tiếng trống trường ấm áp, giục giã quen thuộc  theo cách trực tiếp, mà phải nghe qua tivi, máy tính. Hàng tháng, hàng tuần giãn cách xã hội, giam mình trong phòng cùng với tivi, hy vọng học sinh sẽ có ngày tựu trường đáng nhớ. Nhưng với học trò TP.HCM và nhiều tỉnh thành phía nam hay ngay Hà Nội, ngày khai trường kỷ niệm cũng không có. Giãn cách nối giãn cách, tình hình dich bệnh tại TP.HCM vẫn luôn ở trong trạng thái "diễn biến hết sức phức tạp". Cuộc sống của cả xã hội bị đảo lộn, năm học mới này sẽ bắt đầu ngay từ 6/9 bằng hình thức trực tuyến, từng trường không tổ chức lễ khai giảng dưới bất cứ hình thức nào.

 Là giáo viên dạy ngữ văn ở TP.HCM, thầy Ngọc Bảo chia sẻ, ngày khai giảng đầu đời đã trôi qua gần 30 năm mà thầy vẫn nhớ từng chi tiết. Đúng cái cảm xúc mà nhà văn Thanh Tịnh diễn tả trong truyện ngắn "Tôi đi học": "Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và đẹp…".  

Đó là thứ cảm xúc gần như đứa trẻ nào bước vào cấp tiểu học đều mang trong lòng, những bỡ ngỡ xen lẫn háo hức đầu đời. Với các em, đoạn đường đến trường hay phương tiện đi lại có thể thay đổi, nhưng hình ảnh lần đầu tiên ngồi nép sau lưng mẹ trong buổi đầu tiên đi học thì vẫn thế. Cảm xúc đẹp đẽ đó, năm nay sẽ không có trong ký ức của các em nhỏ lần đầu bước chân vào lớp 1, mà thay vào đó là ký ức về một năm học trực tuyến từ những nét chữ đầu đời, có một không hai trong lịch sử.

Dịch Covid-19 không chỉ làm mất đi những kỷ niệm học trò mà đau xót hơn, đã có không ít trẻ trở thành mồ côi chỉ trong sớm chiều. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố ngậm ngùi kể câu chuyện về bé Kem (9 tuổi, ngụ tại quận 8) được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến số 4 do Bệnh viện Nhi đồng Thành phố quản lý đã khóc nức nở từ trên xe cứu thương cho đến lúc bước vào căn phòng cũ kỹ của khu tái định cư vừa được trưng dụng tạm để làm phòng bệnh. Cậu bé ngây thơ đang gánh chịu nỗi đau quá lớn bởi chỉ một ngày trước đó, cả gia đình cậu được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Tình trạng bệnh diễn tiến nhanh khiến mẹ của Kem là một giáo viên vốn khỏe mạnh đã bị quật ngã. Chị trút hơi thở cuối cùng tại cổng bệnh viện địa phương.

Chị Trần Thu Hà, Phó bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP.HCM cũng chia sẻ về bé P. (8 tuổi) chỉ trong một lúc đã mất mẹ. Mẹ P. đang mang thai em bé 8 tháng thì phát hiện dương tính SARS-CoV-2. Sức khỏe mẹ P. xấu đi nhanh chóng, các bác sĩ chỉ định mổ lấy em bé. Sau ca mổ, mẹ P. qua đời, em nhỏ sinh non phải nằm lồng kính. Ba P. làm thợ hồ, thất nghiệp, xét nghiệm dương tính đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 3. Còn P. cách ly tại nhà cùng với ông bà nội.

Khai giảng không tiếng trống - Ảnh 2.

Học sinh nhiều tỉnh thành khai giảng và học trực tuyến chưa biết đến bao giờ. Ảnh: B.D.

Những câu chuyện như vậy rất nhiều ở các tỉnh thành phía nam nơi vẫn đang vật lộn với dịch. Riêng TP.HCM bước vào năm học mới với gần 1.000 cơ sở trường học vẫn đang là bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, điểm tiêm chủng vaccine Covid-19, 6.600 học sinh là F0, hàng trăm giáo viên là đang là F0, F1, trong các khu cách ly, phong tỏa thì không chỉ có lễ khai giảng mà ngay cả việc dạy và học trực tuyến cũng trở thành một khó khăn không nhỏ.

Nhưng không vì khó mà bỏ qua. Sở Giáo dục, các ban ngành đã và đang cố gắng hết sức, bằng mọi giá để học sinh không bị "đứt gãy" chuyện học giữa đường. Thành đoàn, Hội đồng Đội TP cho biết, việc chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, gia đình hay chính bản thân các em bị ảnh hưởng Covid-19 là công việc trọng tâm, kết nối các nguồn lực xã hội để chăm lo về mặt vật chất và động viên về mặt tinh thần thông qua thư động viên của các bạn thiếu nhi để gửi đến bệnh nhi đang điều trị Covid-19 trong các bệnh viện, các em thiếu nhi trong khu cách ly, phong tỏa.  

Khi tình hình dịch bệnh tại TP trở nên phức tạp hơn, thời gian giãn cách xã hội kéo dài, gia đình nhiều em bị ảnh hưởng do ba mẹ thất nghiệp..., bản thân các em hoặc người thân không may nhiễm Covid-19, có em đã mất đi người thân, thậm chí có trường hợp ba mẹ đều qua đời vì Covid-19, gia đình vốn thiếu trước hụt sau nay càng nặng nề hơn, Hội đồng Đội TP kịp thời hỗ trợ trước mắt mỗi em 2 triệu đồng.

Về lâu dài, Thành đoàn, Hội đồng Đội TP sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ sở Đoàn - Đội thường xuyên nắm tình hình, hoàn cảnh gia đình các em để có hình thức giúp đỡ căn cơ, nhất là việc kết nối để bảo trợ học tập cho các em.

Đã có 3.000 suất quà trao gửi đến các em thiếu nhi thành phố bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, hơn 1.700 phần quà cũng được Thành đoàn phối hợp với các đoàn thể, đơn vị khác tặng những bạn nhỏ khó khăn, con công nhân ở các khu lưu trú... Mất mát, thiệt thòi của của các em và gia đình quá lớn, nhưng các em sẽ cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương của mọi người để bước vào một năm học mới. 

Ở đâu cũng vậy, các tỉnh thành, địa phương đều chia sẻ với nỗi đau của những gia đình giáo viên, học sinh mất người thân vì Covid-19. Giữa những bộn bề, các nhà trường, thầy cô đều đã nắm được những gia đình học sinh khó khăn, mất mát. Các thầy cô sẽ quan tâm nhiều hơn để hỗ trợ, cùng người thân chăm lo cho các em, giúp các em vượt qua nỗi đau, hòa nhập lại, tiếp tục quay lại trường cùng thầy, cùng bạn.

Ngành giáo dục bước vào một năm mới đầy xáo trộn. Nhưng dịch bệnh không thể tước đi của các em học sinh quyền được học, bởi tương lai vẫn ở phía trước, hy vọng vẫn ở phía trước. Dịch bệnh khó lường, không cần để các em phải chờ thêm, ngành giáo dục và cả xã hội đã vượt qua khó khăn, dành những gì tốt nhất cho các em, mà một ví dụ là khai giảng đúng hạn. Có những xót xa, buồn thương, nhưng đây cũng là cơ hội để vượt lên thử thách, thích nghi với bình thường mới. 

Như Quỹ Nhi đồng LHQ UNICEF đã nói về việc học trong đại dịch Covid-19: Trường học phải là nơi đóng cửa cuối cùng và là nơi đầu tiên được mở cửa lại.

Năm nay là một khai giảng không có tiếng trống, không cờ hoa. Nhưng vẫn thấm đẫm tình người. Và đầy bản lĩnh.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem