Đừng chần chừ đón dân về quê

Lương Duy Cường Thứ năm, ngày 07/10/2021 07:59 AM (GMT+7)
Có bao nhiêu người đã chấp nhận cuốc bộ trên đoạn đường hàng trăm đến cả ngàn km, hoặc chất cả gia đình là vợ con, nồi chậu, thậm chí cả chó mèo… lên xe gắn máy đi xuyên đêm, dầm mưa đội nắng để về các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) hoặc hưuớng ra miền Bắc, miền Trung, lên Tây Nguyên...
Bình luận 0

Liên tục những ngày đầu tháng 10, ngay sau khi TPHCM và tỉnh Bình Dương nới lỏng giãn cách, dòng người lũ lượt kéo nhau về quê đông đến mức khó tưởng, dù hồi đầu tháng 8 cũng đã diễn ra một đợt như vậy.

Theo Công an TP HCM, trong ngày 1/10, chỉ riêng cửa ngõ Bình Chánh (hướng TPHCM đi ĐBSCL) đã có khoảng 10.000 lượt người đi qua; ngày 2 và 3-10 có thêm 24.000 lượt người về các tỉnh ĐBSCL và 18.000 người về các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai…

Dòng người kéo nhau rời TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ là ai? Vẫn như hồi đã lũ lượt kéo nhau về quê hồi tháng 8, là lao động tự do và công nhân lao động trong các nhà máy, chủ yếu là các khu công nghiệp. Hầu như chưa thấy trong số này có ai là công nhân viên chức nói chung trong bộ máy nhà nước đang hưởng lương. Bởi thế, dòng người về quê đang để lại hệ lụy là các doanh nghiệp sẽ thiếu lao động để phục hồi sản xuất sau thời gian dài oằn mình chấp nhận án binh bất động chờ "siêu bão Covid-19" đi qua. 

Sản xuất chậm phục hồi thì các địa phương lại phải nặng gánh lo toan cho nguồn thu ngân sách, cho hệ lụy của thất nghiệp, cho những phức tạp về trật tự xã hội. Nhưng đó là nỗi lo của chính quyền. Người lao động có nỗi lo riêng của họ, mà đấy chính là động lực để họ phải bồng bế nhau vượt đường trường về quê, không cần chờ đợi những phương án đưa đón có tổ chức, an toàn hơn mà các địa phương hứa hẹn sẽ kết hợp TPHCM triển khai, bất chấp cả lệnh tăng cường kiểm soát chốt chặn dòng người về quê tự phát, bất chấp mọi khó khăn rủi ro có thể đến.  

Có người đổ lỗi cho dòng người về quê là do đổ vỡ niềm tin vào sự chăm lo của chính quyền các địa phương phía Nam. Nói thế là không xác đáng. Ai từng sống trong những tháng cao điểm vừa qua ở Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM… sẽ thấy những nỗ lực của hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền của các địa phương. Cán bộ, chiến sĩ từ cấp tỉnh, thành phố cho đến phường xã, nhiều người hàng tháng trời không bước chân về nhà để thay vào đó là bám trụ ở các chốt trực và điểm nóng chống dịch; thậm chí cả rất đông tình nguyện viên dù không hưởng đồng lương nào vẫn xả thân phục vụ đồng bào, hỗ trợ từ việc hướng dẫn lưu thông, đi chợ giúp, mang vác hàng quà cứu trợ. Rất nhiều người trong lực lượng phòng chống dịch đã vì đại cuộc mà nhiễm bệnh, mà hy sinh.

Đừng chần chừ đón dân về quê - Ảnh 2.

Hàng trăm người dân chờ đêm qua để di chuyển qua hầm Hải Vân ra Bắc. Ảnh: Diệu Bình.

Đừng chần chừ đón dân về quê - Ảnh 3.

Trước khi di chuyển vào hầm, các xe không được mang theo bình xăng dự trữ, mỗi xe sẽ được đổ xăng đầy bình miễn phí tại nơi chờ qua hầm. Ảnh: Diệu Bình.

Cho đến thời điểm này thì không chỉ các chương trình thiện nguyện tự phát của các cá nhân, tổ chức và các ngành, các tỉnh gửi về, mà rất nhiều gói hỗ trợ từ trung ương, địa phương đã được nỗ lực triển khai mà lao động tự do và lao động nghèo trong các khu công nghiệp, khu chế xuất luôn là đối tượng ưu tiên hàng đầu. Các chương tình tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 có nơi như ở TPHCM đã tiến đến bước tiêm không phân biệt người có thường trú hay không. Đó là những mặt tích cực không thể phủ nhận.

Nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh quá căng thẳng, tỉ lệ nhiễm và tử vong vì dịch tăng ào ạt, liên tục phá vỡ các kịch bản dự kiến, trong khi chúng ta thiếu kinh nghiệm để đối phó, thì hẳn mọi cái đều không thể chu toàn, từ việc cứu chữa, điều trị bệnh cho tới các vấn đề về an sinh. 

Có hay không trường hợp trục lợi trong việc tiêm phòng, trong phân phát các gói hỗ trợ… dẫn đến gây bức xúc cho người dân? Có, nhưng là những trường hợp cá biệt và khi phát hiện đều được xử lý nghiêm minh. Có hay không việc người dân khó khăn nhưng kêu cứu thì không có hồi âm? Có, nhưng vẫn là trường hợp cá biệt, chính quyền các địa phương đều đã nỗ lực khắc phục và tạo thêm nhiều kênh tiếp nhận thông tin để hỗ trợ người dân khi cần. Có hay không người dân bị bỏ rơi? Có ở một số chỗ trong giai đoạn mạng lưới dịch vụ đứt gãy, nhưng cũng dần được khắc phục.

Cho nên, dù chính quyền các địa phương vẫn còn nhiều việc chưa trọn vẹn với dân, nhưng nếu chỉ nhìn vào những khó khăn đột xuất trong bối cảnh cấp bách của chống dịch và trút lỗi lên chính quyền đã để dân mất lòng tin mà bỏ về quê thì sẽ không thỏa đáng. Vậy dân lũ lượt kéo nhau về quê vì cái gì? Thì là vì họ cần một nơi có thể giải tỏa được những căng thẳng, bức bí phải trải qua trong suốt thời gian dài cầm cự để hợp tác với chính quyền chống dịch.

Sống trong vùng dịch, khi mà số ca nhiễm và số ca tử vong không ngừng tăng lên, khi mọi biện pháp giãn cách, cách ly bất đắc dĩ phải áp dụng, mà áp dụng dài ngày thì ngay chính dân của các địa phương có nơi chốn ổn định cũng rơi vào căng thẳng, bất an, hoảng loạn. Dân ngụ cư sống trong những khu nhà trọ chật chội hẳn phải vất vả hơn nhiều lần dân địa phương. 

 Cho nên, khi đã nhiều tháng không việc làm, nay dù nới lỏng giãn cách… thì tâm lý nhiều người vẫn chưa đủ để yên tâm, chưa đủ để thoát hẳn cơn "sốc nặng" về tinh thần. Mà chưa đủ để yên tâm là có lý, vì như TPHCM mỗi ngày vẫn đang có hơn cả ngàn ca nhiễm mới, số tử vong như hôm 5-10 vẫn ở con số 104 ca; Bình Dương tuy số ca tử vong thấp hơn TPHCM nhưng số ca nhiễm thì cũng một chín một mười… Vậy thì chi bằng là tạm lánh để vợ chồng con cái bảo trọng, chờ dịch giã qua đi, chắc ăn thì lại tìm công việc mới. Cái khác nhau trong tính toán của chính quyền với dân là ở chỗ này.

Cho nên, nếu hiểu rõ thực tế thì sẽ thấy không có gì là ngạc nhiên khi dòng người lao động kéo nhau về quê, không cần chờ đến khi có chính quyền các địa phương hỗ trợ. Chính quyền các địa phương cần hiểu được nguyện vọng của người dân để chia sẻ. Cũng có địa phương như Phú Yên tuy nghèo nhưng suốt mấy tháng qua vẫn bền bỉ đón dân về quê rất nhiều chuyến, rất được dân hoan nghênh, chính quyền và dân đều vui vẻ. Nhưng không có nhiều địa phương làm được như Phú Yên, thậm chí là sợ trách nhiệm, sợ con em mang dịch về quê, sợ gánh nặng cho y tế địa phương…

Đến khi dân tự kéo nhau ra đường dầm mưa dãi nắng để về quê mới họp bàn, mới nói đến những chuyến xe, những chuyến tàu hay chương trình hỗ trợ đưa dân về quê thì có khi đã là muộn. Đấy không phải là lỗi do dân tự phát như nhiều người nói, mà là lỗi do chính quyền kém nhạy bén đấy chứ. Kém nhạy bén vì đã từng có bài học từ hồi tháng 8 kia mà?


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem