Để minh bạch khi giám sát tiền dân đóng góp

Vũ Lân Thứ sáu, ngày 24/09/2021 13:17 PM (GMT+7)
Tới đây Quốc hội sẽ giám sát tối cao chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021" thì hãy xem xét kỹ việc các cơ quan, tổ chức nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội tiêu tiền của dân và doanh nghiệp đóng góp như thế nào.
Bình luận 0

Công tác giám sát của cơ quan quyền lực cao nhất của dân, mặc dù đã có nhiều cải thiện, song vẫn còn không ít bất cập. Liên quan đến việc giám sát, tại phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 18/8/2021, sau khi nghe Ban Dân nguyện Quốc hội báo cáo về tình hình khiếu kiện của dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: "Phải xác định từng vụ việc bức xúc, nổi cộm để làm đến nơi đến chốn, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, hẳn là tình hình sẽ chuyển động chứ không dừng ở việc "xuân thu nhị kỳ", các cơ quan Quốc hội cứ chờ Chính phủ gửi báo cáo giải quyết khiếu nại, tố cáo sang, tổng hợp, báo cáo lại rồi gọi là… giám sát".

Công bằng mà nói, trong những năm qua, công tác giám sát của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, tiếp cận với những vấn đề bức xúc của người dân và cuộc sống đặt ra. "Giám sát trên báo cáo" là quan trọng và cần thiết, tuy nhiên, tình trạng vẫn còn phổ biến là  dựa vào việc xem xét báo cáo của các cơ quan bị giám sát, thường đi vào định tính chứ chưa định lượng cụ thể, rõ ràng, chi ly chi tiết, cụ thể, thậm chí phải đến tận nơi, không thể tin hết vào báo cáo.

Để minh bạch khi giám sát tiền dân đóng góp - Ảnh 1.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2022 với 4 chuyên đề, trong đó có giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Ảnh: TTXVN.

Quốc hội đang chuẩn bị hai đoàn giám sát tối cao, trong đó có chuyên đề thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Đây là lĩnh vực mà dân có nhiều bức xúc, nó hiển hiện ngay ở nhiều địa phương, nhiều cấp nhiều ngành, phơi bày rõ ràng trên báo chí.

Có lần TS, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh so sánh một cách hình ảnh: Đại diện các cơ quan quốc tế cho Việt Nam vay tiền thì đi máy bay hạng phổ thông, tiết kiệm. Còn người đi vay tiền thì ngồi ghế hạng thương gia. Bộ Tài chính Việt Nam quy định cấp Thứ trưởng trở lên được đi máy bay hạng thương gia, bất kể chặng bay dài hay ngắn. 

Ông kể chuyện ông có mặt trên một  chuyến bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, thứ trưởng của chúng ta thì ngồi hạng thương gia, còn giám đốc Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các cơ quan của Liên Hợp Quốc thì lại đi hạng phổ thông hết cả. 

Có một quy định của Liên Hợp Quốc nói rằng, nhân viên khi đi công tác phải mua vé qua đại lý, và đại lý có trách nhiệm cung cấp vé tiết kiệm nhất vào thời điểm bay. 

Nhiều nước quy định, đi máy bay từ 5- 8 tiếng đồng hồ trở lên mới được đi hạng thương gia, bởi trong thời gian đó có thể ngủ để sáng hôm sau đến nơi có thể làm việc được, còn đi từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh thì không cần đi hạng thương gia.

Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, việc công khai ngân sách của Bộ Tài chính Việt Nam đã có tiến bộ trong những năm qua, song vẫn chỉ có các khoản tổng thu, tổng chi, chi thường xuyên, chi đầu tư, chi trả nợ...là những hạng mục cơ bản. Còn ai chi những khoản gì, cụ thể thế nào thì vẫn chẳng ai hay biết. Thế thì đại biểu Quốc hội, người dân làm sao mà giám sát được? Bởi vì rất nhiều người dân cũng chẳng được giải thích đầy đủ chi thường xuyên là cái gì, thì chúng ta không nên chê trách người dân vội.

Ông cho biết, Báo cáo công bố về quyết toán ngân sách, chi tiêu ngân sách của các Bộ Tài chính Pháp, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều khoảng từ hơn 1.900 trang đến khoảng 2.000 trang. Trong khi báo cáo của Bộ Tài chính ta chắc chỉ khoảng vài chục trang.

Nhiều quan chức chính phủ nước ngoài khi tiếp khách, mời cơm, ăn tiệc đều có quy định rất cụ thể. Có những nước có thu nhập cao hàng đầu thế giới, ấy vậy mà họ quy định rất cụ thể đến từng bữa tiệc của Chính phủ mà ngân sách được chi và chi bao nhiêu; Thủ tướng đi máy bay dân dụng đến họp ở nước ngoài, ở khách sạn nào, bao nhiêu tiền, mời cơm ông  đạo nước nào, gồm mấy món, hết bao nhiêu tiền… tất cả đều công khai để người dân, báo chí giám sát. 

Còn ở ta, ngay từ cấp xã ở nhiều nơi, các cán bộ lãnh đạo cứ tiếp khách "vô tư" và thường thì "cắm quán ruột". Khi bị thụt két, họ không còn cách nào khác là làm công văn xin cấp trên "bổ sung ngân sách".

Một ví dụ cụ thể, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai cho biết, qua kiểm tra chứng từ, sổ sách năm 2015 đã phát hiện Văn phòng HĐND tỉnh dùng 3,2 tỉ đồng ngân sách chi tiếp khách, ăn uống trái quy định, với nhiều hóa đơn, chứng từ khống. Đặc biệt, liên tục trong 4 ngày (2,3,4,5/8/2015) có 7 cuộc tiếp khách với số tiền hơn 48 triệu đồng. Thậm chí chỉ trong ngày 3-12-2015, Văn phòng tiếp khách từ Bình Định, Bình Phước, Long An và Cà Mau với bốn phiếu chi hơn 35 triệu đồng.

Một hiện tượng khá phổ biến, được nói ra hoặc bị giấu khiến cho đại biểu của dân khó có thể "có gan" giám sát khi sinh mệnh chính trị của họ phụ thuộc vào "cấp trên".  Điều này trả lời một phần câu hỏi: Tại sao nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý ít chất vấn trên diễn đàn Quốc hội.

Có lần, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, kể lại tại buổi thảo luận tổ về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội sáng 29/10/2019: "Tôi đã từng chứng kiến, khóa trước, một đại biểu địa phương chất vấn Bộ trưởng Công thương mà ngay lập tức, trưa đó, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh đó gọi điện nói đại biểu gay gắt, phê bình "cháy mặt". Mà chuyện đó không phải hiếm. Đại biểu rơi vào trường hợp đó đương nhiên rất ấm ức. Những chuyện "kém thế" như vậy đã làm giảm hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội". 

Ở đây cho thấy hình như vị Bí thư kia không (hoặc chưa) hiểu rõ chức vị của mình và của vị đại biểu nọ. Mỗi đại biểu Quốc hội là do cử tri bầu trực tiếp. Họ là đại diện của cử tri nên việc phê bình "gay gắt", "cháy mặt" có thể được coi như hành động coi thường cử tri, một điều tối kị, không được phép.

Cũng tại phiên họp này, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, TP Hồ Chí Minh còn cho biết: "Giờ muốn phát biểu về bộ, ngành nào đó cũng cân nhắc lắm chứ, thậm chí có địa phương lãnh đạo còn chỉ đạo "việc gì nên nói, việc gì không nên nói"! Tình trạng đại biểu của dân nhưng lại "sợ" lãnh đạo hơn là "sợ" dân là không phải là ít, khó có ai thống kê được hiện tượng này.

Chất vấn và trả lời chất vấn, giải quyết kiến nghị của cử tri là một khâu rất quan trọng trong quá trình giám sát của Quốc hội. Thời gian qua Quốc hội đã có nhiều cải tiến, đổi mới trong chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu cử tri. Tuy nhiên, nhiều khi vẫn còn hiện tượng trả lời chất vấn theo kiểu "thuộc bài" và "trả lời cho êm", thậm chí theo kiểu "dân xin nước, cán bộ cho lửa", chất vấn một đằng trả lời một nẻo.

Còn rất nhiều những câu chuyện làm hạn chế, cản trở công tác giám sát của đại biểu của dân. Do vậy, đồng thời với việc "giám sát trên báo cáo", cần khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập hiện nay. Không ngừng cải tiến, đổi mới cách thức hoạt động giám sát của Quốc hội, tập trung giám sát những vấn đề bức xúc của cuộc sống – đó mới là cách để hoạt động giám sát thực sự "dám" và "sát".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem