Sau "30 Tết", TP.HCM sẽ hồi sinh

Nhật Lệ Thứ sáu, ngày 01/10/2021 14:02 PM (GMT+7)
Bước vào lộ trình mới, bỏ lại phía sau những tổn thất không nhỏ về con người, TP.HCM khi bắt đầu mở cửa trở lại từng bước cần tính toán cẩn trọng để không lặp lại vết xe đổ của ngày hôm qua.
Bình luận 0

Người Sài Gòn rộn rã đón chờ ngày mở cửa trở lại 1/10 như đón chờ năm mới với nhiều cảm xúc khó tả. 4 tháng ở yên trong nhà thiếu thốn đủ bề, 4 tháng trải qua nhiều hoảng loạn và mất mát, đường phố đầy kẽm gai, chốt chặn như thời chiến, thì nay, mọi người hy vọng một việc tưởng đơn giản nhất – ra đường đón tí gió tự do và bắt đầu cuộc sống bình thường mới.

Thế nhưng ngay sau đó, nhiều người giật mình vì lộ trình mở cửa còn chưa cụ thể, có gì đó khó nói khi vẫn còn đó chỉ thị người dân ra đường phải có "lý do chính đáng". "30 chưa phải là Tết", khi lý do chính đáng ai mà chẳng có, nhưng liệu có lặp lại câu chuyện đáng tiếc "bánh mì không phải thiết yếu"? Tư duy có còn mắc kẹt trong mớ bòng bong văn bản, hành chính xà quần như trước đó? 

Rồi đến sáng tỉnh dậy, người ta lại bàng hoàng trước cảnh cũ tái diễn - hàng ngàn người dân đi xe máy đến địa phận ranh giới tỉnh Long An chỉ mong được về quê.  Nỗi đau của người nhập cư cách đây mấy tháng khi tràn ra đường từ đêm trước vẫn còn đó. Việc tụ tập đông người cùng với xét nghiệm liên tục trên diện rộng nhiều tháng qua đã khiến không ít cư dân trong số họ trở thành F0.

Thì nay, cái điều cay đắng cùng nghịch lý vẫn tiếp diễn: TP vẫn muốn giữ họ lại làm lực lượng lao động, trong khi vòng tay ôm không xuể; còn nơi họ về lại không sẵn sàng đón nhận vì sợ quá tải người mắc Covid đến từ vùng dịch. Giả sử không đón họ về thì liệu địa phương đó có tránh được làn sóng Covid chung hay không?

Cũng có một tin tốt hơn, là tại TP.HCM, ngay sau đó đã có những chuyến xe khách bộ đội giúp người dân thu xếp về quê, xe máy thì có xe tải chở theo sau. Câu hỏi bỏ ngõ là liệu tất cả những ai muốn về nhà thời điểm này để người thân cưu mang qua ngày khốn khó, có được may mắn như vậy?

Sau "30 Tết", TP.HCM sẽ hồi sinh - Ảnh 2.

Hàng nghìn người dân các tỉnh ùn lại trên quốc lộ 1 từ tối qua đoạn qua huyện Bình Chánh khi muốn về quê. Các tấm bảng ghi tên từng tỉnh để tập hợp người dân lại thành nhóm. Chính quyền địa phương, công an, quân đội sẽ đưa xe buýt chở người dân về quê. Còn xe máy sẽ được chở bằng xe tải. Ảnh: Chinh Hoàng.

Nhưng nói gì thì nói, nhiều người cho rằng, TP.HCM khi bỏ hết chốt chặn, bỏ hết các kiểu giấy đi đường nhập nhằng là một điều đáng mừng trong tư duy chống dịch. Những gì sai lầm cũng đã sửa từ từ, dù phải trả giá không ít. Những lãnh đạo TP cũng đã nói lời xin lỗi người dân vì chính sách thay đổi liên tục và thực tế chưa kiểm soát được tình hình như mong muốn, mặc dù số ca tử vong đã giảm. Cho đến nay, cột mốc 4.000 người bị nhiễm Covid-19 và trên 100 người chết mỗi ngày cũng tương đương như khi mới vừa đóng cửa. Song số người ra đi vì dịch bệnh thì đã lên đến gần 2 vạn người theo thống kê chính thức. 

Sau "30 Tết", người Sài Gòn sẽ ra sao? Sống chung với Covid là xu hướng chung của thế giới. Tỷ lệ người tiêm vaccine đã bao phủ khá tốt, TP cũng đã lên các phương án tái mở cửa các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn phải 5K và an toàn là trên hết. Bởi thực tế không ít người tiêm 2 mũi vẫn bị nhiễm và thậm chí cũng có người qua đời.

Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn nhìn nhận: "Nhiều người vẫn còn e ngại dịch bùng phát trở lại. Tôi thì không ngại. Ngay cả khi mỗi ngày, Sài Gòn có 30.000, hay 50.000 người nhiễm mới, cũng chẳng có gì đáng ngại cả. Bảo tồn hệ thống y tế tối đa. Quản lí F0 ngay tại nhà bởi các cơ sở y tế đóng trên địa bàn. Củng cố các đội phản ứng nhanh, kịp thời cấp cứu các ca F0 tại nhà trở nặng cũng như kịp thời cho nhập viện những ca nặng".

Cũng theo bác sĩ Sơn, bệnh viện chỉ dành điều trị cho những ca nặng, như vậy, sẽ có chỗ cho những ca điều trị tại nhà trở nặng nhập viện ngay khi cần. Chuẩn bị sẵn thuốc men, oxy. Mặt khác, tích cực tìm nguồn vaccine tốt để phủ nhanh vaccine. "Chắc chắn, nếu làm tốt những điều đó, dịch không phải là điều ghê sợ như những gì diễn ra trong mấy tháng vừa qua…", bác sĩ nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng đã chỉ ra từng bước mở cửa sống chung với Covid. Bộ đội sau một thời gian miệt mài giúp dân, cũng ở lại TP cho đến tháng 11. Câu chuyện về kit xét nghiệm vẫn còn đó, là bài học về sự lợi dụng sợ hãi để lũng đoạn hoạt động chống dịch và mong rằng chính quyền nghe lời các chuyên gia giảm việc xét nghiệm quá nhiều quá rộng mà tốn kém, ít hiệu quả.

Dẫu thế, Sài Gòn đã thực sự sống lại, với những hàng quán mở cửa bán mang về khá nhộn nhịp, với những doanh nghiệp bắt tay trả nợ các đơn hàng xuất khẩu tồn ứ, các nhà máy cũng tìm lại cơ hội tưởng đã mất trong suốt thời gian cách ly…



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem