Bao giờ máy bay, tàu hỏa được vào Hà Nội?

Nguyễn An Thanh Thứ tư, ngày 29/09/2021 09:17 AM (GMT+7)
Làn sóng dịch vài tháng nay trên cả nước đều "diễn biến phức tạp", vậy thì bao lâu nữa người và các phương tiện giao thông được lưu thông ra vào Hà Nội, bao giờ mới có thể có các đường bay quốc tế? Câu hỏi này ai sẽ chịu trách nhiệm phải trả lời?
Bình luận 0

Ngày 27/9, Hà Nội đã có văn bản 3245/UBND-ĐT gửi Bộ GTVT đề nghị chưa thực hiện các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bài và vận tải hành khách bằng đường sắt đến Thành phố Hà Nội. Lý do được UBND TP.Hà Nội đưa ra là để đảm bảo mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và giữ vững an toàn tuyệt đối cho thủ đô.

Đến giờ phải nói rằng việc đóng-mở ra vào Hà Nội và nhiều địa phương khác, mỗi nơi làm một kiểu, không ai giống ai. Bản thân thủ đô lịch trình đình chỉ các hoạt động của các loại hình phương tiện giao thông cũng không cùng một thời điểm. 

Sớm nhất có lẽ là xe khách liên tỉnh, từ ngày 18/7, Hà Nội đã quyết định tạm dừng xe khách đến 37 tỉnh, thành phố. Từ ngày 22/7, Cục Hàng không dừng cấp phép cho các chuyến bay đến sân bay Nội Bài , ngoại trừ Vietnam Airlines thực hiện 2 chuyến khứ hồi/ngày đường bay Hà Nội - TP.HCM. Nhưng thực tế thì Vietnam Airlines cũng chỉ bố trí 1 chuyến bay từ TP.HCM ra Hà Nội. Chuyến thứ 2 chỉ thực hiện khi có nhu cầu chở đoàn công tác phòng, chống dịch; chở hàng kết hợp hành khách nếu có.  

Từ ngày 25/8, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dừng hoạt động đoàn tàu khách Thống Nhất SE7/8 duy nhất còn chạy Hà Nội - TP.HCM hàng ngày. Trước đó, các tuyến ngắn Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai…cũng tự dừng hoạt động do không có khách.

Thực ra không chỉ Hà Nội, mới đây các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên trong cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đều đề xuất không để người TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương ra khỏi khu vực. Lý do chỉ dừng lại ở việc các địa phương nói trên đã và đang có nhiều ca lây nhiễm, không hề có một con số minh họa nào trong đó.

TP.HCM và nhiều địa phương sắp kết thúc giãn cách xã hội, chuyển sang trạng thái "thích ứng an toàn với dịch", từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội. 

Nhưng nghe các thông tin như trên, người dân đặc biệt là các doanh nghiệp không khỏi băn khoăn, suy nghĩ. 

Trước hết, với các đề xuất cấm người và các phương tiện GTVT hoạt động như trên thì với góc độ quốc gia thực chất vẫn "ai ở đâu ở yên đấy". Các doanh nghiệp Hà Nội vẫn không thể khôi phục lại sản xuất kinh doanh khi nguyên, nhiên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra không thể lưu thông. 

Bao giờ máy bay, tàu hỏa được vào Hà Nội? - Ảnh 2.

Hà Nội đã mở cửa cho nhiều hoạt động kinh tế, nhưng vẫn chưa cho phép máy bay và tàu hoả nội địa tới thành phố. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Xưa nay, câu chuyện giao thông vận tải không của riêng ai, không chỉ là chuyện của Hà Nội, riêng Hà Nội, trách nhiệm lúc này đè nặng lên vai Bộ GTVT. Sân bay Nội Bài, ga Hà Nội không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của thủ đô mà nó còn là dùng chung cho các tỉnh, thành khác xung quanh.

Điều băn khoăn nữa là các đề xuất hiện nay của Hà Nội và các địa phương đều nặng về định tính, không có cột mốc thời gian cụ thể. Chẳng hạn: "Qua 60 ngày thực hiện giãn cách xã hội, TP Hà Nội cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19. Tuy vậy, UBND TP Hà Nội nhận định hiện nay, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố phía Nam và một số địa phương khác vẫn còn diễn biến phức tạp; dịch bệnh xâm nhập từ các tỉnh, thành phố khác vào Hà Nội vẫn còn rất cao". 

Vậy thì "kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19" như thế nào thì máy bay, tàu hỏa, ô tô sẽ được ra vào Hà Nội? Làn sóng dịch vài tháng nay trên cả nước đều "diễn biến phức tạp", vậy thì bao lâu nữa người và các phương tiện giao thông được lưu thông ra vào Hà Nội? Sau khi người và các phương tiện ra-vào Hà Nội thì bao giờ mới có thể có các đường bay quốc tế? Câu hỏi này ai sẽ chịu trách nhiệm phải trả lời?

Không chỉ người dân mà các hãng bay, các nhà xe, các đơn vị đường sắt cũng phải sớm có được câu trả lời. Ngay như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được Ủy ban quản lý Vốn tại các doanh nghiệp nhà nước phê duyệt "kế hoạch lỗ năm 2021" là 700 tỷ đồng thì nay cũng đã cơ bản "hoàn thành kế hoạch năm". Đoàn Tiếp viên đường sắt Hà Nội, đơn vị cấp chỉ nhánh lớn nhất của đường sắt chỉ có 30 người trong 800 cán bộ, công nhân viên đi làm. Thậm chí đến Phó Giám đốc Đoàn tiếp viên cũng đành phải viết đơn xin nghỉ việc vì không có lương để nuôi con ăn học. Với tình hình này tiếp tục kéo dài có số thua lỗ của đường sắt sẽ vượt xa 1.000 tỷ đồng, số lao động mất viêc làm sẽ vượt qua con số 6.000 lượt lao động. 

Các công ty vận tải đường bộ, các hãng hàng không cũng đang đối diện vào các tình trạng tương tự, không nhanh chóng tháo gỡ thì có nguy cơ phá sản.

Về lý luận, tính mạng người dân là thứ không thể đánh đổi, không an toàn thì Hà Nội không mở cửa là chính xác. Nhưng nếu "chống dịch như chống giặc" thì mọi thứ phải có con số định lượng rõ ràng, chứ không thể cảm nhận là chưa thể mở cửa thì đề nghị Bộ GTVT và Chính phủ cấm. 

Câu chuyện mới đây của Hà Nam là một ví dụ mà các nhà quản lý phải nghĩ. 23 giờ đêm 23/9 vừa qua, nghĩa là chỉ trước thời điểm giãn cách theo chỉ thị 16 đúng 1 giờ Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gọi điện cho Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam và đặt câu hỏi: "Phủ Lý có gần 200 nghìn dân, cùng với hơn 250 nghìn công nhân, tỉnh có đủ nguồn lực để giãn cách kéo dài, bảo đảm an sinh xã hội cho gần 500 nghìn người trong 2 tuần không?"  

Thủ tướng lưu ý, phong tỏa diện rộng như vậy, tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn về lưu thông hàng hóa, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, ảnh hưởng tới kinh tế xã hội.

Cuộc điện thoại của Thủ tướng đã giúp lãnh đạo Hà Nam phải suy nghĩ lại. Ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh đã họp khẩn ngay trong đêm và cuối cùng đưa ra quyết định chỉ giãn cách một số điểm các phường, xã: Châu Sơn, Lê Hồng Phong, Thanh Châu, Thanh Tuyền, Liêm Chính, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Minh Khai, Lương Khánh Thiện, Quang Trung, Phù Vân, Liêm Chung. Có phường 12 nghìn dân nhưng sau đó cũng chỉ phong tỏa 1 ngõ có 36 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu. So với quyết định ban đầu, phạm vi được thu hẹp hơn nhiều mà vẫn đảm bảo mục tiêu chống dịch.

Thực tế Hà Nam cho thấy, đây là quyết định sửa sai của tỉnh được dựa trên sở cứ khoa học, đã giảm thiểu thiệt hại đáng kể cho chính địa phương, được người dân đồng tình ủng hộ. Rõ ràng qua đó chúng ta thấy đang có nhiều đề xuất, quyết định của các tỉnh, thành thiếu đi tư duy phản biện như câu chuyện Phủ Lý vừa qua. 

Tất nhiên vì thế, với các quyết định phần nhiều dựa vào định tính như hiện nay sẽ không thể đưa ra được con số thiệt hại của các đối tượng liên quan, không đo được sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp. 

Đối với các doanh nghiệp FDI, với cách thức điều hành chống dịch như chúng ta khiến cho nhiều công ty nước ngoài đứng ngồi không yên. Trong chuỗi kinh doanh toàn cầu, các quyết định đóng - mở, thay đổi công suất đều phải được tính toán trước cả tháng trời.

Phải thay đổi tư duy. "Chúng ta đã áp đặt mô hình "zero Covid" quá dài. Chúng ta phong tỏa cứng đất nước, thực tế phong tỏa như vậy chỉ kéo dài được từ 7-10 ngày, chứ không thể làm tới gần nửa năm được. Làm như vậy thì đổ vỡ các chuỗi cung ứng" - cảnh báo của ông Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã khiến nhiều người phải suy nghĩ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem