Quảng Hà
Thứ năm, ngày 09/09/2021 14:32 PM (GMT+7)
Tối qua, hàng triệu người đã ám ảnh khi xem bộ phim tài liệu "Ranh giới". Áp lực với các bác sĩ đang ngày đêm giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19 là vô vàn. Nhưng Bộ Y tế lại tung cú sốc khi muốn "tăng cường quản lý" các y bác sĩ bằng công văn "doạ" tước chứng chỉ hành nghề nếu họ tự bỏ việc.
Em tôi, một bác sĩ được tăng cường chống dịch cho phía Nam, sau ngày đầu tiên đến nơi làm việc mới, về kể: Mới ngày đầu đã chứng kiến "đi" mấy bệnh nhân anh ạ. Vào đây mới biết dịch khủng khiếp thế nào.
Trong câu chuyện chat chit của mấy anh em, hiếm khi thấy em kêu ca vất vả, dù rằng qua những câu chuyện kiểu "số bệnh nhân tử vong tháng rồi còn nhiều hơn toàn bộ số ca chứng kiến từ khi đi làm", thì cũng đủ hiểu.
Nhưng hôm qua, bỗng thấy em kể nỗi khổ của các đồng nghiệp trong Nam: Làm ICU mà lương 6 triệu/tháng. Ngủ thì trải chiếu sàn hoặc giường xếp. Cơm hộp ròng rã, ngán tận cổ vẫn ăn. Đồ bảo hộ xin tài trợ thì lôm côm. Mấy tháng liền, sức người chịu thế nào? May mà người trong này họ hiền, chứ không thì bỏ hết rồi.
Hỏi tại sao bỗng dưng bữa nay lại kể khổ vậy, cậu em mới nói: Bức xúc lắm anh ạ. Tất cả anh em trong ngành luôn. Bọn em đi thế này đã nhận chế độ gì đâu, thu nhập giảm sâu. Mà nhân viên y tế trong này còn khổ hơn. Anh em làm vất vả đã không động viên thì thôi…
Tôi vốn cũng cảm thấy cái công văn số 7330/BYT-KCB v/v Tăng cường quản lý người hành nghề KBCB (khám bệnh chữa bệnh) có gì đó khá "gắt". Tuy vậy, tôi vẫn cố gắng tin vào lý do mà Bộ Y tế ban ra công văn này: Đã xuất hiện tình trạng đâu đó có những người hành nghề khám chữa bệnh đã tự ý bỏ vị trí, không làm nhiệm vụ. Vì lẽ đó, Bộ Y tế muốn tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát, xử lý hành chính hoặc thậm chí tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề với người tự ý bỏ việc hoặc vi phạm các quy định về đạo đức hành nghề. Nếu không xử lý thì nguy, bởi lực lượng y tế vốn đang phải căng sức có thể sẽ thiếu hụt hơn nữa.
Nhưng vì lẽ gì, em tôi và rất nhiều bác sĩ khác, những người không hề bỏ nhiệm vụ, đang liều cả mạng sống nơi tuyến đầu chống dịch, lại thấy bức xúc với một văn bản "tốt" như vậy?
Một bác sĩ viết thẳng thừng lên trang Facebook của mình: Thật là khốn nạn, nhưng nó phản ánh một thực tế phũ phàng cách đối xử với nhân viên y tế trong mùa dịch.
Xin trích ra đây một phần những điều anh viết: Có những lần, chỉ trong 1-2 tiếng đồng hồ, mà tận 4-5 bệnh nhân tử vong, phải nói là có thần kinh thép, mà có lẽ, sắt thép nào cũng tan chảy cả thôi, số bệnh nhân tử vong mà mình chứng kiến trong tâm dịch, đã vượt rất xa con số mà một người bình thường có thể chứng kiến trong cả cuộc đời họ. Chả nói đâu xa, ngay giữa đêm qua, 5 BN ngừng tim và 5 BN nguy kịch dọa tử vong, tất cả diễn ra chỉ trong vài tiếng, lúc đó quý vị ở đâu??? Từ ngày vượt qua hàng trăm vào tháng 8, thì mình không dám đếm nữa, vì không còn nước mắt mà khóc. Lệ như chực trào, nhưng mắt đã khô vì bao đêm thức trắng.
Mình vô cùng hiểu cảm giác bất lực, nát con tim khi chứng kiến từng bệnh nhân ra đi, áp lực vô cùng, nên việc nhiều nhân viên y tế trầm cảm, loạn thần, hay muốn nghỉ ngơi là điều vô cùng dễ hiểu. Mình nhớ rất rõ những ánh mắt, những lần nắm chặt tay những bệnh nhân tử vong đầu tiên trong nước mắt khi mới bước chân vào hành nghề bác sĩ, một cảm giác bất lực và tuyệt vọng... Nhưng có lẽ với những người chỉ làm bàn giấy, nó chỉ là những con số mà thôi, nên họ vô tâm, sẵn sàng đạp thẳng những nhân viên y tế đang trên bờ vực xuống địa ngục.
Xin cảm ơn bác sĩ đã viết rất chính xác: Những nhân viên y tế đang trên bờ vực.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, người ký công văn 7330, là người hiểu rõ: Mỗi bác sĩ, điều dưỡng hàng ngày phải chăm sóc và quản lý từ 140-150 người bệnh; mỗi ca trực của họ kéo dài 8 - 10 tiếng trong điều kiện mặc trang phục bảo hộ liên tục. Thậm chí ông biết điều kiện ăn uống với các bác sĩ ngoài Bắc vào tăng viện phía Nam là "khó ăn, không hợp khẩu vị". Nhưng chừng đó chỉ là một góc nhỏ. Chỉ chừng đó khó khăn chưa thể đẩy các bác sĩ đến bờ vực.
Những gì vị bác sĩ bức xúc viết ra cho biết những sự thật khác: Đó là các mạnh thường quân, từ thiện xã hội mới là những người lo cho các bệnh viện và nhân viên y tế nhiều nhất. Đó là có những em sinh viên hoặc mới tốt nghiệp, chưa ký hợp đồng với bệnh viện nào, đi chống dịch không nhận được một xu nhưng vẫn xung phong tình nguyện. Đó là chuyện nhiều bác sĩ chưa hề nhận được "phụ cấp chống dịch" hoặc nhận không được như công văn nêu ra, nhưng họ vẫn làm việc.
Tôi nghĩ rằng các lãnh đạo ngành y biết hết những chuyện đó. Vì họ cũng đã từng là bác sĩ. Họ cũng từng trải qua những ca trực dài hơn thế kỷ, cũng có cảm giác bất lực vì không thắng nổi bệnh tật, vì thiếu thốn dụng cụ thuốc men, họ cũng từng biết lương bác sĩ và nhân viên y tế, phụ cấp cho mỗi ca mổ khiêm tốn chừng nào. Họ cũng hiểu trong đại dịch, những áp lực đó tăng lên vô vàn.
Thế nhưng, tại sao, là lãnh đạo, họ không tìm cách giữ chân các y bác sĩ bằng "sức mạnh mềm", như bổ sung phụ cấp hợp lý, như sắp xếp giờ trực hợp lý – điều này có thể là không tưởng trong lúc này khi các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 đã quá tải, hay ít nhất, bằng sự động viên, khuyến khích, đề xuất những cơ chế tốt nhất cho nhân viên y tế?
Con số mà chúng ta có được đến giữa tháng Tám là khoảng 2.300 y bác sĩ, nhân viên y tế nhiễm Covid-19, 3 người tử vong. Áp lực đến đỉnh điểm, có những người rời bỏ đội ngũ là điều có thể đoán định, ngành y không lo giảm tải được cho y bác sĩ, mà còn tung ra một công văn "doạ" tước chứng chỉ hành nghề ráo hoảnh, bồi thêm một cú sốc tinh thần với họ giữa lúc nước sôi lửa bỏng.
Tối qua, cả nhà tôi, từ bà cụ 80 tuổi tai nghe không rõ đến đứa bé 7 tuổi, ngồi lặng yên xem bộ phim tài liệu Ranh giới trên kênh VTV1. Một điều hiếm thấy từ nhiều năm nay. Phim nói về các bác sĩ bệnh viện Hùng Vương, TPHCM. Bộ phim không lời bình, chỉ có sự thật trần trụi bằng hình ảnh và âm thanh sống. Tôi thấy ở đó những bệnh nhân chết, những ca bệnh bác sĩ bất lực, hơn 100 y bác sĩ nhiễm Covid. Tôi cảm thấy được bờ vực mấp mé đâu đó. Bên bờ vực đó các bác sĩ vẫn cố gắng không nghỉ. Họ đã kéo được nhiều sinh mạng lên khỏi vực sâu tử thần.
Gọi họ là các thiên thần cũng không quá. Nhưng thực ra thì họ là con người. Mà đã là con người thì sức lực không phải vô hạn. Họ có thể cố gắng hơn gấp đôi, gấp ba, cũng có thể ngã lòng ngay khi thấy đã đủ mệt. Cố gắng hay ngã lòng, một phần là ở cách chúng ta đối xử với họ.
Bộ Y tế có thể giữ cái lý của cơ quan quản lý. Còn cộng đồng, tôi tin, vẫn luôn yêu mến các bác sĩ bằng chữ tình và lòng biết ơn, vì chúng tôi không muốn đưa ân nhân của mình xuống địa ngục.
Xin hãy chỉ nói lời cảm ơn với họ. Cảm ơn vì đã dấn thân. Cảm ơn vì đã cứu giúp. Cảm ơn vì đã hy sinh. Cả với những bác sĩ đã mỏi mệt, mong một chút nghỉ ngơi: Xin cảm ơn vì đã gắng sức đến tận giờ phút này. Chúng tôi biết bạn là thiên thần, nhưng cũng là một con người.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.