Chuyện người tạc tranh đá Bác Hồ trên quê hương Đất Tổ

Ngô Hùng Chủ nhật, ngày 19/05/2019 18:49 PM (GMT+7)
Bằng sự kính yêu, biết ơn công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 năm nay, nghệ nhân Triệu Hoàng Giang (trú tại xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) đã miệt mài, cặm cụi tạc ra hàng chục bức tranh bằng đá, lột tả về sự nghiệp, con đường cứu nước, hình ảnh Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập.
Bình luận 0

img

Hơn 20 năm nay, nghệ nhân Triệu Hoàng Giang chỉ tạc tranh đá về sự nghiệp, con đường hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Ngô Hùng.

Trong không gian tư gia chật hẹp, đá được chất đống ngoài sân, nhấp ly trà đặc quánh, nghệ nhân Triệu Hoàng Giang đưa ánh mắt nhìn những bức tranh được tạc bằng đá treo khắp nhà và những bức đang còn dang dở. Ánh mắt của ông thể hiện sự khát khao, nhiệt huyết nhưng đan xen vào đó là sự trầm lắng, xúc động. Ông kể, cho đến tận bây giờ, không hiểu sao mình lại đam mê, hăng say đối với việc tạc tranh đá về Bác Hồ đến vậy. Cái đam mê này không thể diễn tả bằng lời, chỉ biết rằng nó luôn thôi thúc trong từng nhịp thở, ăn sâu vào tâm trí, len lỏi vào huyết quản và chưa từng nguội lạnh trong ông.

Theo nghệ nhân Triệu Hoàng Giang, ngay từ khi còn nhỏ, ông đã đam mê hội họa một cách mãnh liệt. Và chính niềm đam mê, cộng với năng khiếu đặc biệt, trong suốt quá trình đi học, ông được hợp tác xã Sơn Vi chấm công điểm vì đã có thành tích vẽ tranh sinh vật phục vụ bài giảng cho các thầy cô giáo trong trường.

"Nhờ thành tích cao trong học tập, hết cấp 3, tôi được cử sang Bungari học. Chính tại đây, tôi đã bén duyên với nghệ thuật điêu khắc", ông Triệu Hoàng Giang kể.

img

Ngay từ nhỏ, ông Giang đã có năng khiếu về hội họa. Ảnh: Ngô Hùng

Cũng theo ông Giang, trong quá trình học tại Bungari, nhiều lần thầy giáo người nước ngoài lấy hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh làm tư liệu bài giảng. Những lần như vậy, ông luôn cảm thấy xúc động, tự hào và thêm yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều hơn. "Với lòng kính yêu đó, ngay từ khi ở Bungari, tôi đã luôn ấp ủ phải thực hiện một bộ tranh điêu khắc về chân dung, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh", ông Giang nói.

Năm 1994, ông về nước, một mặt do kinh tế eo hẹp, mặt khác để tìm được loại đá thích hợp để tạc tranh không phải đơn giản nên ông chưa thực hiện được kế hoạch ấp ủ của mình ngay. Bởi lẽ, đá tạc tranh phải là loại đá xanh, không một vết xước, mặt đá phẳng. Chính vì điều kiện khắt khe về đá như vậy, cứ nghe thấy đá ở đâu đẹp, ông lại tìm đến. Trong bước đường đi tìm đá ấy, khắp các tỉnh như Nghệ An, Ninh Bình, Thái Nguyên... ông đều tìm đến. Thậm chí, không ít lần, ông phải ăn ngủ trong núi rừng nhiều ngày để chờ lấy một vài khối đá. Tuy nhiên, khi mang về dùng để tạc tranh lại không được như ý muốn.

Đang trong lúc chán nản khi không tìm được đá ưng ý, cũng đồng nghĩa với việc bao công sức, niềm đam mê ấp ủ từ lâu sẽ bị đổ bể thì ông vô tình gặp được một kỹ sư địa chất cho biết quanh khu vực núi Nhồi, thuộc vùng Đông Sơn, Thanh Hóa có loại đá mà ông cần.

img

Đá dùng để tạc tranh phải cứng, không một vết xước, mặt đá phải phẳng. Ảnh: Ngô Hùng

"Khi trông thấy loại đá này, tôi đã mừng chảy nước mắt vì gặp đúng loại mà tôi đi tìm kiếm bao lâu nay. Khi đem về thử, tôi thấy lên được hai mảng màu đen trắng như ý. Tranh đá khắc xong, nếu không tận mắt nhìn tranh nổi trên mặt đá, người ta dễ bị nhầm tưởng với tranh thủy mạc vẽ bằng chì. Đặc biệt, loại đá này không thấm thủy, chỉ cần dùng nước lã và kỳ cọ là có thể đánh cho bề mặt đá đang từ màu xám chuyển thành màu đen bóng, giúp tạo điểm nhấn cho tác phẩm bằng những chi tiết nhỏ", ông Giang vui mừng kể.

Năm 1997, khi đã chọn được đá ưng ý, ông ngay lập tức bắt tay vào thực hiện ấp ủ của mình. Bức tranh đầu tiên ông tạc là bộ tranh khắc đá về cuộc đời hoạt động chủ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Chiến dịch Biên giới trên núi Báo Đông (Cao Bằng), năm 1950.

img

Bức tranh đá đầu tiên về Bác do nghệ nhân Giang tạc. Ảnh: Ngô Hùng

Theo nghệ nhân Triệu Hoàng Giang, sở dĩ ông chọn đây là bức tranh đầu tiên để tạc là bởi ông ấn tượng mạnh về hình ảnh một vị lãnh tụ xắn quần chỉ huy mặt trận rất gần gũi và chưa từng có trên thế giới. 

Trong quá trình làm tranh, nghệ nhân Triệu Hoàng Giang đã phải sử dụng nhiều kỹ thuật đặc biệt. Có những dụng cụ thủ công đặc thù cho công việc mà không ở đâu bán, ông phải tự chế tạo. Nhìn những bức tranh đá của ông, từng sợi tóc của Bác Hồ được khắc vào tranh có hồn như đời thực mới thấy được hết trình độ chế tác cao siêu đến nhường nào.

Tác phẩm bản thảo Di chúc cuối cùng của chủ tịch Hồ Chí Minh là một tuyệt tác trong những sáng tác nghệ thuật của nghệ nhân Triệu Hoàng Giang từ trước đến nay. Tác phẩm được khắc họa không sai sót hay thiếu hụt dù chỉ một nét gạch xóa.

Để đưa được hồn chữ của Bác lên đá, nghệ nhân Triệu Hoàng Giang đã phải tỉ mẩn đến từng tiểu tiết, dùng kính hiển vi trong suốt quá trình lao động nghệ thuật để không bị mất một từ, một dấu chấm hay một dấu phẩy. Chữ được đục nổi lên trên mặt đá với kích cỡ đúng bằng nét bút mà Bác soạn thảo Di chúc trên giấy. "Nuôi" được nét chữ nào là phải đục ngay xung quanh chữ để hạ nét xuống. Nếu không cẩn thận, chỉ sứt một nét chữ nhỏ thôi là coi như phải bỏ đi cả bản thảo.

Cứ tỉ mỉ như thế, mỗi ngày, ông làm được 1 - 2 chữ cái. Tác phẩm hoàn thành sau 19 tháng, vừa kịp kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác vào năm 2009. Điều đặc biệt, ông làm tuyệt tác này hoàn toàn vào ban đêm.

img

Tác phẩm bản thảo Di chúc cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khắc họa không sai sót hay thiếu hụt dù chỉ một nét gạch xóa. Ảnh: Ngô Hùng

Theo nghệ nhân Triệu Hoàng Giang, điều khó nhất khi tạc tranh đá về Bác Hồ là khắc họa đôi mắt. Thông thường, một bức tranh tạc trong ba tháng thì ông phải dành riêng một tháng thể hiện đôi mắt. Trong các bức tranh của ông, có những nụ cười của Bác Hồ được ông sáng tác từ những phút xuất thần mà không thể làm lại lần thứ hai.

"Mỗi tác phẩm tôi làm đều có sự thăng hoa nhất định. Nhưng riêng với bản thảo Di chúc cuối cùng của Bác, tôi hoàn toàn làm trong trạng thái thiền tâm", ông Giang chia sẻ.

Sau hơn 20 năm mải miết với đam mê, đến nay, nghệ nhân Triệu Hoàng Giang đã có một bộ sưu tập hơn 30 bức tranh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Từ những miêu tả Bác ra đi tìm đường cứu nước, cho đến hình ảnh “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập”, “Bác Hồ với các đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam” và các hoạt động của Bác tại Lán Nà Lừa (Tuyên Quang), lán Khuẩy Nậm (Cao Bằng), làng Kim Liên (Nghệ An)…

Để có được bộ sưu tập hơn 30 bức tranh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ bản thân nghệ nhân, mà những người trong gia đình, đặc biệt là người vợ, suốt thời gian qua đã ủng hộ, góp sức trong từng tác phẩm của ông.

Tranh đá của nghệ nhân Triệu Hoàng Giang đã được trưng bày nhiều nơi, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước biết tới và khen ngợi. Đặc biệt, bộ tranh đã được cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp trân trọng trưng bày tại nhà riêng số 30 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội nhân kỷ niệm lần thứ 96 ngày sinh của mình.

Được biết, tâm nguyện của ông Giang là có thể làm hết cả 7 bản thảo di chúc của Bác trên bảy khối đá lớn có trọng lượng từ 1-2 tấn. Hy vọng, ông sẽ sớm thực hiện được ý nguyện của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Để tranh đá về Hồ Chủ Tịch vươn xa ra tầm thế giới".

img

Bác và các Đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, năm 1969. Ảnh: Ngô Hùng

img

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm lại Pác Bó (Cao Bằng) vào ngày 20/2/1961. Ảnh: Ngô Hùng

img

Bác Hồ thăm Hợp tác xã Nam Tiến, nay là Thị trấn Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ vào ngày 19/8/1962. Ảnh: Ngô Hùng

img

Bác Hồ đọc Báo trong giờ nghỉ trưa. Ảnh: Ngô Hùng

img

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945. Ảnh: Ngô Hùng

"Tôi chỉ là một nghệ nhân bình thường, tôi có nhiều dự định lắm, nhưng nguyện vọng lớn nhất của tôi hiện nay là truyền bá lại cho hậu thế những vốn có hiện tại. Còn bản thân tôi hiện nay, bằng những sức lực và quãng thời gian còn lại của cuộc đời, tôi muốn dành hết tâm sức để sáng tác nhiều hơn nữa những "di sản" vô giá, nhất là trong thời điểm đất nước đang đẩy mạnh phong trào tuyên truyền về Tư tưởng Hồ Chí Minh với thế hệ trẻ", nghệ nhân Triệu Hoàng Giang chia sẻ.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem